Hồ sơ Panama trong thế giới trong suốt và phẳng
Vụ tiết lộ hồ sơ mật lớn nhất trong lịch sử thế giới được đặt tên là Panama Papers (Hồ sơ Panama) có sức công phá như một quả bom hạt nhân có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nó bao gồm 11,5 triệu tài liệu mật dưới dạng file số hóa có tổng dung lượng lên tới 2,6 terabyte (2.600GB) chứa đựng thông tin về 214.488 công ty nước ngoài và 14.153 khách hàng nằm trong hồ sơ của Mossack Fonseca, hãng luật lớn thứ 4 thế giới và là nhà cung cấp dịch vụ công ty có trụ sở chính ở Panama. Các hồ sơ này được lập trong một thời gian dài, từ thập niên 1970 tới cuối năm 2015.
Theo những thông tin được công bố bước đầu, có 12 cựu và đương kim lãnh đạo quốc gia và chính phủ, 140 chính trị gia ở hơn 50 nước, 60 thành viên gia đình của các quan chức chính phủ bị cho là đã dùng các công ty vỏ bọc (shell company) ở nước ngoài để trốn thuế, che giấu những tài sản khổng lồ của mình. Theo ghi nhận trong hồ sơ đã tiết lộ, có tổng cộng khoảng 2.000 tỷ USD của các khách hàng trên khắp thế giới đã được xử lý qua tay của Mossack Fonseca.
Cụ thể, trong phần thông tin đã được các báo tham gia xử lý Hồ sơ Panama công bố, 5 cựu nguyên thủ nhà nước hay chính phủ của Argentina, Iceland, Saudi Arabia, Ukraine, và United Arab Emirates; cùng những quan chức nhà nước, những thân nhân gần và những phụ tá thân cận của những người đứng đầu chính quyền của hơn 40 nước khác, như Brazil, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Pakistan, Peru, Romania, Nga, Nam Phi, Tây Ban Nha, Syria, Anh,… đã có tên trong bảng “danh sách đen” này. Thế giới cũng sẽ phải ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi thấy có tên hàng loạt nhân vật của công chúng, thần tượng của mình.
VÌ SAO LẠI LÀ PANAMA?
Nước Trung Mỹ nằm giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ này được coi là một trong những “nơi trú ẩn về thuế” (tax haven) – hay còn được gọi là “thiên đường thuế” (tax heaven) lâu đời nhất và nổi tiếng nhất ở châu Mỹ. Hiện nay, Panama là một trong 4 nước (ba nước kia là Bahrain, Nauru và Vanuatu) vẫn không chịu tham gia các sáng kiến minh bạch hóa tài chính quốc tế. Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới không chỉ là nước trung lập về chính trị, mà còn bởi hệ thống ngân hàng bảo vệ bí mật của khách hàng tới mức “sống để bụng, chết mang theo”. Vì thế, bao nhiêu năm nay, những người có tiền, đặc biệt là có nguồn gốc “không minh bạch”, trên khắp thế giới đã mở tài khoản tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Nhưng trong những năm gần đây, trước sức ép của Mỹ và một số nước khác, các ngân hàng Thụy Sĩ trong một số trường hợp căng quá cũng đành “vi phạm luật chơi”, tiết lộ thông tin khi các nhà điều tra quốc tế yêu cầu. Trong khi đó, Panama vẫn kiên quyết (hay là được ngầm cho phép) giữ các luật lệ cực thoáng về thuế và sở hữu tài sản. Đó lá lý do mà nhiều thập niên nay, nhiều người có tiền trên khắp thế giới đã thông qua những công ty dịch vụ như Mossack Fonseca lập những công ty vỏ bọc ở Panama để quản lý tài sản của họ hoặc được chuyển từ trong nước ra nước ngoài, hoặc có nguồn thu lợi nhuận ở nước ngoài. Jeffrey Robinson, một nhà báo điều tra Mỹ được Hiệp hội Ngân hàng Anh mô tả là “tác giả viết về tôi phạm tài chính hàng đầu thế giới”, nói rằng: “Panama đầy nhóc những luật sư bất lương, những ngân hàng bất lương, những đại lý công ty bất lương và những công ty bất lương được đăng ký ở nước này bới những luật sư bất lương đó để họ có thể gửi những đồng tiền dơ bẩn (tiền từ tham nhũng, mua bán ma túy,..) vào “rửa” trong những ngân hàng bất lương. Khu vực Tự do Mậu dịch (FTZ) chính là cái lỗ đen mà thông qua đó Panama trở thành một trong những cái bồn rửa tiền bẩn thỉu nhất trên thế giới.”
QUẢ BOM CÔNG NGHỆ
Sau khi Hồ sơ Panama bắt đầu được khui ra trên báo chí quốc tế, các quan chức Công ty Mossack Fonseca tố cáo là hệ thống dữ liệu của mình đã bị tin tặc tấn công lấy cắp kho hồ sơ đó. Họ cũng tuyên bố sẽ khởi kiện giới truyền thông để bảo vệ sự bí mật của các khách hàng. Công ty khẳng định mình luôn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật Panama và các định chế quốc tế. Bằng chứng là nó đã hoạt động suốt từ năm 1977 tới nay (nhưng chỉ bắt đầu nổi đình đám từ năm 1986 sau khi có thêm luật sư Ramón Fonseca của Panama tham gia cùng nhà sáng lập là luật sư Đức Jürgen Mossack, tên hãng được ghép từ tên hai ông này). Hiện công ty có hơn 600 nhân viên làm việc tại 42 văn phòng trên thế giới.
