Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Game di động ảo phá rối đời thật

pokemon-go-mania

 

Chẳng có gì mà phải ngạc nhiên chi hết, thời di động lên ngôi thì gã đồng hành công nghệ tốt ít xấu nhiều là game di động (mobile game) cũng ăn theo mà tung hoành nát cả màn hình, đen cả tầm mắt của người dùng. Game online đã dữ dằn, nhưng vẫn phải gọi game di động là sư phụ về tính phổ cập và cả nguy cơ tác hại của nó. Nhất là khi hai yếu tố này kết hợp lại với nhau 2 xôi nhồi một chõ với thể loại game di động online.

Game di động đã qua xa lắm rồi cái thời hiền như game rắn Snake (Nokia tung ra hồi năm 1997 và rất thành công) hay chỉ cần nhanh tay lẹ mắt như game xếp gạch Tetris (của mấy nhà lập trình Nga do Nintendo phát hành năm 1984). Nhiều nhất là các game viết riêng cho di động. Hấp dẫn nhất phải kể là những tựa game trên máy tính hay thiết bị chơi game console có thêm bản di động. Nhưng ngôi vị trùm của các trùm cho tới lúc này phải trao cho game di động Pokémon Go do hãng lập trình Mỹ Niantic phát triển và công ty Nhật Bản Pokémon phát hành. Chỉ mới được tung ra giang hồ hồi thượng tuần tháng 7-2016 ban đầu giới hạn tại 3 nước Úc, New Zealand, và Mỹ mà chỉ sau 1 tháng, Pokémon Go đã trở thành một cơn sốt toàn cầu và được mở rộng tới hơn 30 nước, trong đó có Việt Nam. Nó đã có bản cho hai hệ điều hành di động nhiều người dùng nhất thế giới là Android và iOS.

Lợi thế đầu tiên của Pokémon Go là được phát triển trên game nổi tiếng Pokémon của Nhật Bản do hãng Nintendo phát hành từ đầu năm 1996. Nói nôm na là nó nổi tiếng từ trong trứng nước. Các nhà phát triển còn khéo léo kết hợp vào game những tính năng và công nghệ tiên tiến và thời thượng để tạo thành một game tương tác ảo (augmented reality game) dựa trên vị trí người chơi với cách chơi rất dễ dàng mà hấp dẫn, đồng thời mang tính tập thể, thậm chí cả cộng đồng cùng chơi. Game khai thác tính năng định vị toàn cầu GPS của thiết bị, cảm biến con quay hồi chuyển (gyroscope), hệ thống camera trên thiết bị, bản đồ số Google Maps,… Người chơi chỉ việc bật tính năng GPS lên để xác định vị trí, tìm kiếm và săn bắt những con vật ảo gọi là Pokémon được nhà phát triển cài cắm ở đâu đó chung quanh nơi người chơi có mặt. Cho tới thế hệ Pokémon Go, số lượng thú ảo Pokémon đã được bổ sung lên tới 721 loại. Chán săn bắt thú thì người chơi có thể làm huấn luyện viên để huấn luyện những con vật ảo mà mình săn bắt được rồi cho chúng đấu với những con thú của những huấn luyện viên khác.

Chỉ tính ở Mỹ, trong vòng 5 ngày đầu phát hành, Pokémon Go đã có khoảng 7,5 triệu người download và đem lại cho nhà phát hành mỗi ngày khoảng 1,6 triệu USD doanh thu từ khoản bán các vật phẩm và tính năng nâng cấp trong game. Theo trang TechCrunch, chỉ trong tháng phát hành đầu tiên trên thế giới, Pokémon Go đã vượt qua mức doanh thu 200 triệu USD.

