Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

21 tháng 6: ừ thì là ngày của tất cả chúng ta…

Người ta quen gọi ngày 21-6 là ngày nhà báo Việt Nam hay ngày của các nhà báo Việt Nam. Vài năm gần đây, ngày 21-6 từ nguyên thủy là của giới báo chí (press) cũng được người ta mở rộng ra cho cả giới truyền thông (media). Thật ra, danh chánh ngôn thuận, đây là một ngày lễ kỷ niệm của nhà nước và chỉ gói gọn trong giới “báo chí cách mạng” mà thôi. Và xin minh định, nó cũng chẳng phải là ngày giỗ tổ của làng báo.

Nếu nói về lịch sử báo chí Việt Nam thì bắt buộc phải tính từ tờ Gia Định Báo do học giả  Pétrus Ký (Trương Vĩnh Ký) sáng lập và làm chủ biên xuất bản ở Saigon từ năm 1865 (tới nay là 153 năm). Đây chính là tờ báo tiếng Việt đầu tiên. Nó sống cho tới tận đầu năm 1910. Số đầu tiên đề ngày 15-4-1865, và số cuối cùng đề ngày 31-12-1909.

Còn vì sao lại là ngày 21-6 và tới năm 2018 là kỷ niệm 93 năm? Vi diệu lắm cơ!

Ngày 21-6 đích thực là ngày kỷ niệm ra đời của báo “Thanh niên” do ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925 tại Quảng Châu trong thời gian ở Trung Hoa (1924-1927). Tờ báo này được coi là đã mở ra một dòng báo chí mới: báo chí cách mạng Việt Nam. Và ngày 5-2-1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng CSVN đã ra Quyết định số 52/QĐ/TW lấy ngày 21-6 hàng năm làm Ngày Báo chí Việt Nam. Tới ngày 21-6-2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị đồng ý đổi tên gọi Ngày Báo chí Việt Nam thành Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Tháng 12-1920, khi đang sống ở Pháp và là một đảng viên Đảng Xã hôi Pháp, nhà báo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) có viết như sau: “Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay vǎn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác, chứ không phải một tờ do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.” (Bài này và một số bài khác đã được tập hợp lại in trong cuốn “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương  –  Một số bài viết trong những năm từ 1921 đến 1926″, Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1962, tr.81).

Mà thôi, đó là chuyện vĩ mô, nhắc lại chỉ nhằm khè thiên hạ tôi là kẻ có kiến văn, giàu kiến thức, cốt che giấu cái thực tế mình là người thường bị kiến cắn (có lẽ chủ yếu do quá hảo ngọt).

Nhân ngày 21-6-2018, thấy lịch bloc lần giở ra như vậy, tôi xin phép được trần tình hai cái gạch đầu dòng:

  1. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn, các agency, các công ty, các cơ quan xa gần trong và ngoài nước đã luôn dành cho tôi nhiều ưu ái, đồng hành cùng tôi trên con đường thiên lý làm báo của mình. Ngay từ hồi còn mặc quần tà lỏn chạy long nhong đầu thôn cuối xóm, tôi đã xác định lớn lên mình sẽ theo một trong 3 nghề: phi công, bác sĩ và nhà báo. Do lỗi của định mệnh nên không có cửa cho tôi mon men vào 2 cửa trước, tôi bèn sống chết đeo theo cửa số 3 để có cơ hội tiếp cận với 2 cửa trước, cốt cho đỡ ghiền. Từ khi chính thức vào nghề báo năm 19 tuổi tới giờ, tôi luôn tự đặt ra cho mình 2 sứ mạng: phục vụ người đọc và làm cho cuộc đời thêm tốt đẹp. May mắn là trong suốt cuộc hành trình đầy gian khó và lao tâm khổ trí tới nay, tôi luôn có các quới nhân độ – đó chính là các bạn của mình, đặc biệt là những người chia sẻ động cơ làm báo của tôi. Đối với nhà báo, thông tin và dữ liệu chính là nguyên vật liệu cơ bản để sản xuất. Vì thế, tôi luôn từ đáy lòng mình mang ơn các agency, các đối tác đã cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho tôi làm nghề. Với tôi, các đối tác là các bạn đồng hành và các agency chính là cầu nối giữa các công ty và tôi mà tôi xin phép mượn 1 câu thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương xuất bản ở Saigon năm 1969 và có sửa 2 chữ: “Đời vắng agency rồi, sống với ai?”.

Tất nhiên, tôi phải cảm ơn những người đã chịu bỏ thời gian kiên nhẫn đọc những gì tôi viết. Người đọc chính là đối tượng để tôi phục vụ và là động lực để tôi theo nghề tới hôm nay.

  1. Tôi xin phép được ôm hun thắm thiết, tay ghì thiệt chặt tất cả các người làm báo công dân. Coi như mượn cái ngày 21-6 đậm 50 sắc thái thông tin này để tôi chung vui cùng các bạn – những người đưa tin trên các thể loại truyền thông. Tôi thiển nghĩ, Facebook và các mạng truyền thông xã hội khác thực chất chỉ là phương tiện xuất bản, giống như các tòa soạn báo chí của các nhà báo – thay vì in trên giấy, phát trên đài, ta tung lên mạng. Còn thì nhà báo chính thống hay nhà báo công dân đều giống nhau ở cái công việc đưa tin. Cái sự khác biệt thực chất giữa những người đưa tin chỉ là truyền thông bất lương hay truyền thông tử tế. Vậy thì chúng ta cùng lòng dặn lòng quyết luôn là những người đưa tin tử tế và dám chịu trách nhiệm về những tin mình đưa, nàng Miss Universe của tôi nhá nhá!

PHẠM HỒNG PHƯỚC