Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Giáo dục thời số hóa lên mây

 

Thế giới đã thay đổi. Ông Anthony Salcito, Phó Chủ tịch, Khối Giáo dục toàn cầu, Tập đoàn Microsoft, đã thốt lên như vậy để mở đầu bài nói chuyện chính của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh giáo dục châu Á Bett Summit Asia 2016 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 15-11-2016. Tham dự hội nghị này có hơn 1.500 đại biểu là các nhà lãnh đạo chính sách hàng đầu, các nhà giáo dục, cán bộ nghiên cứu từ khắp châu Á – Thái Bình Dương (APAC), trong đó có các quan chức Bộ Giáo dục và Đào tạo và những người làm giáo dục ở Việt Nam.

161115-bett-summit-04-anthony-salcito_resize

Ông Anthony Salcito.

Vì thế giới thay đổi nên hoạt động giáo dục cũng phải thay đổi theo. Mục đích giáo dục có thể bất biến, hay chỉ hiệu chỉnh chút ít, nhưng phương pháp giáo dục không thể bổn cũ xào lại, muôn xưa cũ được nữa rồi.

Cụ thể là gì? Thế giới đã ở vào kỷ nguyên hội tụ số, của công nghệ cao và kỹ thuật số. Kết nối từ Internet thông thường đang chuyển nhanh lên Internet cho vạn vật (Internet of Things, IoT) khi mọi thứ trên đời này được kết nối với nhau thông qua các liên kết số.

Microsoft cho biết hiện nay có 68% sự cộng tác với những người khác, 57% trình độ học vấn là dưới dạng số hóa (digital media). Và có tới 91% chỗ làm việc trong tương lai sẽ không thể đạt được nếu như không có kỹ năng số (digital literacy). Nếu như ngày trước người ta cần biết đọc, biết viết chữ (literacy) thì ngày nay cần phải biết sử dụng các thiết bị số (digital literacy).

Các nhà giáo dục và các chuyên gia công nghệ đang nỗ lực hợp tác với nhau đưa ra một mô hình mới cho giáo dục. Đó là chuyển đổi lên số hóa trên nền tảng điện toán đám mây trong kỷ nguyên IoT.

Hội nghị Bett Asia 2016 đã dựng nguyên một lớp học tiểu học được số hóa và tương tác cho các nhà giáo dục châu Á có thể trải nghiệm thực tế. Các cô trò học mà chơi, chơi mà học với sự trợ giúp của các thiết bị điện tử và máy tính được kết nối Internet. Với chiếc bảng tương tác thay cho bảng đen, cô trò có thể cùng tham gia trong việc dạy và học. Khi cần tìm thêm tư liệu hay minh họa gì, cô trò chỉ cần vào Internet.

bett-summit-classroom_resize

Lớp học tương tác tại Bett Summit. (Ảnh: PHP)

Vấn đề mấu chốt ở đây là giáo viên đóng vai trò một người hướng dẫn, một người bẻ ghi và sẵn sàng trợ giúp học trò trong suốt quá trình học. Việc này đòi hỏi giáo viên phải không ngừng nâng cao tri thức và kỹ năng số. Việc giáo viên hướng dẫn rất cần để giúp học trò tiếp cận đúng thông tin cần tìm và lọc bỏ những thông tin xấu giữa một thiên la địa võng thông tin ngồn ngộn trên Internet. Tất nhiên, học trò được hướng dẫn và trau dồi các kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet và sử dụng công cụ số để có thể tự mình phục vụ mình – đây cũng là những kỹ năng số sống còn của trẻ trong tương lai khi trưởng thành và vào đời.

Ông Anthony Salcito lưu ý rằng phương pháp học tập ngày nay đang chuyển đổi sang hình thái mới mà thậm chí trẻ em có thể tự học không cần phải có mặt của giáo viên hay phụ huynh. Cụ thể hơn, các lớp học do giáo viên lãnh đạo chuyển sang việc học tập dựa trên các dự án, các lớp học truyền thống chuyển thành lớp học có thể gấp lại (dùng laptop), việc học tập độc lập chuyển thành học tập cùng tập thể, việc học tập cá nhân hóa chuyển thành học tập chuyên nghiệp hóa.

Dữ liệu vừa là nền tảng, vừa là động lực giúp cho tiến trình chuyển đổi số hóa giáo dục thành công. Dữ liệu ở đây bao gồm tri thức. Ngày nay, nguồn tri thức không chỉ giới hạn trong sách giáo khoa, các thư viện, trong sách báo. Nguồn tri thức phong phú và có sẵn cho mọi người nằm trên Internet. Vấn đề còn lại là kỹ năng tìm kiếm và xử lý dữ liệu trên Internet. Thực tế khảo sát cho thấy chính sức mạnh của nguồn dữ liệu số đã giúp cải thiện mạnh mẽ thành tích học tập của học sinh. Số liệu của hệ thống các trường công Tacoma ghi nhận tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng vọt sau khi biết khai thác nguồn dữ liệu trên Internet.

Các nhà trường cũng phải chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng trưởng thành trong một thế giới mới. Khái niệm việc làm (job) của thế kỷ 20 đã chuyển thành khái niệm công việc (work) trong thế kỷ 21. Hiện nay, hệ thống tôn ti trật tự có trên có dưới đang chuyển thành các hệ thống mạng và các mối quan hệ, việc cạnh tranh giành thị phần chuyển thành việc hình thành thị trường mới, cách làm việc dựa theo chức năng trong các đơn vị chuyển thành làm việc tập thể dựa trên dự án, quan niệm 30 năm làm một công việc chuyển thành trải qua làm hơn 10 công việc vào tuổi 40. Nếu như trước đây người ta phải đi tìm công việc thì bây giờ chính công việc đi tìm người thích hợp.

