Gặp lại thầy giáo cũ gần nửa thế kỷ trước
PHP RỦ RỈ RÙ RÌ:
Một trong những điều gây ấn tượng nhất cho tôi trong lần về Thị xã Kiến Tường dự họp mặt truyền thống thầy trò Trung học Kiến Tường xuân năm nay là gặp lại vị thầy đã dạy tôi năm lớp Nhứt (nay là lớp 5) niên khóa 1968-1969. Khoảng thời gian 49 năm luôn là quá dài so với cuộc đời của bất cứ ai.
Nói nghe nghen, hôm Chủ nhật 19-2-2017, Gia đình Trung học Kiến Tường tổ chức cuộc họp mặt truyền thống thường niên cho thầy trò các trường trung học tại tỉnh Kiến Tường trước năm 1975 tại trường Trung học cơ sở Võ Duy Dương ở Thị xã Kiến Tường. Đây là nơi trước 1975 là hai ngôi trường Trung học Công lập Kiến Tường và Trung học Bán công Kiến Tường. Hồi đó, các trường trung học là từ lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay) tới lớp Đệ Nhứt (lớp 12). Sau năm 1975 một thời gian ngắn, cùng với việc sáp nhập tỉnh Kiến Tường vào tỉnh Long An và hình thành huyện Mộc Hóa từ quận Châu Thành của tỉnh Kiến Tường, trường THCL Kiến Tường được chia làm 2 cấp trung học, ban đầu gọi là cấp 2 và cấp 3, sau này là trung học cơ sở và trung học phổ thông, cả hai trường đều có tên là Mộc Hóa. Từ tháng 3-2013, một phần lớn của huyện Mộc Hóa được tách ra để thành lập Thị xã Kiến Tường – chủ yếu ở vị trí của quận Châu Thành tỉnh lỵ Kiến Tường xưa. Vậy nên, trường THCS Thị trấn Mộc Hóa đổi tên thành THCS Võ Duy Dương, còn trường THPT Mộc Hóa thành THPT Kiến Tường. Tất nhiên cả hai trường này đều là truyền nhân, thế hệ kế tiếp của trường THCL Kiến Tường. Riêng trường THPT thì được phục hồi tên theo địa danh, chỉ khác nhau cái chữ Công lập và Phổ thông.
Đây là lần họp mặt thứ 9 trong 8 năm qua, kể từ khi thầy trò chúng tôi tìm lại được nhau vào đầu xuân 2010. Ngộ lắm à nghen, cứ như là có hạnh duyên. Sau năm 1975, thầy trò tứ tán, rồi suốt 30-40 năm cất công tìm nhau trong vô vọng, cứ ngỡ kiếp này vậy là xong. Vậy mà như có phép mầu của bà Tiên xinh đẹp, từ đầu năm 2010, thầy trò chúng tôi bắt đầu tìm lại được nhau – cứ nối kết dần, từ người này lần tiếp ra người khác để rồi tới nay có 300-400 thành viên lại được vui buồn bên nhau trong những năm cuối đời. Tới năm nay, thế hệ trẻ nhất của chúng tôi – học sinh niên khóa 1974-1975, cũng đã 52-53 tuổi rồi. Những năm sau này, thầy trò tóc bạc như nhau nên cuộc họp mặt phải in cái phù hiệu dành cho thầy cô để khỏi bị nhầm lẫn. Như tôi nè, trong lần họp mặt Xuân Đinh Dậu 2017 này, tôi mới gặp được bạn bè không hề diện đối diện nhau suốt 42 năm qua, và gặp được thầy dạy mình năm lớp Nhứt cách đây gần nửa thế kỷ.
