Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nỗi ám ô dù…

 

Có 2 tấm ảnh chụp lễ khánh thành cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp) bắc qua sông Tiền ngày 27.5.2018 trên mạng khiến tôi nhồn nhột.

  1. Tấm ảnh cho thấy khách nước ngoài, có lẽ là Úc (nước tài trợ một phần vốn để xây cầu), để đầu trần dang nắng trong khi các quan chức chủ nhà được các nhân viên phục vụ cầm dù che nắng cho. Mặc dù cũng có một số quan chức Việt đầu trần dang nắng như vậy, nhưng người ta là lady mà.

Tôi vốn ngây thơ và hảo tâm nên nghĩ rằng có lẽ do khách nước ngoài từ chối được che ô dù cho hay họ muốn tranh thủ có cơ hội phơi nắng, hoặc ở Úc dang nắng nóng quen rồi. Chỉ cầu bạn bè quốc tế khi xem ảnh này cũng hồn nhiên như tôi.

  1. Đành rằng câc cô gái này là nhân viên lễ tân hay phục vụ, và các ngài đàn ông này là quan chức hay cựu quan chức cấp cao, nhưng hình ảnh đờn ông đờn ang để phụ nữ che ô dù cho mình thấy khó coi quá. Có lẽ cần phải kiểm điểm ban tổ chức lễ vì cả gan dám nghĩ quý quan nhà mình hám…nữ. Giá như những người cầm ô dù là các mỹ nam thì không sợ ai chạnh lòng cho thân phận phụ nữ.

Tôi vốn ngây thơ và hảo tâm nên nghĩ rằng có lẽ do các quan chức được che dù này tuổi cao sức yếu nên các cô gái này phục vu như thể con cháu chăm lo cho ông bà mình.

Tóm cái, tôi không phản đối chuyện cầm dù che nắng che mưa cho khách mời và người cao tuổi. Đó là sự cần thiết và cho thấy ban tổ chức chu đáo. Nhưng nên làm cho chỉn chu, đầy đủ và đặc biệt là đừng bao giờ để cho phụ nữ làm công việc này. Nam che dù cho nữ là lịch thiệp, gallant; chớ nữ mà che dù cho nam thì ảnh lên đẹp thiệt nhưng buồn lòng cho Hai Bà Trưng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh từ Internet. Thanks.