Thật ra, Hồ sơ Panama đã bắt đầu được cung cấp từ đầu năm 2015 bởi một nguồn nặc danh có mật danh là “John Doe”. Nhân vật bí mật này đã chủ động liên lạc với báo Đức Süddeutsche Zeitung, một nhật báo xuất bản tại thành phố Munich, để đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ này. Có lẽ tờ báo Đức này được chọn vì nhà sáng lập Mossack Fonseca là người Đức và tờ báo có số lượng bạn đọc đăng ký lớn nhất nước Đức. Sau đó, nhận thấy mình không đủ khả năng để một mình xử lý kho hồ sơ với khối lượng và tầm cỡ quá khủng khiếp này, tờ báo Đức đã hợp tác với Tổ chức Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) có trụ sở ở Mỹ. Và hiện nay, kho hồ sơ này đang được thẩm định và phân tích bởi khoảng 400 nhà báo thuộc 107 cơ quan truyền thông ở 76 nước. Trong lịch sử báo chí thế giới, chưa bao giờ có một vụ việc nào có đông nhà báo tham gia như vậy.
Hồ sơ Panama quả thật là một quả bom công nghệ. Chưa bao giờ có một vụ tiết lộ tài liệu mật lại hoàn toàn dưới dạng số hóa và với dung lượng khổng lồ như vậy (phải cần tới 650 đĩa DVD ghi với mức trung bình 4GB/đĩa). Hồ sơ gồm các e-mail, các hợp đồng, các bản ghi chép và các tài liệu được scan lại cũng đa dạng về định dạng: 4,8 triệu e-mail; 3 triệu file định dạng cơ sở dữ liệu; 2,2 triệu file tài liệu PDF; 1,2 triệu hình ảnh; 320.000 file text; và 2.242 file thuộc các định dạng khác.
Chính vì tính chất hồ sơ quá phức tạp mà tờ Süddeutsche Zeitung, nhật báo ở Munich có số bạn đọc đang ký lớn nhất nước Úc, sau khi nhận được qua mạng toàn bộ Hồ sơ Panama trong năm 2015 đã tự lượng không đủ sức xử lý một mình. Và tờ báo Đức đã hợp tác với Tổ chức Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) có trụ sở ở Mỹ. Hiện nay, kho hồ sơ này đang được thẩm định và phân tích bởi khoảng 400 nhà báo thuộc 107 cơ quan truyền thông ở 76 nước. Trong lịch sử báo chí thế giới, chưa bao giờ có một vụ việc nào có đông nhà báo tham gia như vậy. Các báo tham gia đã phải thuê các nhà lập trình viết những phần mềm giúp họ phân loại và xử lý các dữ liệu. Thậm chí họ đã phải dùng máy quét ảnh với tính năng OCR để biến các tài liệu được chụp dưới dạng hình ảnh thành text.
Quả bom toàn cầu đã nổ. Những bài báo đầu tiên “khui hầm bí mật” và 149 tài liệu trong Hồ sơ Panama đã được công bố trên báo chí ngày 3-4-2016. ICIJ còn tung quả bom nổ chậm khi hứa sẽ công bố danh sách đầy đủ các công ty có trong hồ sơ vào đầu tháng 5-2016.
Có thể nói Hồ sơ Panama là một sự kiện chấn động địa cầu với những hệ lụy khủng khiếp mà không ai có thể lường trước được. Nạn nhân đầu tiên là Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson của Iceland đã phải tuyên bố từ chức vì bị phát hiện có tài khoản bí mật ở nước ngoài. Một số nhân vật cộm cán khác ở nhiều nước cũng đang khốn đốn. Hàng loạt ngân hàng sẽ bị sờ gáy. Liên minh châu Âu EU đã lên tiếng đe dọa trừng phạt Panama và các “thiên đường thuế” khác nếu họ không chịu hợp tác trong cuộc chiến chống trốn thuế và rửa tiền. Từ nay trở đi, thế giới chắc chắn sẽ phải chứng kiến nhiều biến động do hậu quả của Hồ sơ Panama.
Cần phải nói cho rõ rằng không phải tất cả tài liệu trong Hồ sơ Panama bị tiết lộ đều là phi pháp. Cũng không phải tất cả các nhân vật, tổ chức, công ty,… có trong hồ sơ của Mossack Fonseca đều là phạm pháp. Đối với nhiều nước, việc tham gia hay sở hữu các công ty nước ngoài nhằm quản lý tài sản chính đáng của mình thì không vi phạm pháp luật. Có những người phải dùng công ty vỏ bọc ở nước ngoài quản lý tài sản của mình vì những lý chính đáng và hợp pháp. Bất quá qua vụ này, họ bị công khai trước bá tánh và có khi phải tốn công giải thích. Đồng thời cũng phải khuyến cáo rằng báo chí sẽ phải thật cẩn trọng khi khai thác Hồ sơ Panama nếu không muốn bị kiện vì xâm phạm bí mật cá nhân.