Thầy Vũ Đình Ánh dạy tôi năm lớp Nhứt ở trường Tiểu học Tư thục Gioan Baotixita (trường của Nhà thờ Kiến Tường) chính là học sinh thế hệ đầu tiên của trường THCL Kiến Tường. Thầy bắt đầu vào trường THCL Kiến Tường từ năm lớp Đệ Ngũ (lớp 8) niên khóa 1960-1961. Trước đó, thầy học lớp Đệ Thất (lớp 6) và Đệ Lục (lớp 7) ở trường Công giáo trong xã Nhơn Hòa. Ngay từ năm học lớp Đệ Nhị (lớp 11), thầy đã bắt đầu dạy lớp Nhứt ở trường tư thục Công giáo mà tôi học. Khoe vậy để thấy thầy tôi học giỏi cỡ nào. Vậy là, khi ở bậc tiểu học, tôi là học trò của thầy; còn lúc lên trung học, tôi lại là đồng môn của thầy. Bây giờ, khi về dự họp mặt của trường xưa, thầy và tôi cùng ngồi mâm học trò. Tất nhiên, tôi vẫn luôn là một đứa học trò cưng của thầy và giữ cách hành xử đúng mực thầy trò.
Khi nghe một anh bạn của tôi giới thiệu thầy với tôi, thầy Ánh hỏi tôi rằng còn nhớ thầy không? Tôi vọt miệng nói liền: Em nhớ chớ thầy. Hồi học thầy, tôi chưa hề nói dối với thầy. Nhưng bữa nay, tôi đã lần đầu tiên phải nói dối với ý tốt lành là muốn thầy vui lòng. Thầy sinh năm 1944, năm nay 73 tuổi rồi. Gần nửa thế kỷ ở vùng nông thôn là khoảng thời gian nó bào, nó bóp con người dữ lắm. Thiệt tình nếu gặp thầy ngoài đường, tôi không thể nhận ra thầy – một ông cụ tóc bạc trắng. Nhưng tôi không hề quên thầy. Ngay khi nghe người bạn nói tới tên thầy, tôi đã lập tức nhận ngay ra thầy trong vòng 1 nốt nhạc, những nét mặt thầy ngày xưa bị vùi lấp dưới bao tầng hồng trần trong lòng tôi đã được khai quật lại kéo theo biết bao hồi ức với thầy ồ ạt trào về.
Tôi nhớ ngay tới lần tôi đi thi vào Đệ Thất năm 1969. Thời đó đã bỏ thi tiểu học và trước đó 2 năm cũng đã bỏ thi trung học đệ nhứt cấp (hết lớp Đệ Tứ – lớp 9 ngày nay). Nhưng muốn vào trung học, học sinh phải vượt qua cuộc thi vào lớp Đệ Thất – khó cải trời. Mỗi năm tỉnh Kiến Tường mở một kỳ thi Đệ Thất tại trường THCL Kiến Tường dành cho học sinh tiểu học toàn tỉnh. Ai đậu thì vào trường TH Công lập, ai rớt mà có điểm cao thì có thể vào trường TH Bán công Kiến Tường (chỉ khác nhau ở chỗ phải đóng một phần tiền học). Bữa sáng đó, tôi vừa thi xong môn Tập Làm Văn, leo qua hàng rào bên hông trường sang nhà thờ thì gặp thầy Ánh đứng đơi sẵn lo lắng cho chuyện thi cử của học trò. Thầy hỏi tôi làm bài sao vậy? Tôi đáp: “Dạ, em làm hết tờ giấy đôi”. Tờ giấy đôi có nghĩa là 4 trang. Trời, thầy dư biết tôi là kẻ nhiều chuyện, viết ít mới là chuyện lạ. Thầy Ánh nói: “Viết được nhiều vậy là có điểm cao rồi!”
Có lẽ do có kinh nghiệm nên thầy Ánh đã dự đoán… đúng phóc. Bữa trường THCL Kiến Tường dán danh sách trúng tuyển, tôi khiêm nhượng tới mức hỗng dám tin mình… đậu. Bởi vậy, ba tôi cho tiền ăn sáng, tôi chớ hề dám nhận, ăn mặc lèng xèng quần tà lỏn, áo sơ mi cũ đạp xe đi coi điểm. Lúc đó, tôi nghĩ bụng: ăn mặc cho bảnh bao mà lỡ rớt thì mắc cỡ dữ lắm. Khi dò danh sách coi điểm, tôi cũng chỉ dám bắt đầu từ tờ cuối cùng và dò từ dưới lên. Có hơn 150 thí sinh trúng tuyển. Khi dò từ dưới lên tới phân nửa danh sách mà không thấy tên mình, ngực tôi đánh lô tô, chưn bắt đầu thấy run; lên được 2 phần 3 mà vẫn bặt vô âm tín, tôi đổ mồ hôi ướt lưng. Rồi có tiếng đứa bạn kêu lên: Ê Phước, tên mày nè! Thì ra tên tôi nằm ở tờ danh sách đầu tiên và tạ ơn Chúa, tôi đậu thủ khoa. Mức điểm tôi đạt trong kỳ thi Đệ Thất đó là 81 điểm được nói là cao nhất trong lịch sử trường THCL Kiến Tường. Các niên khóa trước thì tôi chỉ nghe nói, còn từ đó trở đi, thủ khoa mỗi năm cao nhất cũng chỉ trên dưới 50 điểm.
