Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Hoàng Xuân Vinh là Hoàng Xuân Vinh

 

Nghe thoảng trong gió kiếm tiếng ai chém: lãng nhách, hỗng lẽ Hoàng Xuân Vinh là PHP. Tôi phải đặt cái tít “Hoàng Xuân Vinh là Hoàng Xuân Vinh” lãng ồ (mà không hề lãng gian) sau khi nghe có người nhận định rằng Hoàng Xuân Vinh đã “góp phần” vào thành công của đoàn thể thao Việt Nam tại Olympics Rio 2016.

Sao lại là “góp phần” khi nếu không có chiến công của Hoàng Xuân Vinh, đoàn VN đâu có thành tích chi, hoàn toàn trắng tay một lần nữa coi Thế vận hội như một cuộc dạo chơi đầy tốn kém tiền dân? Theo tôi, phải ghi chính xác là Hoàng Xuân Vinh đã làm nên thành công của đoàn VN gồm 50 người, trong đó có 23 vận động viên tranh tài ở 10 bộ môn. Không hề là sùng bái cá nhân, thần tượng mù quáng đâu. Thực tế là như vậy. Một số bạn đã nói chính xác là Hoàng Xuân Minh đã một mình gánh thành tích cho cả đoàn. Vào ngày 11-8-2016, trên bảng tổng sắp huy chương Olympics Rio 2016, Việt Nam đang xếp thứ 21 (đồng hạng 21 với 3 nước khác, trong đó có cả chủ nhà Brazil) với thành tích 2 huy chương (1 vàng và 1 bạc) đều do Hoàng Xuân Vinh giành được. Chắc chắn thứ hạng này sẽ bị trôi xuống thấp hơn trong thời gian tới cho đến khi đài lửa công nghệ hybrid đầu tiên trong lịch sử Olympics Rio 2016 tắt, nhưng cũng chắc chắc với 1 huy chương vàng, thứ hạng của đoàn Việt Nam lần này sẽ cao hơn bất kỳ Olympics nào trước đây. Thế vận hội Rio 2016 có 206 nước và vùng lãnh thổ tham gia.

160811-medals-vietnam

Tất nhiên chẳng ai phủ nhận thành tích của Hoàng Xuân Vinh là một kết quả tập thể với sự đóng góp của rất nhiều người trong một quá trình dài nhiều năm. Nhưng anh chính là người đặt dấu chấm lên chữ “i” mà nếu không có dấu chấm đó thì ký tự đó hoàn toàn vô nghĩa hay ráng lắm cũng chỉ có nghĩa là một gạch đứng.

Chiến công của Hoàng Xuân Vinh tại Thế vận hội mùa hè Rio 2016 là một chiến công gấp 3 lần (triple victory). Anh không chỉ đem về cho Việt Nam chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử mà còn là một kỷ lục gia, phá kỷ lục Olympic của nội dung bắn súng hơi (air pistol) 10m nam. Anh còn bổ sung vào bộ sưu tập huy chương Olympic hiếm hoi của Việt Nam chiếc huy chương bạc thứ ba khi thành công trong nội dung bắn súng ngắn (pistol) 50m nam. Vậy là, chỉ trong 1 kỳ Olympics, Hoàng Xuân Vinh đã giành được 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 danh hiệu kỷ lục gia. Chưa có vận động viên Việt Nam nào làm được điều đó tại đấu trường Olympics lớn nhất và danh giá nhất hành tinh.

hoangxuanvinh-rio-2016

Cũng với các chiến công của Hoàng Xuân Vinh, lần đầu tiên tại Olympic, quốc kỳ Việt Nam đã hai lần được thượng lên bục vinh quang, trong đó có 1 lần được kèm theo quốc thiều của nước đoạt huy chương vàng.

Cũng có bạn càm ràm là Việt Nam chơi không đẹp khi cử một đại tá quân đội (quân hàm hiện nay của Hoàng Xuân Vinh) đi thi bắn súng – nghề của lính. Xin nói rõ, anh Vinh là một vận động viên quân đội, một quân nhân chuyên nghiệp, và hàm đại tá là cấp bậc của anh trong quân đội do thâm niên (năm nay anh 41 tuổi và gia nhập quân đội từ sau khi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 để theo học trường Sĩ quan Công binh) và thành tích thi đấu thể thao của anh trong 17 năm trời. Olympics hay các cuộc tranh tài quốc tế chỉ chấp nhận cho các vận động viên hội đủ các tiêu chuẩn của mình tranh tài. Khi ra sân đấu, ai cũng bình đẳng như nhau và chỉ hơn thua nhau ở kết quả cuối cùng.

hoangxuanvinh-rio-2016-3

Hình như có nhiều người tiếc nuối vì trong nội dung sau, Xuân Vinh chỉ giành được huy chương bạc. Tham vô địch Olympics à nghen. Trong bối cảnh và điều kiện như vậy, anh đoạt được huy chương bạc là quá xá quà xa hên lắm rồi. Tôi vốn là người lạc quan bẩm sinh nên nghĩ rằng Việt Nam đã rất may mắn khi có thêm chiếc huy chương bạc do anh Xuân Vinh giành được trong cuộc chiến một mình đấu với 2 tay súng Hàn Quốc, 2 tay súng Trung Quốc, 1 tay súng Triều Tiên, 1 tay súng Nga và 1 tay súng Slovakia trong trận chung kết đầy kịch tính.

hoangxuanvinh-rio-2016-2

Dường như cho tới nay Việt Nam có một chu kỳ hay tần suất giành huy chương Olympic mỗi 8 năm (tức 2 kỳ) một lần. Chiếc huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử Việt Nam là chiếc huy chương bạc của nữ võ sĩ Taewondo Trần Hiếu Ngân tại Olympics Sydney 2000. Tại Olympics Beijing 2008, vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn đã giành được chiếc huy chương bạc Olympic thứ hai cho Việt Nam. Cho tới nay, với 2 chiếc huy chương của Xuân Vinh giành được tại Olympics Rio 2016, Việt Nam có 4 huy chương Olympic. Chẳng lẽ phải đợi tới Olympics 2024 (có nhiều khả năng tại Los Angeles, Mỹ), Việt Nam mới có thêm huy chương Olympic mới.

Vấn đề lúc này là đầu tư như thế nào để tới kỳ Olympics 2020 (có thể tại Tokyo), Việt Nam phá được cái huông 8 năm kia kìa.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.