Thứ Bảy ngày 11 tháng 1 năm 2025

Bản quyền YouTube

youtube-iphone

 

Sở dĩ tôi đặt cái tít là “Bản quyền YouTube” là vì muốn nói tới cả hai khía cạnh “bản quyền của YouTube” và “bản quyền từ YouTube”. Cả hai chuyện này đều phức tạp và ẩn chứa nhiều rắc rối cho người dùng mạng truyền thông xã hội chia sẻ video lớn nhất thế giới này.

Bây giờ, mạng YouTube (ra đời năm 2005 và hiện do Google làm chủ, từ năm 2006) đã trở thành một trong những mạng truyền thông xã hội mạnh nhất thế giới, không chỉ với quy mô toàn cầu, mà còn bởi kho video clip khổng lồ mà nó đang cung cấp cho mọi người.

Sức tăng trưởng của YouTube thật là khủng khiếp, như thể nó đã “gãi đúng chỗ ngứa” của quảng đại người dùng. Tầm mức phổ cập của nó càng được mở rộng hơn với tốc độ nhanh hơn theo trào lưu smartphone có tính năng xem video online để xem các nội dung trên YouTube và có khả năng ghi video để post lên chia sẻ trên YouTube. Từ điển bách khoa Wikipedia cho biết: Bản Beta của YouTube ra đời tháng 5-2005 và tới tháng 9 năm đó đã có video đầu tiên đạt số lượng lượt xem tới 1 triệu view (một quảng cáo của hãng dụng cụ thể thao Nike). Vào thời điểm YouTube hoạt động chính thức ngày 15-12-2005, mạng này đã đạt được 8 triệu lượt xem mỗi ngày. Tới tháng 7-2006, YouTube có hơn 65.000 video mới được tải lên mỗi ngày và đạt 100 triệu lượt xem mỗi ngày. Hiện nay, YouTube là nhà cung cấp video online thống lĩnh thị trường ở Mỹ với thị phần khoảng 43% và đạt hơn 14 tỷ lượt xem trong tháng 5-2010. Năm 2014, YouTube khoe mình đã đạt mức bình quân 300 giờ video được tải lên mỗi phút, tăng gấp 3 lần chỉ hơn 1 năm trước đó. Có khoảng 3 phần 4 số lượng nội dung là của người dùng ở ngoài nước Mỹ. Theo ước tính, YouTube có 800 triệu người xem một tháng. Đây là website có nhiều người truy cập lớn thứ 3 thế giới (tháng 6-2015).

YouTube là thiên hạ vô đối, được coi là nhà cung cấp chương trình truyền hình và video clip lớn nhất thế giới, thu hút hơn 15 tỷ lượt người xem mỗi tháng.

Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi hầu hết các hãng truyền hình, hãng phim lớn nhỏ trên thế giới đều hợp tác với YouTube để mở những kênh riêng. Ngày cả Quốc hội và Nhà Trắng Mỹ cũng có kênh riêng trên YouTube. Nhiều báo và tạp chí in hay điện tử cũng mở kênh YouTube.

Nhưng bao trùm lên tất cả ở chỗ YouTube chính là kênh truyền hình cá nhân của mọi người. Chỉ cần đăng ký trở thành một thành viên của YouTube là bạn có thể chia sẻ các video của mình cho cả thế giới.

Điều được cộng đồng mạng đánh giá là “chơi đẹp” khi YouTube chấp nhận hợp tác cùng kinh doanh với các đối tác và chia sẻ lợi nhuận cho những người tạo ra nội dung trên YouTube. Nói nôm na là các thành viên nào sáng tạo được những video clip càng có nhiều người xem, càng được chia nhiều tiền hơn. Hồi tháng 5-2013, YouTune đưa ra chương trình thử nghiệm cho phép 53 kênh có thuê bao được thu tiền từ người xem với mức từ 0,99 USD tới 6,99% USD một tháng. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các nội dung trên YouTube vẫn là miễn phí và mạng này thu lợi từ chi phí quảng cáo được chèn vào các video. Trong khuôn khổ chương trình đối tác Partner Program áp dụng từ tháng 5-2007, doanh thu từ quảng cáo chèn vào video sẽ được chia 45% cho YouTube và 55% cho người cung cấp video. Vào năm 2013, một quảng cáo “pre-roll” (chiếu trước khi video chính được phát) có mức thu từ nhà quảng cáo là 7,6 USD cho mỗi 1.000 lần xem. Nếu như video đó có sức hấp dẫn người ta xem được một nửa, chủ nhân sẽ được nhận mức 2,09 USD cho mỗi 1.000 lần xem (tức là phân nửa so với khi video được xem trọn vẹn). Cách tính này vừa khuyến khích người tạo nội dung đầu tư nhiều hơn, vừa tránh tình trạng “gian lận” chỉ cần mở ra rồi đóng là vẫn “ăn tiền”. YouTube có 500 đối tác kiếm được hàng năm từ 100.000 USD trở lên. Riêng 10 đối tác có doanh thu cao nhất trong năm 2012 kiếm được từ 2,5 triệu USD tới 12 triệu USD từ các video trên YouTune.

