Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Vũ điệu Bắc Cực Quang qua ống kính Lumia 950

stephen-alvarez-lumia-950-aurora-01

 

Stephen Alvarez, nhiếp ảnh gia của tạp chí National Geographic thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ National Geographic Society, hôm 2-3-2016 tâm sự trên trang blog của hệ điều hành Windows rằng: cách đây 2 năm rưỡi, ông đã được yêu cầu làm những chuyến du hành để chụp ảnh 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới (Seven Natural Wonders of the World) bằng những chiếc máy ảnh Lumia của Microsoft. Và ông đã nhận lời.

Từ năm 2014 tới nay, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng này đã thực hiện được các chuyến đi săn ảnh đủ 7 Kỳ quan thiên nhiên thế giới:

– Hải cảng Rio De Janeiro (Brazil) với chiếc Lumia 1020.

– Đại vực Grand Canyon (bang Arizona, Mỹ) với chiếc Lumia 1020

– Đỉnh núi Everest cao nhất thế giới (nằm trong rặng Mahalangur Himal thuộc dãy núi Himalayas ở Nepal và Tây Tạng) với 2 chiếc Lumia 930 và Lumia 1520.

– Thác Victoria Falls (còn có tên Mosi-oa-Tunya ở miền nam châu Phi, trên con sông Zambezi ở biên giới 2 nước Zambia và Zimbabwe) với chiếc Lumia 830.

– Miệng núi lửa Paricutin (bang Michoacán, Mexico) với chiếc Lumia 640 XL

– Rạn san hô Great Barrier Reef (ngoài khơi bang Queensland ở đông bắc Australia) với 2 chiếc Lumia 950 và Lumia 950 XL

– Hiện tượng Bắc Cực Quang (Aurora Borealis ở Bắc Cực) với chiếc Lumia 950.

Stephen nói rằng việc được giao đi chụp ảnh 7 kỳ quan này là một nhiệm vụ vĩ đại. Và cũng là một nhiệm vụ đầy thách thức. Anh phải chụp những hình ảnh chất lượng cao đạt chuẩn của National Geographic chỉ bằng những chiếc smartphone Lumia thay vì những chiếc máy ảnh nhà nghề.  

Và Stephen đã ghi chú lại những ấn tượng của mình khi tới những địa điểm chụp ảnh nổi tiếng thế giới đó.

– Rio de Janeiro: nóng và ẩm

– Núi Everest: cao độ cao và lạnh

– Victoria Falls: những con thú nguy hiểm

– Núi lửa Paricutin: bụi cát và dơ bẩn

– Great Barrier Reef: dưới nước

Stephen viết: “Với 20 năm kinh nghiệm chụp ảnh cho tạp chí National Geographic của tôi, tất cả các vấn đề đó đều có thể xử lý được (ở 6 vị trí trước đó). Nhưng hiện tượng Bắc Cực Quang (Aurora Borealis, hay Northern Lights) có những thách thức mà ban đầu tôi đã không chắc là mình có đương đầu được không.”

Bắc Cực Quang là kỳ quan tự nhiên (Natural Wonder) duy nhất chứ không phải là một địa điểm. Stephen chia sẻ: “Chúng là hiện tượng. Sự xuất hiện của chúng dựa trên sự tương tác của các hạt tích điện được phóng thích bởi các trận bão Mặt trời lao vào bầu khí quyển và từ trường của Trái đất. Các trận bão Mặt trời lại không liên tục, không thể dự đoán được và đó chính là Bắc Cực Quang. Đi cặp kè với sự không thể dự đoán được của những tia sáng là khí hậu cực kỳ lạnh và thời tiết tệ hại ở cực Bắc Trái đất.”

Nhà nhiếp ảnh Stephen nói: “Khi hiện tượng Bắc Cực Quang xảy ra, các tia sáng có thể rất ngoạn mục, nhưng chúng lại không sáng rực. Trong khi đó, điểm yếu của smartphone luôn luôn là chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu. Vì lẽ đó, tôi đã phải làm cái việc hợp logic là sắp xếp các nhiệm vụ lại và để cho chuyến đi chụp Bắc Cực Quang nằm ở cuối cùng.”

Theo Stephen, điều này không phải chỉ là chuyện trì hoãn, việc dễ làm trước, khó làm sau. Anh giải thích: “Là một Đại sứ Thiết bị (Devices Ambassador) của Microsoft, tôi hiểu công nghệ điện thoại chụp ảnh của Microsoft đang phát triển với một bước tiến thần kỳ. Một khi tôi đã có chiếc Lumia 950 trong tay mình, tôi chắc chắn nó có khả năng chộp được một hiện tượng thiên nhiên chỉ xảy ra ban đêm.”

Để chụp ảnh hiện tượng Bắc Cực Quang, Stephen đã chọn tới Vòng Bắc cực (Arctic Circle), ở Bắc Phần Lan và Bắc Na Uy. Mục đích là để nhìn thấy những phong cảnh khác nhau và những người dân khác nhau ở vùng đất của Bắc Cực Quang trong khi chờ một sự kết hợp tối ưu của thời tiết và màn trình diễn ánh sáng tự nhiên này.

