Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Không thầy đố mày làm nên…

161120-ngay-nhagiao-php

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em xin gởi những lời chúc mừng chân thành và lòng tri ân sâu nặng tới các quý Thầy Cô của em.

Nhờ được các Thầy Cô dạy cho thấm nhuần đạo lý “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, tôi biết ơn và xin gởi lời cảm ơn tới tất cả những vị “thầy đời” (thầy dạy ngoài đời) mà tôi đã được gặp, đã được tận tình chỉ bảo trong những ngày tháng lênh đênh lình bình giữa kiếp nhân sinh này.

Tôi cũng xin được chúc mừng tất cả các bạn bè làm trong ngành giáo dục, đặc biệt là những người có vinh dự đứng trên bục giảng.

Lẽ ra trong ngày vui và đầy chúc tụng này, tôi chỉ cần dừng lại sau những lời chúc mừng và tri ân các vị thầy của mình. Nhưng như vậy tôi đã tự mình truất đi cái “tước hiệu” “kẻ nhiều chuyện” của mình.

Ngày Nhà giáo Việt Nam thiệt ra có nguồn gốc quốc tế đó à nghen. Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, năm 1949, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục (Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE, thành lập ở Pháp năm 1946 và có 57 nước tham gia) đã đưa ra bản Hiến chương các nhà giáo với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Năm 1953, trong một cuộc họp của FISE tại Warszawa (Ba Lan), Công đoàn Giáo dục Việt Nam quyết định lấy ngày 20-11-1958 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Và kể từ năm 1982, theo một quyết định của chính phủ, ngày 20-11 hàng năm trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phải nói là hên cho mọi người nói chung và các nhà giáo nói riêng khi ngày này có chính danh là Ngày Nhà giáo Việt Nam – có nghĩa là bao gồm tất cả những người làm trong ngành giáo dục ở Việt Nam. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 cũng vậy. Chỉ có giới nhà báo thì phải chịu quy hoạch trong Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam 21-6.

Trời, hắn lại lan man quàng xiên nữa rồi.

happy-teachers day-01

Ngày Nhà giáo Việt Nam không phải chỉ là một ngày lễ, một ngày kỷ niệm của riêng ngành giáo dục. Nó thực chất – và chỉ có vậy mới mang ý nghĩa thật sự – là một dịp để nhắc nhớ và tạo cơ hội cho các học trò nói riêng và cả xã hội nói chung thể hiện lòng tri ân đối với những người mang thiên chức dạy dỗ con người thành Người.

Thấy cô vốn là những người “thi ân bất cầu báo”. Họ hiểu mình là những người lái đò ngang đưa các lớp học trò qua những bến bờ giáo dục. Đó là những chuyến đò ngang một chiều, chỉ đưa khách qua bờ sông bên kia chớ không có khách quay lại bờ cũ. Và những chuyến quay trở lại bờ xuất phát khi một mình một con đò chính là thời gian mà người dạy học cảm thấy cô đơn nhất, đấu tranh ác liệt nhất vừa với sóng gió ba đào giữa con sông đời, vừa với những giằng xé bên trong mình để có thể tiếp tục tồn tại với nghề, tiếp tục con đường mình đã chọn.

Nghề dạy học là một trong những loại nghề chọn người chớ không phải là người chọn nghề. Bởi lẽ, nghề dạy học đòi hỏi người làm nghề phải có những tiêu chuẩn, thậm chí có thể gọi là phẩm chất, nhất định. Theo lẽ thông thường, người chọn nghề dạy học là tự mình xác tín và chấp nhận phải hy sinh chính mình và phải dấn thân. Nếu các giáo sĩ truyền đạo, thì các giáo viên truyền chữ. Nếu các bậc tu hành dạy con người đắc đạo lo cho kiếp sau, thì các nhà giáo dục dạy con người làm Người ngay tại kiếp này. Tất nhiên, nói để có chút ý niệm chớ nào có thể so sánh giữa hai phạm trù này được. Nhưng giáo sĩ và giáo viên đều có sứ mạng chung là truyền cho con người cái nội hàm chân thiện mỹ.

Tôi vừa thấy trên Internet một cách chiết tự để giải thích ý nghĩa danh xưng “thầy giáo” (teacher) thiệt thú vi: TEACHER = T: Talented (có tài năng) + E: Elegant (thanh lịch) + A: Awesome (tuyệt vời) + C: Charming (duyên dáng, quyến rũ) + H: Helpful (giúp ích) + E: Efficient (có hiệu quả) + R: Receptive (dễ tiếp thu).

Nhưng thực tế cuộc đời nào như vậy. Mặc dù chẳng ai chọn học sư phạm để kiếm tiền, làm giàu (và đó cũng là điều tối kị của nghề dạy học), nhưng từ lâu lắm rồi, ngành sư phạm vẫn là một chốn dung thân (sanctuary place) cho những sĩ tử không còn đường nào khác. Bởi vậy mới nảy nòi ra cái câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Và đây mới chính là một nỗi đau mưng mủ của ngành giáo dục dẫn tới biết bao hệ lụy khi tung vào cuộc đời những người có tấm bằng sư phạm mà chẳng có tâm thế và phẩm chất của nhà giáo. Khỏi nói thì ai cũng có thể biết học trò của những “dị nhân” này ra sao. Và đó cũng chính là những con sâu làm rầu nồi canh giáo dục, gây ra những tay tiếng và tai ương, làm hoen ố hình ảnh của người làm giáo dục (ở đây xin phân biệt giữa người làm giáo dục và người thầy, cũng như xin không xếp những con người đó ngồi chung chiếu với các người thầy bất luận danh xưng của họ thế nào).

happy-teachers day-02

Ngành giáo dục của xứ ta ở năm thứ 16 của thế kỷ 21 rồi mà vẫn còn quá nhiều ngổn ngang, bất cập, thậm chí phải nói chính xác là đang trong vũng lầy, càng cựa quậy càng lún sâu. Đây là một cái ngành kỳ lạ khi sau thống nhất đất nước hơn 40 năm rồi mà nó vẫn chưa thể định hình – vẫn từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác. Nhưng thôi, đó là chuyện vĩ mô, chuyện của những người được xã hội trả lương để quản lý (quản lý thôi chớ đừng có mong trả lương để có trách nhiệm). Trong bối cảnh như vậy, cách tốt nhất cho cuộc đời là tự thân mỗi thầy cô nỗ lực để mình thật sự là một nhà giáo. Thầy cô không phải trực tiếp chịu trách nhiệm về sự tốt xấu của ngành giáo dục (đó là chuyện các nhà làm giáo dục và quản lý giáo dục phải quyết toán với lịch sử – có lẽ vì sợ quan tòa lịch sử nên có những người rắp tâm xóa bỏ môn lịch sử). Thầy cô chỉ cần tự chịu trách nhiệm với chính mình, với lương tâm của nhà giáo. Và chỉ cần như vậy, những ngày như Ngày Nhà giáo Việt Nam mới thiệt là ngày vui “tôn sư trọng đạo”.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.