Kết quả khảo sát do Microsoft đưa ra cho các nhà giáo dục châu Á là thực trạng giới trẻ đang chiếm gấp nhiều lần người lớn tuổi trong đội quân thất nghiệp ở châu Á. Việt Nam may mắn là mới chỉ ở mức gấp đôi (6% người trẻ so với 3% người lớn). Tỷ lệ này là 22% và 6% ở Indonesia, 10% và 3% ở Malaysia,…

Vì thế, theo các chuyên gia, ngay từ nhà trường tiểu học, trẻ em phải được xây dựng các kỹ năng sống sót thiết yếu chuẩn bị cho trưởng thành. Các yếu tố chủ đạo là cách tư duy dựa trên máy tính, cách tư duy nghiêm túc mang ý nghĩa quyết định, khả năng làm việc tập thể, có được kỹ năng truyền thông, có óc sáng tạo,…

Với các yêu cầu thời đại như vậy, phương pháp giáo dục cổ điển không thể nào đáp ứng được.

Giáo dục số hóa ở đây không phải chỉ đơn giản là đầu tư trang bị các thiết bị công nghệ cao thay thế các học cụ truyền thống, cũng như không phải chỉ chuyển các tài liệi học tập từ dạng in sang dạng số. Đó là cả một hệ thống giáo dục toàn diện được vận hành trên nền kỹ thuật số và kết nối Internet mà mỗi lớp học là một tế bào hợp thành. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá về tin học hóa nhà trường. Không phải chỉ trang bị máy tính cho nhà trường, thậm chí tới từng lớp học hay từng học sinh, từng giáo viên là đã số hóa, công nghệ hóa được hoạt động giáo dục. Các thiết bị này thực chất chỉ là công cụ mang tính phương tiện và trợ giúp. Vì thế, muốn số hóa giáo dục, các nhà làm giáo dục phải bắt đầu từ tư duy, suy nghĩ theo công nghệ số. Chẳng hạn, không thể coi tấm bảng tương tác như một chiếc bảng đen truyền thống, và không thể sử dụng cây bút cảm ứng (stylus) như một viên phấn.

Cũng cần nói rõ là việc chuyển đổi lên số hóa không thể thay đổi bản chất của một nền giáo dục. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ tự thân nền giáo dục phải tạo ra cho mình một sự thay đổi cho phù hợp với kỷ nguyên số hóa và kết nối. Giáo dục không thể tách rời khỏi cuộc sống xã hội. Vì thế, giữa một xã hội “digital”, giáo dục không thể là “analog”.

Trẻ em phải có quyền được vui chơi. Từ nhà trẻ tới bậc phổ thông, đặc biệt là tiểu học, trẻ em phải được vui chơi trong lớp học, tại nhà trường theo nguyên tắc chơi mà học, học mà chơi. Đây là giai đoạn để trẻ em làm quen với môi trường chung quanh, rèn luyện nhân cách. Khi lên bậc trung học, học sinh bắt đầu tiến trình thu thập tri thức ngày càng sâu rộng hơn cùng lúc với rèn luyện nhân cách, nhận thức về đạo đức và trau dồi kỹ năng sống. Yếu tố làm việc tập thể chi phối trọn thời gian học trung học phổ thông.

Người ta cần phải nghĩ lại về mục đích giáo dục tại trường phổ thông. Theo ông Ken Robinson, một học giả và nhà tư vấn giáo dục của Anh, nhà trường phổ thông phải là nơi “giúp học sinh hiểu biết về thế giới chung quanh mình và các tài năng bên trong mình”.

Chúng ta có thể tham khảo một ngày học điển hình của lớp 4 ở Phần Lan, kéo dài từ 8g30 sáng tới 2g chiều. 45 phút học tiếng mẹ đẻ – Nghỉ 15 phút – 45 phút rèn luyện thể chất – 30 phút tới 60 phút ăn trưa – 45 phút học các môn khoa học – Nghỉ 15 pút – 45 phút học nhạc – Nghỉ 15 phút – 45 phút học tiếng Anh – Về nhà. Bài tập về nhà hoặc không có hoặc chỉ phải làm trong tối đa 30 phút.

finland-classroom_resize

 Một lớp học tại Phần Lan. (Ảnh: Internet).

 

Giới chuyên gia giáo dục đặt ra 2 câu hỏi mang tính toàn cầu: Những gì làm cho một số hệ thống giáo dục thành công? Tại sao một số hệ thống giáo dục không thể trở nên tốt hơn?

Câu trả lời cho câu hỏi 1: Sự hợp tác. Sự sáng tạo. Tinh thần trách nhiệm dựa trên sự tin cậy. Tính chuyên nghiệp. Sự bình đẳng.

Câu trả lời cho câu hỏi 2: Sự cạnh tranh mù quáng. Sự tiêu chuẩn hóa cứng nhắc. Đánh giá chỉ dựa trên thi cử. Phi chuyên nghiệp. Cá nhân hóa.

Kết quả khảo sát cho thấy sự bình đẳng của hệ thống giáo dục càng được nâng cao thì chất lượng học tập càng được cải thiện.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Có thể đọc bản in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 27-11-2016 và trên báo Pháp Luật TP Online

161127-baibao-phapluattp-1_resize