Làm ăn với mạng xã hội thiệt là hồi hộp
Người người lập Group (nhóm). Nhà nhà lập Fanpage. Bây giờ hầu như những người của công chúng và các đơn vị, tập thể có tên tuổi một chút đều có những nhóm, những fanpage trên mạng truyền thông xã hội (ở đây chúng tôi xin dùng Facebook làm đại diện cho mạng truyền thông xã hội). Mục đích là có nơi kết nối bạn bè, thân hữu lại để cùng chia sẻ những sở thích và quan điểm chung, cũng như để quảng bá cho nhiều người biết (tất nhiên có phần câu like, câu view ở đây).
Mạng truyền thông xã hội Facebook lớn nhất thế giới hiện có 1,65 tỷ người dùng thực tế hàng tháng (số liệu ngày 31-3-2016). Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, có tới 44% người dân Mỹ tiếp cận tin tức thời sự thông qua Facebook. Đây quả là một thiên đường cho những ai muốn quảng bá hay quảng cáo cái gì đó. Facebook lại càng lý tưởng hơn cho việc quảng bá mang tầm toàn cầu.
Mạng Facebook đã được Mark Zuckerberg, nhà tỷ phú công nghệ năm nay mới 32 tuổi, sáng lập ra cách đây 12 năm (4-2-2004), và trở thành dịch vụ online thành công nhất. Mark và đội của mình quả là lắm chiêu trò, thậm chí gọi là độc chiêu. Facebook tung ra vô số tính năng, ứng dụng thu hút và giữ chân người dùng. David Kirkpatrick, một nhà báo công nghệ và tác giả của cuốn The Facebook Effect, tin rằng Facebook được cấu trúc theo cái cách mà người ta đã bập vào rồi thì không dễ gì nhả ra, khó lòng mà thay thế được. Ông thách người dùng Facebook có cách nào để di chuyển trọn vẹn tất cả các mối quan hệ và hình ảnh của mình từ Facebook qua một mạng xã hội khác.
Có cái gì đó giống như mô-típ quả báo nhãn tiền “cá ăn kiến, kiến ăn cá” trong mối quan hệ giữa Facebook và truyền thông đại chúng (ở đây gọi là báo chí). Có lẽ ban đầu, Facebook phải cậy nhờ báo chí quảng cáo cho mình. Nhưng không lâu sau đó, chính báo chí phải ăn theo Facebook để kiếm thêm người đọc. Càng đau hơn nữa khi Facebook trở thành đối thủ cạnh tranh, hớt tay trên nhiều quảng cáo của báo chí. Thôi thì đành ngậm đắng nuốt cay, thay vì đối đầu mà cầm chắc như anh chàng Don Quixote đánh với cối xay gió, báo chí hợp tác với Facebook để cùng có lợi, cho dù theo cách ăn chia kẻ ăn cháo người ăn cơm. Cho tới nay, cả báo giấy lẫn báo mạng, người ta đua nhau mở các nhóm và các trang Fanpage trên Facebook.
Để giúp người dùng mở rộng các mối quan hệ, tạo thêm nhiều kết nối hơn và có sức quảng bá rộng hơn, Facebook đã bày ra hai loại hình kết nối tập thể gọi là Facebook Page và Facebook Group. Hai loại hình này khác nhau. Với Fanpage, các nhân vật của công chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức và các thực thể khác có thể hình thành một sự hiện diện chính danh và công cộng trên Facebook. Khác với profile của người dùng (trang cá nhân mang tính riêng tư), Fanpage mặc định được công khai đối với mọi người trên Internet. Bạn hay mọi thành viên Facebook đều có thể kết nối với các trang Fanpage bằng cách đăng ký thành một fan của chúng và sau đó nhận các thông tin cập nhật của chúng ngay trong News Feed của bạn và có thể tương tác với chúng. Trong khi Fanpage là một profile chính thức của một người dùng đặc biệt trên Facebook, các Group được thiết kế là nơi tập hợp của những người có cùng sở thích, cùng mối quan tâm với bạn. Đây là sân chơi chung của một nhóm cộng đồng. Và cũng giống như với Fanpage, các thông tin mới trên Group cũng được hiển thị trên các News Feed của mỗi thành viên, mà các thành viên có thể tương tác hay chia sẻ chúng với người khác ngoài nhóm của mình.
Đó là lý do mà các báo vừa lập Fanpage như một phiên bản online chính thức của mình, vừa mở hàng loạt Group về từng chuyên mục như những chân rết để mở rộng phạm vi lan tỏa.
