Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Khi trí thông minh nhân tạo đe dọa con người

human-robot

 

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, mỗi khi quay số tới dịch vụ báo giờ của tổng đài bưu điện, nghe giọng nữ báo giờ xong là tôi rất lịch sự cảm ơn đầy trìu mến. Cũng có những lúc hơi lăn tăn vì nghe mình cảm ơn mà cô nàng kia cứ mãi lặng im. Mãi sau này mới biết cô nàng giọng ngọt ngào kia chỉ là “người máy” của tổng đài tự động. Đó là một dạng “thông minh nhân tạo” (Artificial Intelligence – AI) đơn giản.

Hồi tháng 4-2016, trong chuyến thăm đại bản doanh của hãng công nghệ Microsoft ở Seattle (Mỹ), tôi đã được tìm hiểu sâu hơn về một hình thái AI mới là “learning machine” (tạm dịch là máy học). Đây là dạng phần mềm thông minh được tích hợp trong các thiết bị thông minh có khả năng tự học trong quá trình tiếp xúc với con người. Có nghĩa là càng ngày máy học này càng hiểu người sử dụng nó, tự tinh chỉnh mình cho hợp ý, thậm chí có thể trở thành bầu bạn cỡ Bá Nha – Tử Kỳ.

Sự phát triển này càng thêm lợi hại khi Microsoft cung cấp các bộ API (giao diện chương trình ứng dụng) cho các bên thứ ba có thể tạo ra các AI theo ý mình. Bên phần cứng thì Intel cũng đưa ra các con chip xử lý dạng FPGA cho phép người dùng tự lập trình chúng theo nhu cầu của mình.

Chẳng hạn như trong một workshop của Microsoft, một người máy học làm nhiệm vụ một tiếp tân khách sạn. Khi tôi gọi điện thoại tới, nàng ta chào và hỏi tôi cần gì. Nghe tôi báo mình là người Việt Nam (có thể sau này siêu hơn, nàng chỉ cần nghe giọng nói là biết người nước nào), nàng đã chuyển sang dùng tiếng Việt để giao tiếp với tôi. Nếu không trực tiếp thử nghiệm, tôi không thể biết cô nhân viên tiếp tân dễ thương và chu đáo đó là một…. người máy.

Cũng ở trụ sở Microsoft, tôi còn được trải nghiệm AI được ứng dụng vào hệ thống liên lạc, ở đây là công cụ dịch thuật tích hợp với hệ thống liên lạc video Skype. Anh chàng Mỹ ở nước Mỹ nói bằng tiếng Anh rồi tiếng Pháp, còn cô gái ở tận nước Arập xa xôi kia nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Máy dịch những gì anh Mỹ nói ra tiếng Arập và dịch những gì cô gái nói bằng tiếng Arập ra tiếng Anh. Với thiết bị phiên dịch thông minh này, bạn có thể đi khắp thế giới mà không cần biết tiếng nước ngoài. Nó đặc biệt hữu dụng cho những công ty đa quốc gia, nơi có nhân viên thuộc nhiều nước khác nhau.

Những người mê phim khoa học viễn tưởng Hollywood chắc từng xem bộ phim I, Robot (Tôi là người máy) của đạo diễn Alex Proyas được phát hành hồi năm 2004. Chuyện phim xảy ra vào năm 2035, xoay quanh mối quan hệ giữa con người và người máy trong một thế giới người và máy chung sống với nhau, trong đó người máy có hình dạng con người (humanoid robot) thay thế những người phục vụ trong gia đình. Điều đáng chú ý nhất là việc con người đã phải tìm cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị người máy tấn công. Và Ba điều luật của người máy (Three Laws of Robotics) đã ra đời. Sau đó, nhà tâm lý học người máy Susan Calvin đã hình thành một luật mới gọi là Luật “Zeroth Law” để bảo vệ sự sinh tồn của loài người một cách chặt chẽ hơn. Các thể loại robot được tích hợp vào trong AI của mình nguyên tắc nền tảng: “một người máy thì không được phép làm tổn hại con người, hoặc không được phép đứng im để cho con người bị tổn hại”.

Vào ngày Nhà báo 21-6-2016, tôi và anh Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng giám đốc Samsung Vina, và anh Nguyễn Văn Vinh ở báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần đã có một buổi trò chuyện rôm rả về AI và người máy. Anh Vinh lo ngại tới một lúc nào đó, con người có thể bị chính cái AI do mình tạo ra “làm phản” lại mình. Anh Đạo nói rằng người máy cần phải tuân thủ một điều luật cơ bản là “người máy không được tạo ra người máy”. Tôi thì hăm he rằng tới một mức phát triển nào đó, AI có thể nhân bản vô tính chính con người. Cuối cùng ba anh em đều chung mối lo sợ mang đậm chất Hollywood rằng con người phát triển AI, tạo ra người máy ngày càng siêu tới một lúc nào đó vuột ra khỏi tầm tay kiểm soát của mình.

Nhân dịp Ngày Nhà báo, mấy anh em nhà báo còn vẽ ra cái viễn cảnh một ngày nào đó mình phải chịu lui vào trong làm nhiệm vụ tra dầu nhớt, bảo trì cho những người máy nhà báo. Chỉ cần thu thập được các dữ liệu cần thiết, những máy viết báo đó có thể cho ra những bài báo còn chuẩn mực hơn con người viết.

Quy luật tự nhiên là việc gì cũng có mặt phải, mặt trái. AI cũng vậy. Với trí sáng tạo phong phú và trình độ công nghệ ngày càng cao, người ta đang phát triển AI ngày càng siêu đẳng hơn. Nếu được ứng dụng đúng đắn, AI sẽ trở thành trợ thủ đắc lực phục vụ loài người. Theo lẽ thường, cho dù thông minh tới đâu, nó vẫn chỉ là máy móc, là công cụ. Nhưng nào có ai biết được khi nào xảy ra sự cố, trục trặc biến điều tốt đẹp thành nguy cơ. Không ai có thể lường trước được những gì AI làm hại loài người nếu như nó nằm trong tay những kẻ xấu hay nó bị “chạm mạch”.

Mối nguy cơ luôn tỷ lệ thuận với năng lực của AI. Với trình độ ngày nay, người ta hoàn toàn có thể chế tạo những chiến binh người máy. Tuy nhiên, hiện nay người máy thông minh cũng chỉ có thể làm những gì mà con người đã lập trình cho nó. Chỉ có điều, các hãng đang chạy đua nhau để có thể phát triển những người máy có thể suy nghĩ như con người. AI ngày càng trở nên siêu hơn và thậm chí có thể lúc nào đó trí thông minh nhân tạo còn vượt trội trí thông minh con người, nhất là khi nó được trang bị bửu bối là khả năng học từ chính con người để phát triển giống người hơn.

Xu hướng phát triển AI trong những chiếc “máy học” đang ngày càng trăm hoa đua nở. Có lẽ không phải là sớm nữa khi nhà chức trách có quy mô thế giới phải đưa ra được những luật lệ cơ bản, những bộ khung cho AI và người máy. Bạn cứ coi các bộ phim khoa học viễn tưởng – mà giới điện ảnh ở Hollywood xưa nay vẫn nổi tiếng có cái nhìn đi trước thời đại – để có thể hình dung ra cái thế giới con người sống giữa các bầy đàn người máy, trí thông minh nhân tạo. Bây giờ không còn là chuyện trong phim mà là có khả năng diễn ra ngay trong cuộc sống chúng ta.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 6-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160626-baibao-phapluattp-01_resize