Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Nhà thuế đánh thuế nhà

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Hôm qua thứ Sáu 13-4-2018, có bạn nào bị xui xẻo không? Ngày thứ Sáu 13 theo niềm tin của người phương Tây là một ngày không tốt, đại loại tương tự như kiểu người Việt mình tin: “Mùng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn” hay “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”.

Nhưng thứ Sáu 13 thường chỉ xui theo kiểu… định mệnh, trời kêu ai nấy dạ, hãn hữu còn hơn phiên bản giới hạn Limited Edition nữa.

Còn ngày thứ Sáu 13-4-2018 có vẻ như bị xui đều, xui trên quy mô cả nước và xui với tầm cỡ toàn dân… xứ Việt.

Bởi lẽ, ngày thứ Sáu 13-4-2018, vào buổi chiều, Bộ Tài chính tổ chức họp báo công bố dự án Luật Thuế tài sản. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho biết tới đây nhà ở và xe ôtô sẽ phải chịu thuế tài sản (một loại thuế trực thu đánh vào giá trị thị trường của tài sản). Theo dự thảo, nhà ở có trị giá trên 700 triệu đồng hay 1 tỷ đồng sẽ chịu thuế với mức 0,3% hay 0,4% tính trên số tiền vượt khỏi mốc đó. Chẳng hạn, nếu phương án 700 triệu đồng được chọn, chủ nhà trị giá 900 triệu đồng sẽ phải chịu thuế tài sản đối với 200 triệu đồng vượt khung.

Xe ôtô cũng bị đánh thuế tài sản nếu có giá trị trên 1,5 tỷ đồng với mức thuế 0,3% hay 0,4%.

Trước hết, chúng ta cần bình tĩnh, chớ manh động – cho dù theo tập quán toàn cầu, người dân luôn nhảy tưng tưng đủ kiểu thần thái mỗi khi nghe tới chuyện mình có nguy cơ bị đánh thuế. Càng đặc biệt nghiêm trọng hơn khi ở những xứ mà thuế không phải chỉ là công cụ điều tiết thu nhập và kinh doanh, thu tiền cho ngân sách Nhà nước mà còn được nhà nước sử dụng như một công cụ “vặt lông” những ai có…lông (lông ít lông nhiều, lông vũ lông tơ hễ là lông nghĩa là…có lông). Bởi thuế tài sản không hề là loại thuế chỉ có ở định hướng XHCN do xứ ta tự vẽ lên. Thuế tài sản (property tax) đã có từ rất lâu rồi trên thế giới và thường nhất là đánh trên bất động sản. Trong thời hội nhập ngày càng sâu này (ở đây tôi không nói tới thực tế có những nguyên nhân khác), thiên hạ có gì, ta cũng phải có cái đó, chỉ sớm hay muộn.

Bạn có thể bớt giận, bớt hờn hơn nữa nếu như biết rằng, trên thế giới hiện nay gồm 195 nước (có 193 nước là thành viên Liên Hiệp Quốc), chỉ có không tới 10 nước chưa áp dụng thuế tài sản. Theo từ điển bách khoa Wikipedia, đó là các nước Kenya, Mauritania, Namibia, Faroe Islands, Malta, Palau, Norfolk Island, Cook Islands và Trung Quốc. Tất nhiên Việt Nam đang lăm le thêm món thuế béo trùng trục này.