THẾ GIỚI PHẲNG VÀ TRONG SUỐT
Có thể nói rằng, Hồ sơ Panama một lần nữa khẳng định rằng trong thế giới phẳng và trong suốt này, không có gì có thể che giấu mãi mãi. Ông bà mình từng nhấn mạnh: Cây kim trong bọc có ngày cũng phải lòi ra. Đừng tưởng các tài liệu dạng vật lý không lưu trữ trong máy tính hay trên mạng là an toàn. Chúng không bị tin tặc đánh cắp nhưng một khi bị rò rỉ cũng sẽ lập tức bị tung lên mạng cho cả thế giới cùng biết. Vậy thì, cách giữ mình duy nhất là đừng làm điều gì khuất tất, phi pháp. Quả là một bài học nhãn tiền cho tất cả.
Chỉ tính từ năm 2010 tới nay, gần như năm nào thế giới cũng chứng kiến một vụ tiết lộ thông tin mật nghiêm trọng. Vào cuối tháng 11-2010, website WikiLeaks chuyên xuất bản những thông tin từ những người dùng nặc danh gọi chung là “những người thổi còi” (whistleblowers) đã bắt đầu công bố trên mạng những bức điện tín mật do 274 cơ quan ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới gửi về Bộ Ngoại giao Mỹ để báo cáo những thông tin mật mà ho thu thập được về những nhà ngoại giao, quan chức chính phủ, kể cả lãnh đạo quốc gia của nước mà mình hoạt động. Có 251.287 bức điện tín như thế chứa hơn 260 triệu từ với tổng dung lượng lưu trữ 1,7GB. Vụ WikiLeaks còn có tên là Cablegate.
Vụ Offshore Leaks xảy ra tháng 4-2013 tiết lộ chi tiết của 130.000 tài khoản ở nước ngoài của những công dân 170 nước. Một số nhà quan sát đánh giá đây là vụ tiết lộ hồ sơ trốn thuế quốc tế lớn nhất xưa nay. Tổng dung lượng tài liệu của vụ này khoảng 260GB.
Tháng 11-2014 xảy ra vụ Luxembourg Leaks (hay còn được gọi là Lux Leaks hay LuxLeaks) với tổng dung lượng hồ sơ 4GB. Vụ bê bối tài chính này là kết quả một cuộc điều tra báo chí do Tổ chức ICIJ tiến hành, thu thập hoạt động trốn thuế từ năm 2002 tới 2010 mà hãng dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất thế giới PricewaterhouseCoopers (Anh) đã làm bùa phép cho hơn 300 công ty đa quốc gia là khách hàng của họ đóng tại Luxembourg.
Năm 2015 có vụ Swiss Leaks (hay SwissLeaks) xảy ra hồi tháng 2 khi Tổ chức ICIJ công bố kết quả điều tra của đạo quân hơn 130 nhà báo ở 49 nước thuộc tổ chức này về vụ trốn thuế khổng lồ do ngân hàng HSBC tiến hành cho hơn 100.000 khách hàng và 20.000 công ty hải ngoại thông qua chi nhánh của HSBC ở Thụy Sĩ. Đây là vụ tiết lộ hồ sơ mật lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Thụy Sĩ. Tổng số tiền ghi nhận tới hơn 180 tỷ euro. Tổng dung lượng hồ sơ 3,3GB.
Có một chi tiết: không kể hàng loạt vụ rò rỉ thông tin nhỏ khác vẫn thường xảy ra, thế giới gần đây nhất đã bị 3 trận địa chấn “khui hồ sơ tuyệt mật”. Vụ WikiLeaks năm 2010, vụ cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden năm 2013, và vụ Hồ sơ Panama năm 2016. Phải chăng có một chu kỳ 3 năm một lần?
Các vụ tiết lộ hồ sơ mật trên thế giới đều có hàm lượng công nghệ cao. Hầu hết hồ sơ thuộc dạng số hóa và được lưu trữ với những chế độ bảo mật cao nhất có thể được. Các nhà điều tra cũng phải sử dụng những công cụ công nghệ cao để tác nghiệp. Và chi tiết được công bố trên mạng truyền thông Internet nhanh như chớp và rộng như… lưới trời.
Rõ ràng là không gì có che giấu an toàn vĩnh viễn trong thời đại công nghệ này. Có vụ do tin tặc xâm nhập đánh cắp dữ liệu. Có vụ bởi những người bên trong do bất mãn hay vì lý do gì đó tung hê lên mạng. Về cả lý thuyết lẩn thực tế, không có công nghệ bảo mật nào là tuyệt đối (mã hóa được tạo bởi con người thì cũng do con người bẻ khóa). Cũng không có công ty nào dám bảo đảm an toàn thông tin 100%. Ngay như nhà Apple huyền thoại cũng không ít lần bị tin tặc đánh cắp những dữ liệu nhạy cảm của người dùng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 10-4-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online