Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Đồng nhân dân tệ chính thức trở thành một loại tiền tệ quốc tế

A customer is served at a counter at a foreign exchange store in Hong Kong, China, August 13, 2015. REUTERS/Tyrone Siu

A customer is served at a counter at a foreign exchange store in Hong Kong, China, August 13, 2015. REUTERS/Tyrone Siu

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF quả là khéo lấy lòng người dân của đất nước đông dân nhất hành tinh và là nền kinh tế số 2 thế giới khi chọn đúng ngày 1-10-2016, ngày Quốc khánh Trung Quốc, để chính thức tuyên bố kể từ hôm nay, đồng nhân dân tệ (yuan hay renminbi – RMB) của Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ (currency basket) của IMF. Có nghĩa, đồng tiền Trung Quốc từ nay có giá trị thanh toán và dự trữ quốc tế giống như USD, euro, yen Nhật Bản và bảng Anh,

Nói cho đúng thuật ngữ, đồng nhân dân tệ đã trở thành một thành viên hợp thành mới của định chế gọi là “quyền rút vốn đặc biệt” Special Drawing Right (SDR). Đây là một loại tiền tệ quốc tế do IMF phát hành cách đây khoảng 50 năm được phân bổ cho các nước thành viên với tỷ lệ nhiều ít tùy theo tùy theo tỷ lệ phần vốn mà nước đó góp vào IMF. Tuy được công nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế, nhưng SDR không có giá trị lưu thông như các loại tiền tệ thông thường mà chỉ để thanh toán. Thế giới có 194 quốc gia chính thức mà cứ để mạnh ai nấy đưa đồng tiền của mình ra thanh toán quốc tế thì quả là rối ren cả hàng tiền đạo cho tới tận hàng hậu vệ. Các đồng tiền được chọn vào giỏ tiền SDR không phải vì chúng là đồng tiền mạnh mà là bởi chúng của những nền kinh tế mạnh và đáng tin cậy nhất trong khu vực.

Với vị thế mới của đồng nhân dân tệ, giới đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc thêm phần an tâm. Và từ nay, Trung Quốc càng có thể mở rộng thêm phần ảnh hưởng với quyền lực mềm của mình ra khắp thế giới.

Thiệt ra, chuyện này đã được định đoạt từ lâu, nay mới chính thức công bố có giá trị. Vào ngày 30-11-2015, IMF đã đồng ý, dĩ nhiên là với sự bật đèn xanh của Mỹ, để đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ SDR trước nay chỉ giữ ở 4 loại tiền.

yuan

Theo giới chuyên môn, mục tiêu chính trước mắt của Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ có giá trị thanh toán quốc tế là trở thành một nguồn đa dạng hóa cho các ngân hàng trung ương ở châu Á, nơi có khuynh hướng không muốn giữ những món nợ bằng đồng euro ẻo lả nay trồi mai sụt, hoặc một đồng yen tuy mang tiếng là của đất nước Thần Mặt trời nhưng yếu xìu. Trong vòng 5 năm qua, đồng yên đã mất giá tới 24,3% so với USD. Còn đồng nhân dân tệ, tuy bị mọi người coi là quá yếu, lại chỉ mất có 4,2% tỷ giá. Báo Forbes (30-9-2016) đưa ra kịch bản: từ nay, Trung Quốc có thể mua đậu nành của Brazil hay mua dầu lửa của Saudi Arabia thay vì thanh toán bằng USD như xưa nay giờ có thể trả bằng chính đồng tiền nhân dân tệ của mình.

Mặc dù có đồng nhân dân tệ đã là đồng tiền thanh toán quốc tế, Trung Quốc chỉ có thêm lợi thế chứ không thể bắt buộc các đối tác của mình chỉ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Cái vụ mua bán vẫn phải là thuận mua vừa bán và do hai bên cùng thỏa thuận với nhau. Cái lợi lớn nhất của Trung Quốc là về lý thuyết, người dân của họ có thể “bỏ ống” bằng chính đồng nội tệ thay vì phải đổi sang đồng USD hay euro.

Tất nhiên, tuy cũng là thành viên của giỏ tiền SDR, nhưng mỗi loại tiền có giá trị khác nhau và được ưa chuộng (hay tin dùng) khác nhau. Đồng USD xưa nay vẫn là thiên hạ vô đối. Còn với đồng nhân dân tệ, tỷ lệ giá trị ban đầu trong giỏ tiền SDR là 10,9%.

Giới đầu tư quốc tế dĩ nhiên rất nhạy bén mà đi trước đón đầu. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), chỉ nội từ tháng 3 tới tháng 6-2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mức nắm giữ các khoản nợ chủ yếu bằng đồng nhân dân tệ lên khoảng 100 tỷ nhân dân tệ (14,9 tỷ USD). Chính nhờ việc những người nước ngoài mua lại những khoản nợ của Trung Quốc hồi tháng 8-2016 đã giúp đồng nhân dân tệ được mạnh.

Bắc Kinh đã cam kết sẽ giữ nền kinh tế ổn định và phát triển để giúp cho đồng nhân dân tệ được mạnh. Bên cạnh đó uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng góp phần ảnh hưởng tới đồng nhân dân tệ mạnh hay yếu và có được nhiều nước tin dùng hay không. Nói chung là còn rất nhiều chuyện. Nhưng chắc chắn một điều là đồng nhân dân tệ có thể được dùng để thanh toán quốc tế, nhưng còn để dự trữ quốc tế thì vẫn còn là một giấc mơ của Bắc Kinh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.