Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chị đã đi rồi…

Chị Lê Đỗ Bích Trân là một sư tỷ của tôi ở trường Trung học Công lập Kiến Tường (tỉnh Kiến Tường trước 1975). Chị vào trường (lớp Đệ Thất) trước tôi 7 năm vào năm 1962. Sau này, chị theo nghề giáo đến tận cùng.

Nhưng hơn thế nữa, chị còn là vợ một bạn đồng nghiệp của tôi thời hai đứa cùng làm báo Long An. Sau này tôi về làm báo ở Saigon và sau đó bạn Lê Đại Anh Kiệt cũng về làm ở báo Pháp Luật TP.HCM.

Vẫn chưa hết. Chị là em dâu của bạn tôi, Lê Đại Trí, anh của Kiệt. Trí vừa là bạn tôi, vừa là cộng tác viên của báo Long An.

Và chỉ vài hôm trước ngày Nhà giáo ViệtNam 20.11.2017, chị đã chấp nhận đầu hàng số phận, buông tay bay về trời trước chúng tôi. Đêm chị ngừng cuộc chơi trên cõi dương trần, Saigon gió mưa vì ảnh hưởng bở trận bão số 14 đang đổ vào miền Trung và ngày hôm sau 19-11 mưa dầm dề não nề.

Chị là một người lạc quan, có ý chí mạnh mẽ và không muốn làm phiền ai. Và chị đã ngoan cường chiến đấu tới cùng với căn bênh ung thư mà xác suất chiến thắng cực nhỏ. Chị chiến đấu để câu giờ thôi, cho người thân yêu chậm phải đau buồn trong khi càng kéo dài bênh nan y này thì càng thêm đau đớn xác thân.

Thôi, không câu giờ được thêm nữa thì buông tay chị nhé. Cầu nguyện hương linh chị sớm về cõi vĩnh hằng. Chị có thương đám sư đệ thì nhớ đặt mấy cục gạch xí chỗ tốt bên cạnh chị cho chúng nghen.

Xin chia buồn cùng Anh Kiệt và gia đình.

Và xin phép chia sẻ ở đây những tâm sự của một học trò cưng của chị Lê Đỗ Bích Trân.

Chị Lê Đỗ Bích Trân (bên phải) và cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy trên đường về dự Họp mặt THKT Xuân Đinh Dậu 2017 tại TX Kiến Tường. Hai người là bạn học chung lớp thời THKT năm 1964 và sau này là bạn chung trướng Đại học Sư phạm Saigon.

Chị Lê Đỗ Bích Trân (bên trái) gặp lại thầy cũ của mình là thầy Nguyễn Xuân Kỳ trên đường về dự Họp mặt THKT Xuân Đinh Dậu 2017 tại TX Kiến Tường.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Cô đã đi rồi…

1. Cô bị ung thư. Mà cô lạc quan với tất cả mọi người, tất cả mọi điều. Học trò cưng tới thăm cô. Cô nói không sao, phác đồ điều trị OK, chuyển biến tốt. Cô post kết quả chuyển biến tốt “khoe” mọi người trên facebook, như để làm bằng, đừng lo lắng cho tôi nhiều quá thế. Cô đọc thơ học trò cưng từng câu từng chữ, bình như moi hết ruột gan mình ra cho lẽ đời sâu cạn. Tập sách nào học trò cưng gửi, cô đọc như li như lau đến câu chữ cuối cùng. Cô trò gặp nhau lần cuối cách đây năm tháng, cô xạ trị rụng hết tóc mà vẫn choàng khăn duyên dáng, để kêu “anh xã” chụp hình cho cô với học trò cưng.

2. Xạ trị, hoá trị xong, cô lại vui vẻ đi du lịch cùng “anh xã”. Cô post hình bao nhiêu là đẹp lên facebook, người ta chỉ chúc cô hạnh phúc, mà quên đi căn bệnh đang dày vò cô. Học trò cưng ngây thơ chết người tin rằng, dường như ung thư trừ cô giáo mình ra. Bởi cô giáo mình tươi tắn quá, yêu đời quá, hạnh phúc quá. Thế là biền biệt, thế là chỉ những lời hứa sẽ gặp nhau, mà công việc thì cuốn đi bất tận. Để sẽ có một lúc nào, ai đó bảo, cô nguy rồi, nguy rồi… Học trò cưng đang ở rất xa thành phố dài ngày, lòng thắc thỏm không yên. Dày đặc cảm giác hối lỗi và nuối tiếc. Lòng trống rỗng, sắp 20.11 rồi, thưa cô ngàn lần thương mến của em.

