Thứ Sáu ngày 20 tháng 9 năm 2024

Mạng xã hội tồn tại nhờ sự tin dùng của người sử dụng

Có lẽ cụm từ “tương lai mạng xã hội” giờ phải đảo lại thành “mạng xã hội tương lai” thì mới hợp tình, hợp lý, hợp thời. Bởi mạng xã hội được sinh ra chủ yếu để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của con người, nên nó sẽ vẫn tồn tại khi những nhu cầu thiết thân đó vẫn còn.

Vấn đề của vấn đề nằm ở chỗ các mạng xã hội sẽ phải cải thiện và phát triển ra sao để ngày càng phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu của người dùng. Mà chuyện đó vĩ mô lắm, dài dòng lắm và nói hoài không hết. Chỉ có thể tóm gọn là mạng xã hội muốn tồn tại thì phải làm sao luôn được người dùng yêu thích và tin dùng.

Thực tế thì các mạng xã hội ngày càng gặp nhiều thách thức hơn. Ngoài chuyện phải cạnh tranh lẫn nhau, chúng còn phải đối mặt với các quy định ngày càng chặt chẽ và nghiêm khắc hơn của cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của các hệ điều hành và các nhà mạng.

Ảnh: Internet. Thanks.

Hãy cứ xem trường hợp của Facebook, mạng truyền thông xã hội toàn cầu lớn nhất thế giới với khoảng 3 tỷ người dùng. Trong những năm gần đây, một trong 5 Big Five công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ này luôn phải đương đầu với những rắc rối đến từ các cơ quan quản lý cả ở Mỹ lẫn nhiều nước trên thế giới. Chủ yếu là vấn đề quản lý nội dung xuất bản, an toàn và bảo mật cho người dùng, thuế má, chia sẻ lợi nhuận cho các nhà làm nội dung,…

Nhưng có lẽ một trong những “cú móc hàm” đau nhất mà Facebook nhận lãnh là từ đồng hương đồng nghiệp Apple. Ngày 26-4-2021, Apple chính thức phát hành bản cập nhật của hệ điều hành di động iOS là iOS 14.5 với tính năng ngăn theo dõi người dùng và chặn quảng cáo chủ động gọi là App Tracking Transparency. Công cụ này cho phép người dùng được kiểm soát mạnh mẽ và minh bạch hơn với các ứng dụng muốn theo dõi hoạt động của họ trên mạng để có dữ liệu phục vụ cho quảng cáo online. Một cửa sổ pop-up sẽ xuất hiện mỗi khi người dùng mở một ứng dụng muốn truy cập vào thông tin cá nhân (ID) của họ trên điện thoại iPhone. Cửa sổ này sẽ hỏi người dùng có đồng ý bị theo dõi không và sẽ giải thích vì sao ứng dụng muốn theo dõi họ. Như vậy, các dịch vụ quảng cáo online, như Facebook, sẽ phải xin phép rõ ràng với người dùng trước khi theo dõi họ từ ứng dụng này sang ứng dụng khác. Theo báo New York Times, người ta dự đoán sẽ có rất nhiều người nói “không” với việc cho phép theo dõi “xuyên ứng dụng” này. Hậu quả là các công ty lâu nay sống nhờ nguồn thu từ quảng cáo online có thể sẽ thu thập được ít dữ liệu hơn từ người dùng, và khó thực hiện việc quảng cáo định hướng đối tượng. Meta, công ty mẹ của Facebook, thừa nhận vấn đề này có thể khiến Meta mất hơn 10 tỷ USD doanh thu (bằng 1/4 tổng lợi nhuận của Facebook năm 2021).

Đầu năm 2022, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Facebook có lượng người dùng hàng ngày bị sụt giảm. Ngày càng thêm nhiều người dùng Facebook hoặc bỏ cuộc chơi ảo, hoặc chuyển sang những sân chơi mới vui hơn, như TikTok. Nền tảng này cũng ngày càng giảm hiệu quả quảng cáo so với những đối thủ. Theo khảo sát của Agora Pulse, một công cụ hỗ trợ quảng cáo, với cùng một số tiền bỏ ra quảng cáo trên Facebook và YouTube thì số lượt share, nhấp chuột và dùng thử sản phẩm trên Facebook không còn là độc tôn nữa.