Cốt lõi của dịch vụ cung cấp và cập nhật thông tin của Facebook là tính năng News Feed được giới thiệu hồi tháng 9-2006, hai năm sau khi mạng này chào đời. Tính năng này xuất hiện trên trang cá nhân của mọi người dùng Facebook và nhấn mạnh các thông tin mới như các thay đổi của profile, các sự kiện sắp diễn ra, sinh nhật của các bạn bè,… Và sau này, News Feed là nơi để Facebook cung cấp các liên kết tới các tin tức thời sự của các báo có quan hệ làm ăn với mình.
Cái làm cho các mạng xã hội như Facebook thành công sống khỏe và sống tốt không chỉ là các tính năng và dịch vụ hấp dẫn, mà chủ yếu là nội dung do chúng cung cấp. Chỉ có điều, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram,… đã cho thấy tài năng thượng thừa trong bí kíp “mượn đầu heo nấu cháo”. Nội dung của các mạng truyền thông xã hội này do chính người dùng tạo ra và cung cấp. Các mạng xã hội chỉ là nơi để xuất bản và hưởng lợi nhuận từ “đầu heo của người khác”.
Ở đây chúng ta thấy có mối quan hệ cộng sinh để cùng tồn tại giữa các mạng xã hội và người dùng. Nhưng cũng ở đây thể hiện sự bất công khi người dùng hoàn toàn lệ thuộc vào các mạng xã hội. Thực tế những ai từng là thành viên của mạng xã hội, càng nặng nề hơn nếu là những đối tác có mối quan hệ “ăn chia”, ắt thấm thía “niềm đau chôn giấu” này. Trong lợi nhuận tầm cỡ khủng long mà mạng xã hội thu được, người làm ra chiếc bánh cho mạng xã hội bán chỉ nhận được một phần nhỏ như con thỏ. Đã vậy, họ luôn phải sống trong tình trạng sẵn sàng bị mạng xã hội “xử đẹp” khi có thằng cha căng chú kiết nào đó rảnh tay chơi trò “báo cáo”. Người dùng Facebook cũng có thể bị cấm này cấm nọ khi bị “báo cáo vi phạm”, và có thể bị xóa tài khoản nếu bị cho là phạm lỗi nặng. Mà quy trình kêu oan thật là nhiêu khê và tốn nhiều thời gian. Tình hình tệ tới mức cách đây không lâu mạng YouTube phải loan báo họ đã lập một đội ngũ chuyên rà soát, sớm minh oan cho những người bị xử lầm vốn rất dễ xảy ra.
Mà không đau sao được khi một Fanpage trên Facebook, một kênh truyền hình trên YouTube,… được đầu tư tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhưng lại quá mong manh, có thể bị đóng cửa, mất sạch dữ liệu chỉ trong một nốt nhạc.
Không chỉ có chuyện dễ dàng bị lãnh những đòn phạt từ trên trời rơi xuống, người chơi còn phải phụ thuộc vào những chính sách, quyết định của mạng xã hội. Xin đơn cử chuyện có liên quan tới báo chí. Các báo hí hửng khi Facebook loan báo ưu tiên thông tin trên News Feed cho các báo có đăng ký làm ăn với mình. Rồi chỉ vài tháng sau, do phản ứng bất lợi của người dùng, Facebook phải thay đổi chính sách, trở lại ưu tiên hơn cho các thông tin của chính người dùng.
Tất nhiên, sức chơi sức chịu, sân chơi nào cũng có luật chơi riêng của nó. Điều muốn than ở đây là sự mệt mỏi của người chơi đàng hoàng giữa cõi đời ngày càng nhiễu nhương mà mạng xã hội lại nhiều bất cập. Người ta dặn nhau rằng: để giảm bớt nguy tai khi làm ăn với các mạng truyền thông xã hội là phải có mối quan hệ chính thức, tốt nhất là có ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng trên hết vẫn là phải quản lý cho chặt chẽ và biết tự giữ mình đừng để sụp lỗ chân trâu hay tạo cơ hội cho kẻ mượn gió bẻ măng. Nhưng biện pháp phòng xa chủ động này càng có giá trị khi người ta không có sự lựa chọn nào khác mà buộc phải chịu phụ thuộc vào ai đó.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh: Internet. Thanks.
+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 21-8-2016 và trên báo Pháp Luật Online