Camera theo chân cảnh sát
Hình ảnh những viên cảnh sát tuần tra ngoài lủ khủ những công cụ hỗ trợ quen thuộc giờ có thêm một chiếc camera tí hon đeo trước ngực đã trở nên quen thuộc hơn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải công bố một ngân sách dành riêng để trang bị camera cá nhân cho cảnh sát tuần tra sau khi xảy ra ngày càng nhiều những vụ cảnh sát bạo lực, thậm chí bắn chết, người dân. Nhận định bước đầu cho thấy, từ khi có camera giám sát, cảnh sát trở nên “ngoan” hơn và cũng an tâm hơn vì có chứng cứ khi lỡ xảy ra khiếu kiện của người dân.
Ở Mỹ, cảnh sát thường đi tuần tra thành một cặp 2 người để có thể hỗ trợ lẫn nhau cũng như làm chứng cho nhau. Người dân rất ngán cái chuyện này. Lỡ xảy ra chuyện gì mà cả hai cảnh sát cùng khai giống nhau thì đối tượng thiệt là mệt mỏi. Cũng may là bây giờ vào thời công nghệ được phổ cập và mạng truyền thông xã hội Internet với những nhà báo công dân chi phối và bao trùm mọi ngõ ngách cuộc sống, mọi chuyện trắng đen dễ được công khai. Khi hầu như ai cũng có một chiếc smartphone có khả năng quay phim, chụp hình, sự giám sát của công chúng xã hội trở nên dễ dàng và hiện thực hơn. Nhân viên công vụ nào mà không biết ý tứ giữ mình rất dễ có khả năng trở thành những “ngôi sao” trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube,…
Vì thế, với những cảnh sát chân chính, camera giám sát là một người bạn trợ thủ cho họ khi cần phải “đôi co” với những người khiếu kiện.
Trước đây, cảnh sát Mỹ đã gắn camera giám sát trên những chiếc xe tuần tra để ghi lại những gì đang xảy ra trên đường hay tại hiện trường. Khi giải quyết việc gì với người dân, các sếp cảnh sát phải đứng trước camera. Các camera này hoặc truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm, hoặc lưu vào trong máy mà chỉ có chuyên viên được giao nhiệm vụ mới có thể truy xuất được. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng có ai đó muốn “thay trắng đổi đen”.
Thật ra, việc trang bị camera gọi là “máy ảnh gắn trên người” (body camera) đã được một số sở cảnh sát ở Anh và Mỹ áp dụng từ khá lâu. Ngay từ năm 2006, cảnh sát các thành phố Devon và Cornwall của Anh đã thử nghiệm việc trang bị camera cho cảnh sát, sau đó những thành phố khác như Strathclyde, Hampshire, đảo Isle of Wight,… cũng làm thử.
Thú vị là ở Rialto, một thành phố nhỏ của dân lao động bên ngoài thành phố Los Angeles (Mỹ) từng xuất hiện trong các bộ phim Transformers và The Hangover của Hollywood. Đây cũng chính là nơi thử nghiệm việc cho cảnh sát tuần tra đeo những chiếc camera nhỏ xíu trên người. Và Rialto đã trở thành một điển hình cho cảnh sát cả nước Mỹ sau khi một thẩm phán Liên bang ở New York tán dương sáng kiến này. Hiệu quả quá nhãn tiền. Sau khi cảnh sát được trang bị camera đeo trên người vào tháng 2-2012, số vụ người dân khiếu kiện chống lại cảnh sát giảm 80% so với 12 tháng trước đó, và số vụ cảnh sát dùng vũ lực giảm 60%. Tony Farrar, cảnh sát trưởng của Rialto, nói rằng: “Khi bạn biết mình đang bị quan sát, bạn sẽ có cách cư xử tốt hơn một chút. Đó chỉ là bản năng của con người. Còn với tư cách một nhân viên công lực, bạn sẽ phải hành động chuyên nghiệp hơn, tuân thủ luật pháp tốt hơn.”
Trước đây qua những video clip do hệ thống camera an ninh của các cửa hàng ghi được, người ta có thể nhìn thấy những vụ cảnh sát chạy bộ rượt đuổi tội phạm và có thể nghe tiếng cảnh sát thở hổn hển, rồi thôi vì ra khỏi vùng camera; hay qua những video do camera gắn trên xe cảnh sát ghi được cho thấy cảnh rượt đuổi trên đường và kết thúc là một vụ bắt giữ mà khó lòng phân xử được nội vụ thực tế ra sao. Tất cả mọi chứng cứ chỉ dựa vào “miệng cảnh sát”. Còn bây giờ, một khi có camera gắn ngay trên ngực mình, theo sếp cảnh sát Farrar, “nhân viên công lực phải ý thức hơn về những gì mình nói và cách mình hành xử với người dân”.
Thành phố Rialto đã được bang California và liên bang cấp cho 100.000 USD để trang bị camera cá nhân cho cảnh sát (khoảng 1.000 USD một chiếc) và xây dựng hệ thống máy chủ và cáp quang. Mỗi cảnh sát được trang bị 1 camera nhỏ gắn trên cổ áo, kính đeo mắt hay nón. Hình ảnh ghi được sẽ được tải lên một dịch vụ đám mây có tính năng bảo mật cao. Theo luật của bang California, cảnh sát không bị buộc phải thông báo cho người ta biết việc họ đang bị ghi hình.
Tất nhiên, việc cảnh sát được quyền ghi hình trong khi làm nhiệm vụ, đặc biệt là trong khi tuần tra trên đường phố, cũng đã khiến cho nhiều người lo ngại quyền tự do riêng tư của công dân bị xâm phạm. Chẳng hạn bữa nào có ông đang dẫn “phở” đi ăn cơm rồi lọt vào ống kính của cảnh sát để xui rủi sau đó video được công chiếu trên YouTube thì đúng là có nguy cơ “cháy nhà”. Cảnh sát trưởng thành phố Rialto khẳng định rằng việc kiểm soát được thực hiện nghiêm ngặt vì “không ai muốn nhìn thấy những video nhạy cảm phát trên YouTube”.
Báo Mỹ The Huffington Post hồi tháng 8-2015 đã khảo sát 27 thành phố lớn ở Mỹ và phát hiện chỉ mới có 2 thành phố Albuquerque và New Orleans hoàn tất chương trình trang bị camera cá nhân cho cảnh sát. Ở thành phố Baltimore, hội đồng thành phố hồi năm 2014 đã thông qua một luật yêu cầu sở cảnh sát trong vòng một năm phải trang bị cho tất cả 2.800 viên cảnh sát trực thuộc mỗi người một camera cá nhân. Nhưng bà thị trưởng đã bác luật này vì không đủ tiền. Với giá từ 200 USD tới 1.000 USD cho mỗi camera, chưa kể cơ sở hạ tầng, đây quả là một gánh nặng cho hầu hết địa phương ở Mỹ.
Hồi tháng 5-2015, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã loan báo cấp 20 triệu USD cho các sở cảnh sát địa phương trang bị camera cá nhân. Tuy nhiên, việc này đang bị Quốc hội nằm trong tay đảng Cộng hòa lần lữa câu giờ.
Bất luận thế nào, theo báo The Huffington Post, nước Mỹ đang chuyển theo hướng sử dụng rộng rãi camera cá nhân gắn trên người cảnh sát khắp cả nước.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Nguồn ảnh: Internet.
+ Xin mời đọc bài in trên báo Pháp Luật TPHCM Chủ nhật 3-1-2016 hay trên Pháp Luật TP Online.