Thứ Năm ngày 10 tháng 10 năm 2024

Truyền bá văn hóa Nhật theo kiểu Nhật

 160427-narita-tokyo-ssn5-014_resize

 

Chuyện người Nhật tự hào mình là con của Thần Mặt trời, dòng giống Thiên hoàng thì cũng giống như người Việt hãnh diện mình là con Rồng cháu Tiên thôi. Còn chuyện người Nhật tự hào, thậm chí kiêu hãnh, với nền văn hóa Xứ sở Phù Tang thì ai cũng phải nể trọng. Nó như cái gien bẩm sinh, như hòa trong máu của người Nhật. Và họ luôn nghĩ ra đủ mọi cách để “khoe” và truyền bá văn hóa Nhật Bản cho cộng đồng thế giới.

Hai lần gần đây nhất mà tôi được trải nghiệm những nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản là trong 2 lần quá cảnh tại sân bay quốc tế Narita (Tokyo) trên đường từ Saigon đi Mỹ và trở lại hồi hạ tuần tháng 4-2016.

Tại sảnh rộng trước quầy thông tin của hãng hàng không Nhật Bản ANA ở ga đi trong sân bay Narita, một nhóm người Nhật gồm những ông bà lớn tuổi đã dựng một gian quảng bá văn hóa Nhật cho những hành khách quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay nối chặng có thể trải nghiệm miễn phí văn hóa Nhật Bản.

Hôm tôi đi Mỹ ngày 19-4-2016, gian văn hóa Nhật Bản này bày ra cho khách quốc tế nghệ thuật in tranh khắc gỗ dân gian (tranh mộc bản). Y chang tranh Đông Hồ của người Việt. Khách tham gia được hướng dẫn tỉ mỉ, cầm tay chỉ việc, để lần lượt quét mực màu khác nhau lên những bản khắc gỗ khác nhau rồi áp tờ giấy lên in chồng màu dần dần tạo nên một bức tranh vẽ cô giái Nhật mặc kimono. Xong còn được đóng triện kỷ niệm. Món này thì cả trẻ em lẫn người lớn đều có thể trải nghiệm.

160427-narita-tokyo-ssn5-016_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-024_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-027_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-023_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-029_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-025_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-033_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-036_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-038_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-039_resize

160419-narita-tokyo-ssn5-044_resize

 

Tới bận tôi từ Mỹ về ngày 27-4, gian văn hóa Nhật này cho khách trải nghiệm nghệ thuật trang phục dân tộc Nhật Bản với áo kimono cho nữ và nam.

160427-narita-tokyo-ssn5-017_resize

160427-narita-tokyo-ssn5-018_resize

160427-narita-tokyo-ssn5-015_resize

Nếu như trang phục truyền thống của người Việt thay đổi rõ rệt theo thời gian, của phụ nữ từ chiếc áo tứ thân tới chiếc áo dài hai tà sửa tới, chế lui không ngừng nghỉ, thì trang phục truyền thống của người Nhật ngày nay có vẻ như một lòng một dạ trung thành với tổ tiên. Sử sách ghi là kimono đã xuất hiện đầu tiên vào thời đồ đá mới Jomon (năm 14.500 tới năm 300 trước Công nguyên) ở Nhật Bản cổ đại và nam nữ đều ăn mặc như nhau. Sau này, khi đã mở rộng giao thương với thế giới bên ngoài, kimono gốc được dành cho phụ nữ, còn đàn ông thì có biến cải cho tiện dụng với hoạt động của mình, đặc biệt là với giới võ sĩ đạo samurai, giới tướng quân shogun.

Còn ngày nay, theo hướng dẫn trên trang web của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản JNTO, một bộ kimono chuẩn gồm:

kimono-female

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

– Nữ: Một bộ kimono gồm từ 12 bộ phận trở lên. Trước hết là chiếc áo dài nagajuban (hay là kimono lót) được mặc bên ngoài nội y. Những người cẩn thận còn mặc bên dưới nagajuban một chiếc áo lót ngắn gọi là hadajuban để tránh cho nagajuban bị bẩn vì mồ hôi. Sau đó mặc kimono lên trên nagajuban. Kimono này có thể gồm nhiều lớp. Mỗi lớp kimono được cột chặt bằng một sợi dây thắt bằng vải gọi là koshi himo. Kimono được người nước ngoài mô tả là một chiếc áo thụng (robe) dài hình chữ T với hai tay áo dài và rộng. Bên ngoài kimono là chiếc đai lưng bằng vải rộng bản quấn quanh phần eo gọi là obi. Một bộ obi gồm 3 thành phần. Một mảnh lụa dài gọi là obiage quấn quanh ngực và thắt chặt để cố định kimono và cho thân thể có hình dạng một chiếc ống. Chiếc thắt lưng dài và rộng gọi là obi. Một sợi dây gọi là obijime quấn bên ngoài đai obi ở vị trí chính giữa giúp cố định vị trí của obi. Kiểu thắt nút phía trước của sợi dây obijime này khác nhau tùy theo tâm trạng của người mặc: hạnh phúc, bình thường hay đang buồn.

kimono-obi

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Trong khi hình dạng của kimono thì cố định giống nhau, người mặc có thể cá nhân hóa bằng chất liệu vải, màu sắc, hoa văn, hình dáng chiếc nơ sau lưng của chiếc thắt lưng obi. Ngay chính chiếc thắt lưng obi này cũng muôn màu sắc, muôn họa tiết tùy theo ý thích của người mặc.

kimono-male

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

– Nam: Kimono của nam thì đơn giản hơn rất nhiều. Đầu tiên cũng là chiếc áo lót ngắn mặc bên trong và được cột thắt chặt. Sau đó là chiếc kimono, thường là màu đen, xám, nâu hay xanh đậm. Bên ngoài kimono cũng có một chiếc thắt lưng obi nhưng nhỏ và đơn giản. Chiếc thắt lưng này có hai loại: vật liệu cứng (kaku-obi) và vật liệu mềm (heko-obi). Khác phụ nữ là trong những dịp lễ nghi chính thức, đàn ông còn mặc một chiếc quần rộng gọi là hakama bên ngoài kimono và thêm một chiếc áo khoác lửng (halfcoat) gọi là montsuki hay haori có gắn gia huy của người mặc.

Cả nam lẫn nữ đều đi loại vớ tabi màu trắng. Đây là loại vớ “2 ngón” với “ngón nhỏ” để xỏ ngón cái và “ngón lớn” cho 4 ngón chân còn lại.

Phụ nữ Nhật che dù, còn đàn ông Nhật cầm quạt giấy xếp sensu.

Mời xem video cách mặc kimono:

Ngoài kimono là trang phục truyền thống từ xa xưa, cầu kỳ và đắt tiền, người Nhật ngày nay còn có trang phục truyền thống gọi là Yukata cũng giống kimono nhưng đơn giản hơn và dĩ nhiên là ít tốn tiền hơn, dành để mặc trong mùa hè.  

Mời xem video cách mặc yukata:

Ông M. Okada, một người phụ trách gian truyền bá văn hóa Nhật Bản tại sân bay Narita, nói với tôi rằng: Họ chọn địa điểm là ga trung chuyển của sân bay quốc tế, nơi có hành khách từ khắp thế giới qua lại, để có thể giới thiệu văn hóa Nhật Bản rộng khắp hơn. Và những người tham gia hoạt động này hạnh phúc khi có thể giúp cho người nước khác có thêm hiểu biết và yêu văn hóa Nhật Bản. Nghe ông nói và sau khi được trực tiếp trải nghiệm mặc bộ kimono cho đàn ông, tôi nghĩ bụng: rồi, mai mốt tôi ra ga đi của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để mở gian trải nghiệm áo dài khăn đống Việt Nam. Nhưng tôi sực nhớ, Tân Sơn Nhất đâu có đạt tầm cỡ sân bay trung chuyển quốc tế. Thôi, mình bày cách khác cho phù hợp. Nếu ai đó thật sự có lòng muốn giới thiệu văn hóa dân tộc mình thì ắt nghĩ ra cách thôi mà.

160427-narita-tokyo-ssn5-020_resize

160427-narita-tokyo-ssn5-021_resize

160427-narita-tokyo-ssn5-022_resize

DSC_0075_resize

DSC_0076_resize

DSC_0077_resize

DSC_0078_resize

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Narita Tokyo Airport 4-2016)