Chính vì sự phổ cập quá lớn và có thể kiếm được tiền không phải nhỏ của YouTube mà người ta đua nhau tạo ra hay “sưu tầm” các video clip để post lên hoặc là để nổi tiếng, hoặc là để kiếm nhiều tiền. Từ đó, phát sinh ra vấn đề bản quyền ngày càng phức tạp và gay gắt.

Để hạn chế tình trạng bị kiện tụng vì chia sẻ các nội dung vi phạm bản quyền, YouTube đã đề ra những quy định về bản quyền phải nói là nghiệt ngã và phức tạp.

Theo quy định, nếu bị một “cú đánh bản quyền” (copyright strike), tức là bị chủ nhân của nội dung có bản quyền đó khiếu nại với YouTube và đưa ra một yêu cầu pháp lý hoàn toàn (complete legal request) đòi YouTube phải xóa hoàn toàn video vi phạm, bạn sẽ không chỉ bị gỡ bỏ video bị “chiếu tướng” mà còn bị YouTube treo tài khoản trong 6 tháng thử thách (sau khi bạn đã trải qua và “tốt nghiệp” khóa học về bản quyền do YouTube mở). Trong 6 tháng đó, kênh YouTube của bạn bị khóa một số tính năng, đặc biệt là không còn được kiếm tiền qua quảng cáo và chỉ được post các video có độ dài dưới 15 phút. Nếu trong vòng 6 tháng “án treo” đó mà bạn dính tổng cộng 3 “cú đánh bản quyền”, bạn bị coi là “ngoan cố hết thuốc chữa” và sẽ bị YouTube xử trảm toàn bộ tài khoản của mình, có nghĩa là bạn mất tài khoản YouTube và bị xóa hết tất cả các video mình tải lên trước giờ. YouTube răn đe rằng một khi đã bị xóa bỏ tài khoản vì phạm lỗi, người dùng sẽ không thể tạo tài khoản mới được. Tất nhiên, bạn chỉ có thể tạo tài khoản mới với “lý lịch” và “nhân thân” khác.

Hầu hết các vi phạm bản quyền ở YouTube có liên quan tới âm nhạc. Khi chèn nhạc nền cho video mình, bạn rất dễ bị dính lỗi này. Điều nghiệt ngã là có những khi bạn quay một video ở một nơi hay trong một sự kiện đang phát nhạc, bạn cũng có thể bị dính lỗi bản quyền. Cũng may là trong phần lớn lỗi âm nhạc này, bạn chỉ bị lưu ý và chủ nhân bản quyền có thể cho phép video đó tiếp tục ở trên YouTube nhưng phải chịu chèn quảng cáo vào và doanh thu từ quảng cáo sẽ được trả cho chủ nhân bản quyền đó. Dù sao, bạn cũng còn hên chứ nếu bị đòi gỡ video thì toi mạng. YouTube có quy định mở rằng nếu chỉ trích đoạn nhỏ và không phải là đoạn “chủ chốt” trong bản nhạc thì không sao.

Tất nhiên bị nặng nhất vẫn là việc bê nguyên xi video của người khác về đưa lên kênh của mình. Ngay cả việc trích một đoạn từ video của người khác, đặc biệt là những người đã được YouTube cấp cho tính năng Content ID, cũng dễ có khả năng bị coi là vi phạm bản quyền nặng tới mức phải gỡ bỏ video.