Không cần phải đợi lâu những mặt trái của game Pokémon Go mới lộ diện. Chính vì sự hấp dẫn quá mức của game nên nhanh chóng tạo thành những cơn sốt và một lần nữa cho thấy ứng dụng xấu tốt, có ích hay gây hại chủ yếu tùy thuộc cách người ta sử dụng nó. Và cũng vì được kết hợp nhiều tính năng của thiết bị di động lại, game Pokémon Go có khả năng gây ra nhiều phiền toái gấp bội lần bình thường.

Trong bài này, chúng tôi không lặp lại những cảnh báo và dẫn chứng những vụ việc bản thân game Pokémon Go có thể gây ra những nguy cơ gì cho người dùng và cộng đồng vốn đã được nói nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới. Điều chúng tôi quan ngại hơn cả chính là cách người ta chơi game này có thể dẫn tới những hệ lụy đáng buồn, thậm chí nguy hiểm cho cả người chơi lẫn những người chung quanh.

Có lẽ rút kinh nghiệm từ thực tế trong thời gian đầu ra mắt, các nhà phát triển đã cho hiển thị trước khi người dùng cài đặt và chơi Pokémon Go những lời cảnh báo: không chơi game trong lúc đang lái xe, luôn cẩn trọng và quan sát chung quanh trong khi săn bắt thú. Chỉ ít lâu sau khi game này được phát hành đầu tiên ở Úc, cảnh sát nước này đã phải cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông sẽ cao hơn do người lái xe và người đi bộ mải mê săn tìm Pokémon. Nhiều địa phương khác cũng đã cảnh báo về tình trạng những người săn Pokémon gây rối trật tự và an toàn giao thông. Không chỉ vừa lái xe, vừa săn bắt Pokémon mà người chạy xe có thể dừng xe bất tử khi phát hiện có con thú ảo muốn tóm. Tình trạng người đi đường mải mê nhìn vào màn hình di động để tìm bắt Pokémon phớt lờ các khách bộ hành khác hay xe cộ xảy ra thường xuyên.

Trật tự dẫn tới an toàn ở những nơi công cộng (công viên, nơi mua bán, thắng cảnh,…) bị đe dọa do quá đông người chơi Pokémon dồn đến tìm săn thú ảo. Trong những ngày gần đây, nhiều công viên ở Việt Nam dù nắng chói chang hay mưa rơi, giữa trưa hay đêm khuya vẫn có đông người tới tìm Pokémon.

Truyền thông thế giới tràn ngập những tin tức về những người cuồng Pokémon. Không ít người săn tìm Pokémon bất chấp nguy hiểm cho mình và người khác. Như ở Syria, đất nước lâu nay chìm trong chiến tranh khốc liệt, có Đông Ghouta là một nơi chiến sự diễn ra bất kể ngày đêm và bom đạn được dội xuống khắp khu vực. Vậy mà gần đây có những bạn trẻ đã đi vào khu vực nguy hiểm cao này để săn tìm Pokémon trong những đống đổ nát vì bom đạn chiến tranh.

choi-game-o-syria-3

Săn Pokémon trong vùng chiến sự ở Syria. (Ảnh: Internet)

Đã xảy ra không ít trường hợp người chơi vi phạm pháp luật vì quá mê săn bắt Pokémon, như xâm nhập những nơi cấm (chẳng hạn khu quân sự, cơ quan nhà nước,…) hay những chốn riêng tư (nhà riêng, đất riêng,…)

Do Pokémon Go có sử dụng cảm biến định vị GPS và camera trên thiết bị di động, người ta lo ngại những thông tin nhạy cảm về những địa điểm quan trọng hay bí mật nào đó có thể bị kẻ xấu thu thập và lợi dụng. Chẳng hạn khi camera vô tình ghi được những hình ảnh “rõ ràng và cụ thể” về một nơi chốn hay cơ sở nào đó. Giới chuyên môn cũng cảnh báo khả năng bọn xấu có thể xâm nhập điều khiển thiết bị đang chơi game làm công cụ cho chúng. Ngày càng có thêm nhiều cơ quan, công ty cấm chơi Pokémon ở nơi làm việc để vừa tránh tình trạng nhân viên xao lãng công việc, vừa đề phòng những thông tin, hình ảnh riêng tư của cơ quan bị lộ ra ngoài. Nhiều nước đã cấm các thành viên quân đội, cảnh sát chơi Pokémon Go, đặc biệt là khi thi hành công vụ hay ở nơi làm việc, đóng quân.

