Thứ Ba ngày 10 tháng 9 năm 2024

Hôm nay tôi là công dân ASEAN

asean-community-01b

Sau một đêm ngủ thẳng cẳng, sáng nay, 31-12-2015, tôi đã thức dậy mà không hề nhớ mình đã có một vị thế (status) mới. Đó là kể từ hôm nay, tôi chính thức là một Công dân ASEAN.

Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community, AC) chính thức ra đời gồm 10 nước Đông Nam Á thành viên Hiệp hội ASEAN.

Quyết định xây dựng Cộng đồng ASEAN đã được các nhà lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 9 (Bali, Indonesia tháng 10-2003). AC gồm 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (APSC, ban đầu gọi là Cộng đồng An ninh ASEAN – ASC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC). Nền tảng của sự kiện này là vào tháng 12-1997, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN và sau khi hiệp hội đã có đủ cả 10 nước Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, với mục tiêu chung là đưa ASEAN trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau” với nguyên tắc tồn tại và hoạt động cốt lõi của ASEAN là “đồng thuận và thống nhất trong đa dạng”

Và cuối cùng, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 22-11-2015, lãnh đạo các nước thành viên đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN, chính thức ra đời từ ngày 31-12-2015.

Vậy thì có gì khác biệt giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Cộng đồng ASEAN (AC)? Ngay từ tên gọi đã cho thấy sự khác biệt: một cái là tổ chức, còn một cái là cộng đồng. Trong khi ASEAN với nền tảng pháp lý là Tuyên bố Bangkok 1967 (tuyên bố thành lập ASEAN), AC dựa trên Hiến chương ASEAN (một dạng hiến pháp của ASEAN được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 13 Singapore tháng 11-2007 và có hiệu lực từ tháng 12-2008). ASEAN là một tổ chức liên minh chính phủ, còn AC là một cộng đồng gồm các quốc gia thành viên. Vì thế, với đặc thù của mình, AC không phải là một siêu quốc gia như Liên minh châu Âu (EU) hay các liên đoàn, liên minh khác. AC sẽ là một cộng đồng mở, có thể nối kết và chia sẻ với các nước bên ngoài.

Nếu xét dưới hình thức một thực thể, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới với tổng GDP năm 2013 là 2.400 tỷ USD. Theo lộ trình tăng trưởng, ASEAN có thể vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050. Với tổng số dân hơn 600 triệu người, ASEAN là một thị trường lớn hơn cả EU hay Bắc Mỹ. Đây cũng là nguồn lao động lớn thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Do nằm trong nhóm 4 nước có nền kinh tế thấp nhất (Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam), Việt Nam được đặc quyền kéo dài thời gian chuẩn bị thêm vài ba năm nữa đối với một số tiêu chí trước khi hòa nhập đầy đủ vào Cộng đồng ASEAN. Với thuế nhập khẩu sẽ bằng 0, hàng hóa các nước AESAN khác sẽ tràn ngập thêm trên thị trường Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam cũng được tự do ra thị trường các nước, nhưng có chinh phục được người tiêu dùng nước họ không lại là chuyện khác.

Và kể từ ngày 1-1-2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, chính thức được hình thành. Trong đó, thị trường lao động được mở rộng trong toàn khối. Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trước mắt có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Như vậy, việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận lao động từ các nước ASEAN khác sẽ khiến cho các lao động Việt Nam phải tăng thêm năng lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Đồng thời, việc các nhân sự tài giỏi của Việt Nam có thể rộng đường làm việc ở các nước trong khu vực sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải đau đầu với bài toán giữ người tài.

Sau khi đã hết thời hạn đặc biệt dành cho các nước có cái này cái kia kém thế hơn, dù sao cũng chỉ vài ba năm thôi, tất cả các nước ASEAN sẽ bằng vai phải lứa với nhau về quyền hạn và trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN. Ai cứ để mình bị yếu trong người mà phải ra gió như mọi người nếu có đổ bệnh thì ráng mà chịu. “Triết lý con ruồi” chỉ sống được thời ao làng, đừng có mơ mà ra hồ to chớ chưa nói gì tới biển lớn.

Người Việt Nam mình có một cố tật: nước tới chân mới chịu nhảy. Điều đó lâu nay đã lộ rõ trong tiến trình chuẩn bị hội nhập AC.

Một ngày nào đó, có thể Cộng đồng ASEAN sẽ có một múi giờ chung, có visa và passport chung,…

Cuối cùng, trong ngày đầu tiên trở thành công dân ASEAN, tôi giận mình sanh nhằm thế hệ. Có cách nào cho con có thế lấy được một cô vợ ASEAN nữa đây nè Giàng?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 31-12-2015)

+ Nguồn minh họa: Internet.