Tất nhiên mỗi nước có những cách thu thuế tài sản khác nhau, thậm chí ở một số nước như Mỹ, thuế tài sản chủ yếu do cấp hạt (county) hay thành phố (municipal) thu, với các mức thuế khác nhau theo tiểu bang, thấp nhất là 0,28% (Hawaii) và cao nhất là 2,38% (New Jersey) tính trên giá trị ngôi nhà (căn cứ vào lần giao dịch gần nhất). Hễ sở hữu nhà là phải đóng thuế tài sản, không có chuyện đặt ra ngưỡng bao nhiêu mới phải chịu thuế. Thuế tài sản ở Mỹ được thu hàng năm là nguồn thuế chính để địa phương chi cho giáo dục, cảnh sát, phòng cháy chữa cháy, hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, một số dịch vụ y tế miễn phí (chủ yếu cho người nghèo), cơ sở hạ tầng địa phương,…

Như vậy, rõ ràng là mãi cho tới nay Việt Nam mới tính tới việc áp dụng một loại thuế mà tuyệt đại đa số thế giới đang thu. Lâu nay, chúng ta có đóng thuế đất hàng năm dựa trên diện tích và vị trí đất mà mình sử dụng để sản xuất kinh doanh và ở.

Vì thế, ở đây ta không nên tốn công với chuyện tranh cãi có nên thu thuế tài sản hay không. Vấn đề là nên áp dụng lúc nào thì hợp tình hợp lý hơn. Điều cần nhất và quan trọng hơn cả, đụng chạm thiết thực tới hầu bao của từng nhà là việc thực thi thuế tài sản như thế nào. Mặc dù là một nguồn thuế quan trọng và ổn định, nhưng thuế tài sản trước mắt không nên được coi như một nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia, mà chủ yếu là để làm tốt việc quản lý và sử dụng nhà ở sao cho hợp lý, điều tiết quy hoạch dân cư, tránh tình trạng lãng phí đất đai, ngăn ngừa đầu cơ nhà cửa, thậm chí góp phần làm minh bạch nguồn tài sản của công chức. Và điều cốt lõi là muốn trường tồn thì phải biết khoan sức dân và nuôi nguồn thuế.

Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế nhà như dự thảo Luật Thuế tài sản mới này dù sao vẫn tiến bộ, công bằng và khả thi hơn là ý định đánh thuế đối với việc sở hữu từ ngôi nhà thứ 2 trở đi. Dĩ nhiên là không bao giờ có sự công bằng tuyệt đối mà chỉ cần công bằng cho số đông là thiên hạ thái bình, nhà nhà hạnh phúc. Ít nhất, nó cũng giúp tránh tình trạng người sở hữu 1 tòa nhà trị giá hàng trăm tỷ, cả ngàn tỷ đồng không phải đóng thuế trong khi người có 2 căn nhà cấp 4 vài trăm triệu đồng lại phải è cổ đóng thuế.

Cái khó nhất là giá nhà đất ở Việt Nam lâu nay là giá ảo theo kiểu thị trường bong bóng trong khi thu nhập bình quân của người dân lại quá… chới với. Trong khi đó, thuế này sẽ có ảnh hưởng rộng vì với giá nhà như hiện nay, số người thuộc diện chịu thuế tài sản không hề ít, đặc biệt là ở các đo thị lớn.

Bất luận thế nào, bất chấp ý định ra sao, có vẻ việc nhà nước đưa thêm loại thuế tài sản vào thời điểm này là nhạy cảm, dễ gây nhiều suy diễn. Lâu nay ai cũng biết tình trạng ngân sách nhà nước quá khó khăn do khả năng thu thuế giảm mà chi tiêu tiền ngân sách lại tăng quá hớp. Nhà nước kẹt tiền như cà phê phin mà người nhà nước xài tiền như cà phê vợt. Mặc dù chỉ là bề nổi của tảng băng trôi và chỉ mới có một số chỏm băng bị lộ liễu quá mới bị chớp, nhưng những vụ án thất thoát, thiệt hại, lãng phí ngân sách nhà nước tầm cỡ hàng ngàn tỷ đồng nối tiếp nhau bị lôi ra ánh sáng cho thấy một tình cảnh: nhà nước đang cần tìm thêm nguồn thu bù đắp ngân sách, trong khi người dân nghĩ rằng tiền thuế của mình bị vung tay xài như tiền Hell Bank.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.