Ngay từ khi Pokémon Go chưa được phát hành ở nước mình, Iran đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới cấm tiệt trò chơi này với lý do an ninh. Số lượng nước Hồi giáo Arập cấm Pokémon Go đang tăng lên. Nhiều nước không cấm nhưng đã đưa ra những quy định để kiểm soát và hạn chế chơi game này. Chỉ vài ngày sau khi game phát hành, Nhật Bản đã cấm chơi Pokémon Go tại  Izumo-taisha, một trong những đền thờ Thần đạo cổ nhất nước này. Mới đây, nhà Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh (Campuchia) đã cho dựng biển cấm chơi Pokémon.

pokemon-ban-campuchia

Nhà Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng ở Phnom Penh dựng biển cấm chơi Pokémon Go. (Ảnh: Internet).

Pokémon Go đã chính thức được phát hành ở Việt Nam ngày 5-8-2016 cùng với các nước Đông Nam Á khác. Người mê game ở Việt Nam vốn đã tìm được cách để chơi game này ngay từ khi nó mới được phát hành ở nước ngoài, giờ đây càng say máu Pokémon. Chỉ trong vòng một tuần đầu có mặt chính thức ở Việt Nam, Pokémon đã nhanh chóng tạo thành những cơn sốt, và lập tức gây ra những chuyện hỉ nộ ái ố.

Cũng đâu có gì lạ. Người Việt Nam mình lâu nay vẫn máu mê máu lửa, hễ có gì mới lạ và hấp dẫn là sôi sùng sục lên ngay, nhiều khi bất chấp tất cả theo tinh thần “dân chơi không sợ mưa rơi” hay “đã chơi là phải tới bến”, “chơi bất cần đời”. Một khi bản thân mình còn chẳng sá thì nói sao người chơi máu mê bất cần quan tâm tới ai khác.

Một anh bạn làm ở một tờ báo của ngành pháp luật lo ngại liệu rồi Pokémon Go với hình thức mua hàng trong ứng dụng (in-app purchases, IAP) có dẫn tới cảnh cày game, bỏ công ăn việc làm, sao lãng học hành, thậm chí đổ đốn tới tán gia bại sản như cái thời game online Võ Lâm Truyền Kỳ trước đây? Như đã nói ở trên, có điều gì tệ hại mà không có thể xảy ra với cách sống của không ít người Việt mình ngày nay.

Có lẽ nóng nhất gần đây là tình trạng người chơi Pokémon Go “phá rối” bản đồ số Google Maps.

Dựa vào Google Maps, các nhà phát triển Pokémon Go không chỉ cài cắm những con thú ảo ở những vị trí nào đó trên thế giới, mà họ còn hình thành hai loại địa điểm là  PokéStop (trạm Pokémon, nơi tập trung nhiều con thú ảo, cung cấp các vật phẩm, trứng Pokémon,…) và PokéGym (sân đấu Pokémon, nơi các huấn luyện viên Pokémon cho các con thú ảo do mình huấn luyện thi đấu với nhau). Các địa điểm này chủ yếu được đặt tại những nơi công cộng, nơi có nhiều người qua lại hay tập trung, như công viên, quảng trường, trung tâm mua sắm, nhà thờ, chùa, trường học,… Đặc biệt, game có cơ chế cho phép người chơi đề xuất vị trí đặt những địa điểm này dựa vào dữ liệu của Google Maps. Có lẽ khi đưa ra tính năng cộng đồng góp sức này, các nhà phát triển Pokémon Go không hiểu gì về người chơi Việt Nam. Vậy là chuyện đã xảy ra.

