Ngày “siêu thứ Ba” cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Hai ứng cử viên còn lại của đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders đã chạy đua quyết liệt trong ngày “siêu thứ Ba” (Super Tuesday) cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong ngày thứ Ba 7-6-2016, 6 bang California, Montana, New Jersey, New Mexico, North Dakota và South Dakota cùng tổ chức bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11-2016.
Suy cho cùng, đây không còn là một đua cân sức. Bà Clinton ngay trước khi bước vào ngày “siêu thứ Ba” này đã có đủ số lượng đại biểu cần thiết là 2.383 người để được đại hội đảng đề cử làm ứng cử viên chính thức của đảng ra tranh cử với ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Trong số 2.383 đại biểu ủng hộ bà Clinton có 1.812 đại biểu cam kết – pledged delegate (tức các đại biểu có được dựa trên kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ – primary và các cuộc họp nội bộ – caucus), cộng với 571 siêu đại biểu (superdelegate). Trong khi đó, ông Sanders có được 1.569 đại biểu, bao gồm 1.521 đại biểu cam kết và 48 siêu đại biểu. Như vậy, cho tới trước cuộc bầu sơ bộ tại 6 bang này, bà Clinton đang dẫn trước ông Sanders 814 đại biểu các loại. Cụ thể, bà Clinton đang dẫn trước ông Sanders Clinton hơn 3 triệu phiếu bầu, 291 đại biểu cam kết và 523 siêu đại biểu. Bà đã giành chiến thắng tại 29 cuộc bầu cử sơ bộ và cuộc họp nội bộ, so với 21 chiến thắng của ông Sanders.
Vì thế, mục tiêu kiếm thêm số đại biểu cam kết trong ngày “siêu thứ Ba” này của bà Clinton là để tăng mức độ an toàn; còn của ông Sanders là để rút ngắn khoảng cách “khó với” đối với đối thủ. Lý do là các siêu đại biểu luôn là ẩn số bấp bênh vì họ có quyền thay đổi ý định cho tới tận ngày đại hội đảng.
Trước cuộc bầu cử sơ bộ tại 6 bang ngày 7-6, ông Sanders thua bà Clinton 814 đại biểu. Trong khi đó, số đại biểu còn lại chỉ là 810 (tổng số đại biểu của đảng Dân chủ là 4.762 đại biểu). Vì thế, về lý thuyết, cho dù có chiến thắng tại tất cả 6 bang này, ông cũng vô phương đạt đủ số đại biểu theo quy định. Khả năng một số đông siêu đại biểu đang ủng hộ bà Clinton trở cờ cũng khó lòng xảy ra.
Kết quả của ngày “siêu thứ Ba” đã củng cố thêm vị thế cho bà Clinton. Bà thắng tại 4 bang California (bang đông dân nhất nước Mỹ và có nhiều đại biểu nhất), New Jersey, New Mexico, và South Dakota. Ông Sanders chỉ thắng ở 2 bang có ít đại biểu là North Dakota và Montana. Tổng cộng hiện nay, bà Clinton có 2.777 đại biểu (gồm 2.203 đại biểu cam kết và 574 siêu đại biểu); ông Sanders có 1.876 đại biểu (gồm 1.828 đại biểu cam kết và 48 siêu đại biểu).
Trong buổi mít tinh tuyên bố chiến thắng tại New York tối 7-6-2016, bà Clinton đã ca ngợi ý chí của ông Sanders và thành quả ông đã giành được, nhưng bà đã kêu gọi ông này hãy chấp nhận ngừng cuộc đua để tập trung dồn nỗ lực vận động tranh cử cho bà. Bà nhắc là trong cuộc bầu cử năm 2008, bà đã chấp nhận dừng bước để tập trung cho ông Barack Obama.
Tuy nhiên, ông Sanders tuyên bố chơi tới cùng. Ông sẽ vẫn tiếp tục vận động tranh cử, bây giờ chủ yếu là làm sao cho bà Clinton giảm uy tín để ông có thể lôi kéo nhiều siêu đại biểu từ bà Clinton trở cờ sang phe mình. Có lẽ ông Sanders ám ảnh với khát vọng làm nên lịch sử là người lớn tuổi nhất (ông nay 74 tuổi) đắc cử Tổng thống Mỹ.
Nhưng chính sự quyết chí ăn thua đủ của ông Sanders sẽ làm giảm sức mạnh của bà Clinton trong cuộc đua tay đôi với đối thủ Cộng hòa. Và như vậy, ông Sanders hại chính đảng của mình. Hy vọng ông sớm nghĩ lại. Phó tổng thống Joe Biden đã lên tiếng đề nghị những người đang kêu gọi ông Sanders ngừng cuộc chơi “hãy cho ông ấy thời gian để quyết định”.
Trong khi đó bên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đang một mình một cõi. Hai đối thủ cuối cùng của ông là Ted Cruz và John Kasich đã tuyên bố ngừng tranh cử lần lượt vào ngày 3-5 và 4-5.
Tổng thống Obama ngày 8-6 đã bắt đầu một sứ mạng cam go là quyên tiền cho ứng cử viên Dân chủ và giúp cho đảng Dân chủ thống nhất lại tập trung ủng hộ bà Clinton. Khó nhất là ông phải xoa dịu những người lâu nay ủng hộ ông Sanders để kêu gọi họ vì quyền lợi chung của đảng. Trong cuộc chạy đua kéo dài cả năm qua, ông Sanders thu hút giới trẻ và những người có tư tưởng tự do, bà Clinton nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và nói tiếng Tây Ban Nha. Nay có thêm sự ủng hộ của ông Obama, bà Clinton càng có thêm nhiều lợi thế hơn.
Không để lãng phí thời gian, ngay từ bây giờ, bà Clinton đã phải đấu trí với đối thủ cuối cùng là ông Trump. Bà đã lên kế hoạch tới Ohio và Pennsylvania trong tuần tới. Đây là hai bang mà một số nhà phân tích cho rằng chủ nghĩa dân túy kinh tế của ông Trump sẽ được ưa chuộng hơn, nhất là trong giới đàn ông làm việc da trắng.
Một cuộc thăm dò do Journal/NBC News tổ chức hồi tháng 5-2016 cho thấy với những cử tri cảm thấy bị nhiều ảnh hưởng vì suy thoái kinh tế, có tới 56% ủng hộ nhà tỷ phú Trump, và chỉ có 26% ủng hộ bà Clinton.
Xin nói thêm cái ý này, nếu bà Clinton trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, nước Mỹ không chỉ lần đầu tiên có một nữ tổng thống, mà còn lần đầu tiên có 2 vị tổng thống cùng ở trong Nhà Trắng một lúc (phu quân của bà Clinton là cựu Tổng thống Bill Clinton).
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.