Thực tế là YouTube không “kiểm duyệt” coi trước các video trước khi được post lên. Trong quá trình xử lý video, họ dùng cỗ máy bản quyền để quét toàn bộ video đó xem có những đoạn mã nào trùng khớp với cơ sở dữ liệu bản quyền của họ không. Khi phát hiện có lỗi, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo cho người post và chủ nhân của nội dung có bản quyền kia để tùy ý xử lý.

Chính vì việc xử lý vi phạm bản quyền quá nhiêu khê và phức tạp mà YouTube không tránh khỏi những vụ xử oan. Mới đây, YouTube đã thừa nhận tình trạng này và đã thành lập một đội mới có nhiệm vụ “chuyên trách để tối thiểu hóa các sai lầm và cải thiện chất lượng hành động của chúng tôi”. Đội đặc nhiệm mới này sẽ chịu trách nhiệm trong cả việc hủy bỏ việc kiếm tiền (monetization platform) của các kênh YouTube thông quá các quảng cáo chèn vào video lẫn viêc gỡ bỏ các video vi phạm. Google, chủ của YouTube, cũng có chính sách gánh chịu chi phí pháp lý cho những tài khoản YouTube nào bị bên thứ ba kiện tụng chuyện vi phạm bản quyền nhưng phía YouTube là coi đó là những trường hợp “Fair Use” (sử dụng ngay thật). Đây là những trường hợp sử dụng những nội dung có bản quyền trong những tình huống và mục đích nào đó. Tuy nhiên, chuyện này là hên xui vì YouTube chỉ chọn ngẫu nhiên là chính một số trường hợp điển hình.

Vì thế, YouTube khuyến cáo rằng trước khi sử dụng một nội dung nào của người khác (video, ảnh, nhạc,…) vào video của mình, bạn phải xin phép và được cho phép cụ thể của người giữ bản quyền nội dung đó. Có một số người tạo video đã tham gia giấy phép Creative Commons cho phép người khác sử dụng lại nội dung của mình.

Trang Reelseo chuyên hướng dẫn cho nhà tiếp thị video nhấn mạnh: “Luật bản quyền là một trong những vùng xám nhất trên Internet, và số vụ vi phạm nó xảy ra thường nhiều hơn cả số comment trêu chọc nhau được post lên YouTube.” Nội dung bị chi phối bởi luật bản quyền cũng rộng và dễ gây tranh cãi. Bạn ghi lại một chương trình truyền hình, một vở kịch, đưa ảnh chụp lại một tác phẩm mỹ thuật, một bản nhạc hay hòa âm,… đều dính tới bản quyền.

Cách an toàn nhất là nếu muốn có nhạc nền, bạn tự chơi nhạc hay hát bài hát nào đó hoặc đơn giản hơn là tìm và tải về các track nhạc và hiệu ứng âm thanh miễn phí trong thư viện Audio Library của YouTube.

Rõ ràng, việc đưa video lên YouTube hay trích sử dụng video có trên YouTube mà đã được bảo vệ bản quyền đều phải tuân thủ các quy định về bản quyền của YouTube và luật bản quyền quốc tế và của từng nước.

YouTube phải chặt chẽ là để tự bảo vệ mình bởi từ ngày ra đời, họ đã liên tục bị kiện tụng chuyện để thành viên post các nội dung vi phạm bản quyền. Mà các vụ bản quyền thường có mức bồi thường rất cao. Chẳng hạn hãng Viacom đã khởi kiện đòi YouTube bồi thường 1 tỷ USD thiệt hại do hãng này đã phát hiện hơn 150.000 video clip có chứa các nội dung của họ phát trên YouTube và được xem tổng cộng 1,5 tỷ lần.

Tất nhiên, một khi YouTube và các đối tác, nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền từ các video trên mạng này thì bắt buộc họ phải tôn trọng các luật lệ về bản quyền tác giả. Chẳng có tác giả nào lại ngồi yên cho người khác dùng tác phẩm của mình để thu tiền. Sân chơi nào cũng có luật chơi của nó mà mọi thành viên phải tuân thủ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Bạn có thể đọc bản in trên báo Người Lao Động ngày 23-3-2016 hay trên báo Người Lao Động Online

 

160323-baibao-nguoilaodong_resize