Thứ Ba ngày 16 tháng 4 năm 2024

Giáo dục luôn là dạy người

20160828_094935_resize

 

Sáng Chủ nhật 28.8.2016, kênh truyền hình chuyên giáo dục VTV7 có một chương trình trò chuyện Edu Talk: Nhìn & Thấy với chủ đề “Đổi mới giáo dục: lấy người học làm trung tâm”. 
Ba vị trí thức có level giáo sư, tiến sĩ trò chuyện chung quanh chủ đề đó. Dĩ nhiên rồi. Họ cho biết và sau đó có phỏng vấn một số giáo viên rằng người dạy học hiện nay luôn mong muốn đổi mới phương pháp dany học. Rồi họ nêu lên những nguyên nhân ngáng chân chuyện đổi mới phương pháp dạy học.

20160828_095301_resize

Nhưng đó không phải là điều tôi muốn nói ở đây. Tôi chỉ ngạc nhiên là “phải cần đổi mới giáo dục thì mới cis thể lấy người hoc làm trung tâm”.

Giáo dục ngay từ khi ra đời đã có chức năng là dạy người. Mà như vậy thì người học là đối tượng duy nhất, là trung tâm của giáo dục. Người học là nguyên nhân để giáo dục ra đời và tồn tại.

Suy ra: vậy thì hóa ra bao năm nay, giáo dục xứ Việt Today chưa lấy người học làm trung tâm. Lại suy ra nếu chưa lấy người học làm đối tượng duy nhất thì giáo dục đâu phải là giáo dục. Có lần tôi đọc trên báo có vị trí giả nhận xét: giáo dục bị coi là một trong những công cụ phục vụ chính trị.

Thực tế các phong trào thi đua học tốt, dạy tốt không phải có chủ đích cho ra những con người được giáo dục tốt. Chúng chỉ vắt kiệt sức thầy lẫn trò, khiến học trò phải hy sinh cả tuổi thơ của mình mà cày bừa trên những trang sách giáo khoa vốn quá nặng nề và ngổn ngang những thứ không cần thiết. Cái đích vượt lên tất cả của hoạt động giáo dục là để nhà trường và cán bộ quản lý giáo dục đạt lấy những danh hiệu thi đua và từ đó mà giữ ghế. Học trò không phải là đối tượng được phục vụ mà là công cụ phục vụ.

Không ai phủ nhận vẫn có những nhà giáo dục rất tâm huyết và có nhiều công lao đóng góp cho tương lai học trò. Nhưng vài ba thân cây không làm nên một rừng cây.

Chỉ khi nào người học được coi là đối tượng duy nhất và là trung tâm thì giáo dục mới thật sự là giáo dục. Điều này giải thích vì sao ngành giáo dục (không phải nền giáo dục) của ta cho tới nay, sau 40 năm thống nhất đất nước, vẫn cứ loay hoay như gà mắc tóc. Có lẽ giáo dục Việt Nam là độc nhứt vô nhị trên hành tinh này, không hề sợ đụng hàng vì không giống ai mà cũng chẳng ai dám bắt chước.

Thôi thì một khi công cuộc đổi mới giáo dục đã xác định được phải lấy người học làm trung tâm thì đó cũng nên coi là đáng mừng. Cho dù quay lại từ vạch xuất phát, nhưng rõ là sẽ chạy đúng lane của mình trong cuộc thế vận hội.

Đó là tôi nghĩ vậy mà. À há.

PHẠM HỒNG PHƯỚC
+ Ảnh chụp từ truyền hình.