Trời buốt giá khi Stephen chụp ảnh ở Phần Lan. Nhiệt độ khoảng âm 35 độ C. Trong tháng 1, ngày ở đó ngắn, chỉ có 2-4 giờ có ánh sáng ban ngày, vì thế Stephen có nhiều thời gian ban đêm để “bắt” được các vũ nữ Bắc Cực Quang khi chúng xuất hiện.

Stephen Alvarez and John Burcham.

Hai nhà nhiếp ảnh Stephen Alvarez và John Burcham của tạp chí National Geographic trong giá buốt ở Phần Lan.

Vào các đêm, Stephen và nhóm bạn đi bộ xuyên qua các vùng đất phủ dày tuyết của mùa đông Phần Lan. Các đôi mắt họ dán lên bầu trời tìm kiếm và chờ đợi. Họ nhìn các đám mây và tự hỏi phải chăng đó là Bắc Cực Quang? Rồi một đêm nọ, khi nhiệt độ xuống tới âm 40 độ C, các nàng vụ nữ tia sáng kỳ diệu của họ đã xuất hiện. Stephen mô tả là có những tấm màn ánh sáng từ chân trời này tới chân trời kia.

Nhà nhiếp ảnh Stephen kể lại: “Tôi chụp ảnh hiện tượng Bắc Cực Quang bằng chiếc Lumia gắn trên một chiếc chân máy ảnh và chỉnh độ nhạy ISO giữa 100 tới 400, thời gian phơi sáng khoảng 4 giây. Cái chân máy bằng kim loại lạnh tới mức làm bỏng cả những ngón tay tôi khi chạm vào.”

A lumia 950 shoots time lapse images in Norway.

Chiếc Lumia 950 của Stephen khi chụp ở Na Uy.

Stephen đã chụp hàng loạt ảnh trong khi những chiếc ruybăng ánh sáng màu cam lục và trắng lả lướt đan vào nhau trên bầu trời. Ông ví chúng “như những con rồng đang bay lượn bên trên chúng tôi”. Và ông tâm sự: “Tôi đã không thể tin được những gì mình thấy cả trên đầu mình lẫn trên màn hình Lumia.”

stephen-alvarez-lumia-950-aurora-02_resize

Hiện tượng Bắc Cực Quang được chụp bằng Lumia 950.

stephen-alvarez-lumia-950-aurora-03_resize

Kết thúc bài viết của mình, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của tạp chí National Geographic lừng danh thốt lên: “Ánh sáng yếu, rào cản cuối cùng đối với nhiếp ảnh smartphone, đã bị khuất phục. Tôi đã chụp hiện tượng Bắc Cực Quang bằng một chiếc smartphone!”

PHẠM HỒNG PHƯỚC   

 

National Geographic-logo

Hiệp hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ National Geographic Society được thành lập từ năm 1888. Đây là một trong những tổ chức khoa học và giáo dục phi lợi nhuận lớn nhất thế giới. Tổ chức này đã bền bỉ làm sứ mạng truyền cảm hứng cho mọi người chăm lo cho Hành tinh. Nó quan tâm tới địa lý, khảo cổ học và khoa học tự nhiên, và cổ vũ cho việc bảo tồn lịch sử và bảo toàn môi trường.

National Geographic-cover

Tạp chí National Geographic phát hành hàng tháng, số đầu tiên ra tháng 10-1888, nghĩa là cách nay 127 năm. Vào tháng 12-2013, tạp chí này đạt số lượng tổng phát hành toàn cầu 6,8 triệu bản/tháng với gần 40 ấn bản ngôn ngữ địa phương. Riêng ở Mỹ, nó phát hành khoảng 3,5 triệu bản mỗi tháng.

Từ đầu, tạp chí National Geographic hoàn toàn thuộc Hiệp hội National Geographic Society. Vào tháng 9-2015, hiệp hội này đã công bố thỏa thuận với hãng truyền thông đại chúng 21st Century Fox để hình thành đối tác mới quản lý tờ tạp chí National Geographic. Liên doanh National Geographic Partners này do hãng 21st Century Fox quản lý (nắm giữ 73% cổ phần) và Hiệp hội National Geographic chỉ giữ 27% cổ phần.

Hiệp hội National Geographic tạp chí National Geographic đều có website riêng. Họ cũng có kênh truyền hình riêng mà những ai đang thuê bao truyền hình cáp SCTV/HTVC hay vệ tinh ở Việt Nam đều có thể theo dõi hàng ngày.

Stephen-Alvarez-in-Rio

Nhà nhiếp ảnh Stephen Alvarez với chiếc Lumia 1020 trong chuyến đi chụp kỳ quan Hải cảng Rio de Janeiro.

Xin mời xem video về chuyến đi của Stephen Alvarez tại Rio de Janeiro.