Chắc chắn là nhờ ơn trên phù hộ thôi. Bởi tôi chỉ ăn cơm với cá lòng tong kho tiêu – món tôi khoái khẩu – làm sao “bồi dưỡng trí não” được.
Nhân vụ này, bữa nay tôi xin khai thiệt. Từ khi bắt đầu đi học, suốt bậc tiểu học, trải qua bậc trung học, tôi luôn biết cách ăn ở, được 100% bạn học cùng lớp thương, năm học nào họ cũng nhường cho tôi đứng đầu lớp. Lên trung học, ngoại trừ năm đầu bỡ ngỡ chỉ nhận được phần thưởng của Thủ tướng, chớ các năm sau, tôi luôn được các thầy cô “ép” phải nhận phần thưởng của Tổng thống. Ghét ghê vậy đó!
Mà tôi học cà tửng lắm nghen, hỗng có theo quy trình, sáng kiến kinh nghiệm chi ráo. Hàng ngày, tôi đọc trước ở nhà các bài sắp học trên lớp, lưu ý các chỗ chưa hiểu rõ để hỏi thầy cô hay theo dõi lời thầy cô giảng khúc đó kỹ hơn. Đi học về, tôi học thuộc các bài mới học, bài bữa nào, xong bữa đó. Rồi hễ tới các kỳ thi đệ nhứt lục cá nguyệt, đệ nhị lục cá nguyệt (tức thi học kỳ bây giờ), tôi cứ tà tà, nước tới chưn mới chịu nhảy. Ngày mai thi các môn gì thì bữa nay tôi mới lôi sách tập ra học bài các môn đó. Mà hồi đó học môn nào, thi môn đó; học bao nhiêu bài, thi bấy nhiêu bài, hỗng có ba cái vụ khoanh vùng, đề cương đâu. Thi tú tài cũng như vậy đó. Vậy mà ơn trên độ cho tôi làm bài thi phà phà, không phụ công ơn dạy dỗ của thầy cô và công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, cũng như chớ hề phụ lòng thương yêu, nhường nhịn của các bạn học.
Thú thiệt thêm, thời đi học, tôi hiền mà hỗng có ngoan đâu à nghen. Khỉ đội lốt gà đó (thì tôi cầm tinh con gà chọi, nhưng chỉ có cái đầu gà chớ nguyên cái thân khỉ khọt đó). Tôi chuyên là kẻ bày chuyện, xúi người khác làm rồi mình giả bộ em chả biết gì, em ngây thơ vô số tội. Hồi đó có vụ xóm này uýnh với xóm kia. Tôi chớ hề xung trận đâu. Nhưng tôi đóng vai trò quân sư quạt mo của đồng bọn trong xóm, bày binh bố trận, thậm chí có lúc chế cả khí tài (giàn thun bắn trái dương, súng bắn trái dương). Nhưng rồi chính tôi có những khi đóng vai thuyết khách, đi giảng hòa. Ghê chưa. Còn ở trong trường, bữa nào ngán học, tôi lấy cớ là lớp trưởng, xin phép thầy cô lên văn phòng làm việc, rồi chui vào phòng y tế kế bên phòng giáo sư leo lên giường bệnh đánh một giấc ngon lành. Làm thân với cô y tá rất là có lợi đó mà.
Trời đất, mới đi họp mặt thầy trò xưa về chưa hết xúc động, ngồn ngộn với bao kỷ niệm xưa tràn về, tôi sơ hở và mềm yếu khai hết ráo rồi còn gì. Chỉ mong quý thầy cô và các bạn đồng môn niệm tình đại xá… muộn!
PHẠM HỒNG PHƯỚC