3. Em ngồi đây tưởng lại cuộc trường chinh vĩ đại của cô. Thần chết không bao giờ từ bỏ bệnh nhân ung thư. Mà ai đó cứ nói mãi với mình về sự lạc quan, về lòng quả cảm. Còn hơn thế nữa. Người ung thư lạc quan, quả cảm xứng đáng là võ sĩ trên đấu trường cải tạo thế giới của sự hốt hoảng và lòng bi thương từ bạn bè, người thân của người bệnh ung thư. Người ung thư lạc quan, quả cảm phải cùng lúc chiến đấu với tế bào ung thư và chiến đấu với sự ủ rũ của mọi người. Những lúc phải chiến đấu như thế, cô không sống cho mình nữa, mà sống vì mọi người. Cô đã sống đẹp như thế, một thời gian dài; cho gia đình, người thân, bạn bè của cô tin rằng bệnh cô sẽ bị đẩy lùi.

4. Sau thời gian giằng co cùng sự lạc quan, quả cảm của cô, ung thư đã vùng lên, dữ dội và lợi hại hơn xưa. Cô thật sự vắng mặt trên facebook và chiến đấu trực diện cùng bệnh tật. Không phải chỉ một mình em, cả thế giới này, tưởng cô vào viện, về nhà lại tươi tắn như xưa, lại tung cánh chim cùng “anh xã” đi khắp bốn phương trời bạt gió… Không phải cô, mà là “anh xã” cô đã thay lời muốn nói trên trang của cô bằng những kỷ niệm dạt dào của tình chồng nghĩa vợ vào giây phút còn cùng nhau trên thế gian này không bao lâu nữa. Từ nơi xa, em gọi số cô yêu dấu, không phải giọng tường vy cánh mỏng của cô dành cho học trò cưng như ngày nào, mà là giọng cô giúp việc ngập ngừng, cô giáo không nói được nữa rồi em ơi…

5. Dẫu biết sinh lão bệnh tử lẽ thường tình kiếp người. Cô đã sống đẹp, đã có hạnh phúc thăng hoa cuộc đời. Nhưng em vẫn thấy hiên nắng nào rưng rưng ở trường xưa Ngô Quyền. Tổ chim trên mái vòm trước lớp 12i mình chao chát gió. Cửa lớp vẫn thập thò những đứa con trai phá bỉnh làm cô trò mình cùng khóc về một lớp mười hai “đội sổ” toàn khối. Mãi còn nhớ cô an ủi lớp trưởng em rằng, phá phách tuổi vị thành niên chỉ là tạm thời, mấy đứa cá tính đó sau này toàn vĩ nhân em à. Cô trò mình đã cùng “nuốt lệ làm vui”, bất chấp lời giáo huấn về phương pháp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa của thầy hiệu trưởng đỏ loè “bôn sê vích”.

6. Cô đã đi rồi. Một miền miên viễn không thuộc về cõi tạm. Nơi ấy hẳn cô sẽ được sống được làm những điều cô thích. Nơi ấy ung thư chỉ là gã tầm thường đáng ghét và không bao giờ đáng kể. Nhưng thế gian này còn em chênh chao với bao điều chưa kịp nói cùng cô. Công việc, con cái, tình yêu, hạnh phúc. Cô trò mình rút vào phòng riêng, nói cả ngày chưa hết. Lại lo chút gì đó cho trò cưng ăn, lại loay hoay “xem còn gì ăn dễ thương” để em mang về cho hai nhóc. Từ một rơi rớt xa xăm nào đó, em chưa nói với hai nhóc rằng, mẹ còn một sư tỷ trên cả tuyệt vời. Khi ta chợt nhận ra điều gì quá muộn mằn, ta triền miên hối tiếc. Nhưng sống mà không hối tiếc thì không là bể khổ của loài người hữu hạn phải không cô.

7. Cô ra đi chớm ngày nhà giáo 20.11, tất cả hoa và sách của em dành cho cô bao nhiêu năm qua hẳn cũng đã nằm yên trong một tâm khảm nào cùng cô bên kia thế giới. Nhưng tình cảm thầy trò mình mãi mãi là cầu nối hai trời âm dương cách biệt. Em sẽ luôn nhớ về cô như nhớ tuổi hoa niên mình có người nâng bước qua bao nhiêu gập ghềnh trắc trở. Nhớ mãi hai điểm mười môn văn của cô nâng cánh em trên con đường thiên lý. Hai điểm mười môn văn, riêng với em, quả là một kỳ tích, đủ để em nuôi dưỡng đam mê trong suốt nghiệp văn của mình. Nhà văn Thu Trân kính cẩn nghiêng mình trước cô giáo chủ nhiệm Lê Đỗ Bích Trân vì một cuộc đời, sống như văn, đẹp như văn của cô. An yên chốn vĩnh hằng cô nhé, cô hoài hoài yêu dấu của em…

Kính cô
Học trò Thu TrânX