Sáng 10-8-2016, từ Hà Nội, bạn Lê Bách, trưởng nhóm cộng đồng Google Map Maker Việt Nam, viết một tâm thư trên trang Facebook Google Map Maker Vietnam, kêu gọi “các cơ quan báo chí, các tổ chức cùng các hội nhóm hãy làm điều gì đó nhằm bảo vệ nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam trên Google Maps mà người dùng trong mấy ngày qua đã tìm cách chỉnh sửa thông qua công cụ Map Maker của Google.” Bạn năn nỉ những người chơi “bất chấp” rằng “xin các bạn hãy dừng ngay hành động phá hoại bản đồ vì Pokémon”.

google-map-maker-vietnam-02

Theo bạn Lê Bách, trong những ngày qua, hàng ngàn người chơi đã có những hành động như tạo vị trí spam hàng loạt; bổ sung trùng lặp với các vị trí đã có; di chuyển các vị trí công cộng hữu ích như trụ sở, trường học, chùa chiền, cùng nhiều vị trí danh thắng quan trọng khác về gần nơi mình ở; bổ sung, spam các vị trí giả mạo,… Tất cả chỉ nhằm mục đích để có thể đề xuất lập những trạm PokéStop ở địa điểm có lợi cho mình.

pokestop-dexuat-01

Nhóm cộng đồng được Google cấp quyền giúp xét duyệt việc ghi danh các vị trí trên Google Maps ở Việt Nam vốn chỉ có ít người giờ đây bị tẩu hỏa nhập ma với hàng ngàn đề xuất địa điểm mới. Mặc dù Google khẳng định rằng quy trình xét duyệt ghi danh này rất chặt chẽ, không phải ai trong cộng đồng cũng có thể tùy tiện thay đổi nội dung, chi tiết của Google Maps, nhưng thực tế thì chỉ cần có người phụ trách xét duyệt nào làm việc cẩu thả một cái là để lọt những ghi danh sai. Trong mấy ngày qua, một số bạn đã cảnh báo trên Facebook những vị trí Google Maps bị thay đổi, ghi danh sai. Chẳng hạn như Đại học Hàng hải ở Hải Phòng bị ai đó dời tuốt vào Quận 1 (TP.HCM), hay Công viên Lê Thị Riêng ở Quận 1 bị dời về khu vực Tân Tạo của Quận Bình Tân. Nhóm Google Map Maker Vietnam Community (tên mới được đổi tối 11-8-2016 của Google Map Maker Vietnam) cũng đã dẫn chứng một số đề xuất “Thượng đế cũng phải cười” như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ai đó đề xuất chuyển về địa chỉ Ngõ 158 Ngọc Hà thuộc làng Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), hoặc Đại học Y Hà Nội bị đề xuất dời về D9ê Ninh Cơ (Xuân Ninh, Nam Định), hay Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được di dời về tận xã Thiện Trí (Cái Bè, Tiền Giang).

google-map-pokemon-fake-1

Vị trí Công viên Lê Thị Riêng tứ Quận 10 bị dời về Quận Bình Tân.

Trong thời gian qua, Google Maps là một bửu bối chỉ đường cho cộng đồng đi lại nhanh chóng và tiên lợi. Việc ghi danh sai và giả trên bản đồ số này sẽ gây hại cho mọi người.

Pokémon Go là một trò chơi công nghệ tiên tiến thú vị. Nếu được chơi đúng đắn, nó sẽ đem lại nhiều niềm vui và cả bổ ích cho cộng đồng. Thực tế là có vô số cách để chơi Pokémon Go hấp dẫn hơn. Nguyên tắc chung là chơi cho vui mình nhưng đừng gây phiền phức cho người khác, chơi để giải trí lành mạnh chứ không phải để làm hại mình và cộng đồng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 14-8-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

160814-baibao-phapluattp-2_resize

160814-baibao-phapluattp-3_resize