Các khách hàng quảng cáo cũng đâm ra lưỡng lự khi chi tiền quảng cáo cho một nền tảng ngày càng bị chính quyền các nước “chiếu tướng”. Ngay tại quê nhà Mỹ, Facebook cũng khốn đốn với bóng ma chống độc quyền từ cả 2 nhánh hành pháp và lập pháp. Chẳng hạn Ủy ban Thương mai Liên bang (FTC) Mỹ đã kiện Facebook dùng việc mua lại 2 ứng dụng di động Instagram và WhatsApp để duy trì vị thế độc quyền. Còn ở Châu Âu, theo dự thảo Đạo luật Dữ liệu mới của Liên minh Châu Âu (EU), việc truyền dữ liệu ra ngoài phạm vi 27 nước thành viên sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn tới Facebook.

Khi Meta phản ứng bằng cách dọa rút Facebook và Instagram khỏi Châu Âu, ngày càng có nhiều người của châu lục này tham gia phong trào chủ động xóa tài khoản của hai mạng xã hội này. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng: “Chúng ta sống khỏe khi không có Facebook, và chúng ta vẫn sẽ sống rất khoẻ mà không cần Facebook. Chúng tôi quyết tâm kháng cự, nhân danh chủ quyền Châu Âu.”

Châu Âu là một thị trường quan trọng của Facebook, chiếm khoảng 1/4 doanh số toàn cầu của công ty này. Theo ước tính, mỗi người dùng Facebook hay Instagram tại Châu Âu đã đem về cho công ty này 19,7 USD mỗi năm, cao gấp rưỡi mức trung bình toàn thế giới.

Kể từ đầu năm 2022, cổ phiếu mạng xã hội Facebook đã lao dốc 35% giá trị, thổi bay 250 tỷ USD vốn hóa thị trường của công ty.

Thật ra, vụ Facebook bị Apple cản trở theo dõi người dùng đây chỉ là thêm một giọt nước làm tràn ly. Cuộc chiến giữa hai ông lớn công nghệ Mỹ này có bề dày “thâm thù” cả thập kỷ rồi. Kể từ khi thành lập ở Mỹ hồi tháng 2-2004 đến nay, Facebook đã xây dựng “đế chế” toàn cầu của mình bằng cách thu thập dữ liệu của người dùng, chủ yếu cho mục đích quảng cáo. Năm 2020, Facebook được xếp thứ 34 trong bảng danh sách Fortune 500 các công ty lớn nhất của Mỹ với doanh thu khoảng 86 tỷ USD. Hầu hết doanh thu của Facebook là đến từ quảng cáo. Theo OZY năm 2019, phân tích từ dữ liệu năm 2017, Facebook đã kiếm được 20,21 USD/người dùng từ quảng cáo trong năm 2017.

Không cần phải lãnh những cú “tứ bề thọ địch” hay “bắn tỉa”, bản thân các mạng xã hội như Facebook vốn có những nỗi khổ riêng. Ê ẩm nhất là thân phận ăn nhờ, ở đậu. Bởi các mạng xã hội phải sống dựa vào các nền tảng hệ điều hành. Và các hệ điều hành luôn phải nỗ lực bảo vệ người dùng của mình.

Không ai phủ nhận chuyện các mạng xã hội muốn cung cấp sân chơi miễn phí cho cộng đồng thì phải có nguồn thu nào đó, chủ yếu từ quảng cáo. Khi phải cạnh tranh lẫn nhau càng khốc liệt bao nhiêu, các mạng xã hội càng phải tốn kém hơn bấy nhiêu để sáng tạo, cải tiến không ngừng hầu giữ chân người cũ, chiêu dụ người mới. Và có lẽ cái “đạo lý” mà các nhà cung cấp miễn phí đồng lòng ủng hộ là người chơi miễn phí ắt phải bù đắp lại bằng một hình thức nào đó. Trên đời này hầu như chẳng có cái gì thật sự là miễn phí. Cụ thể ở đây, khi không phải trả chi phí cho dịch vụ được cung cấp, người dùng phải chịu cho phép nhà cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích quảng cáo.

Có lẽ để dung hòa mà các bên đều có thể cười hỉ hả là mọi sự phải rõ ràng, minh bạch trên cơ sở đồng ý. Mỗi người dùng phải được biết các nhà cung cấp dịch vụ thu thập các thông tin gì và dùng dữ liệu đó để làm gì, đồng thời họ phải được cấp quyền lựa chọn cho phép hoặc từ chối cung cấp dữ liệu.

Các mạng xã hội muốn tồn tại tất nhiên phải làm sao để được người dùng tin dùng và tuân thủ các quy định của đất nước mà mình hoạt động. Đó mới chính là cái kế sách bền vững.

PHẠM HỒNG PHƯỚC