Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thiệt ra, có những cách để chưa phải thu thuế tài sản mà vẫn có tiền

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ

Ngày 17-4-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong 2 sự kiện riêng biệt đều xác nhận Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính đưa ra thăm dò vừa rồi chỉ là đề xuất và dừng lại ở cấp vụ lấy ý kiến. Ông Xuân Phúc nói rằng cần phải lắng nghe ý kiến người dân. Ông Hạnh Phúc cho biết trong nghị trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cho đến hết năm 2019 (vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 16-4-2018) không có đề cập tới luật này.

Đành rằng kinh nghiệm cho thấy chưa có rồi sẽ có, chưa có thì đưa vô mấy hồi, nhưng cứ còn thong thả như hai quan chức này cho biết thì toàn dân vẫn tạm để đó, lo tập trung mà cày bừa. Nhưng mà, hỗm rày họ đã có ý kiến rồi đó nghen.

Ảnh: Internet. Thanks.

Theo dự kiến mà Bộ Tài chính đưa ra trong buổi giới thiệu về đề án Luật Tài sản ngày thứ Sáu 13-4-2018, nếu được thông qua, thuế tài sản đánh vào nhà ở này hàng năm có thể thu về cho ngân sách quốc gia thêm từ 22.000 tỷ đồng tới 31.000 tỷ đồng (tùy theo mức thuế và ngưỡng chịu thuế).

Nếu vậy thì số tiền thuế này chỉ bằng chưa tới phân nửa tổng ngân sách nhà nước chi trong một năm cho hoạt động của các hội, các đoàn thể thuộc các ngành nghề, các giới. Hồi giữa năm 2016, tại hội thảo của Liên hiệp Các tổ chức Khoa học kỹ thuật Việt Nam liên quan Luật về hội. TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển, cho biết nếu tính đủ cả chi phí kinh tế – xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỷ đồng. Ngân sách chi cho hội đoàn năm 2016 như vậy là cao hơn nhiều ngân sách chi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (khoảng 11.000 tỷ), cao gần gấp đôi ngân sách chi cho các Bộ Y tế hay Giáo dục và Đào tạo.

Hiến pháp quy định công dân Việt Nam có quyền lập hội. Nhưng đâu thể nào cứ lập hội để được làm chủ tịch, làm hội trưởng rồi bắt nhà nước nuôi… Kỳ cục! Cũng không thể nào coi khoản chi nuôi các hội đoàn là khoản chi của nhà nước cho… thực thi dân chủ (có nhiều đoàn thể quần chúng).

Tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế.

Như vậy, chỉ cần giảm 2 phần 3 hay giảm một nửa số hội đoàn là dôi ra ngân sách đủ bù để chưa tính tới thuế tài sản rồi.

Việt Nam hiện là một trong dăm ba nước trên thế giới dùng ngân sách nhà nước – chủ yếu là tiền thuế của dân – bao cấp cho các hội đoàn quần chúng. Trên thế giới các hội đoàn thật sự là của cộng đồng, của công chúng và hoạt động dựa trên hội phí mà hội viên đóng góp và các khoản thu kinh doanh, dịch vụ, tài trợ khác. Đơn giản nếu được nuôi sống bằng tiền ngân sách, hội đoàn thật sự là một cơ quan của nhà nước chứ đâu còn là đại diện cho cộng đồng, cho ngành nghề, cho giới nào đó. Hơn nữa, một khi tự sinh nhai, các hội đoàn mới bị buộc phải tập trung làm cho hội viên sướng, bảo vệ hội viên, phục vụ hội viên để họ chịu đóng tiền hội viên.

Vậy hén.

PHẠM HỒNG PHƯỚC