Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Xin hãy cầu nguyện cho các bạn Lào láng giềng!

 

Vào khoảng 8 giờ tối thứ Hai 23-7-2018, một con đập của nhà máy thủy điện Xe Pian Xe Nam Noy đang xây dựng gần xong tại huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu, đông nam nước Lào) đã bị vỡ. Cả một bức tường nước khổng lồ đổ ập xuống nhấn chìm 6 làng bản, trong đó cuốn trôi nhà cửa ở bản gần nhất. Theo thông tin ban đầu từ Thông tấn xã Lào KPL, hàng trăm người đang bị mất tích. Hơn 6.600 người đã phải di tản.

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc được hãng tin Anh Reuters (25-7-2018) trích dẫn: Cho tới nay, tai nạn vỡ đập ở Lào đã làm 5 người chết, 34 người mất tích, 1.494 người phải di tản và 11.777 người ở 357 bản làng bị ảnh hưởng. Có 20 ngôi nhà đã bị phá hủy, hơn 223 ngôi nhà và 14 cây cầu bị thiệt hại.

Một nguồn tin khác từ báo Lào The Vientiane Times, dẫn lời Chủ tịch huyện Bounhom Phommasane, cho biết có khoảng 19 người “được tìm thấy đã thiệt mạng”, hơn 3.000 người cần phải di tản và đã cứu được khoảng 2.851 người. 

Cho tới giờ phút này, các số liệu khó lòng mà chính xác được.

Lượng nước từ hồ chứa đổ ra ước tới 5 tỷ mét khối (tương đương hơn 2 triệu hồ bơi chuẩn Olympic).

Con đập bị vỡ là một đập phụ (subsidiary dam) gọi là đập Saddle Dam D rộng 8 mét, dài 770 mét và cao 16 mét. Nước xả từ nó sẽ được đổ xuống sông Xe-Pian cách đập khoảng 5km. Nó nằm trong hệ thống đập gồm 2 đập chính và 5 đập phụ của dự án nhà máy thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy.

Dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm trên cao nguyên núi lửa Bolaven trong khu vực chiếm tới 17% lưu lượng hàng năm của sông Mekong. Vị trí của nhà máy thủy điện này cách thủ đô Vientiane khoảng 550km về hướng đông nam, nằm gần “ngã ba biên giới” với Việt Nam ở phía đông và Cambodia ở phía nam. Nó được thiết kế để tạo ra điện từ nguồn nước của 3 dòng sông xưa nay vốn đổ vào sông Mekong.

Công ty SK Engineering & Construction thuộc Tập đoàn Hàn Quốc SK Group cho biết họ đang điều tra xem sự cố vỡ đập này là do lỗi thiết kế và xây dựng hay là bởi lượng nước từ trên thượng lưu đổ về quá lớn. Theo thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap, lượng mưa đổ xuống ở đây trong những ngày qua nặng gấp 3 lần bình thường.

Nhà máy thủy điện công suất 410 megawatt với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD có thời hạn 27 năm này là dự án BOT đầu tiên của Hàn Quốc ở Lào, được thực hiện bởi Công ty Điện Xe Pian Xe Namnoy (PNPC) có trụ sở tại Vientiane. Đây là một liên doanh được thành lập hồi năm 2012 gồm 1 công ty Lào (Lao Holding State Enterprise – LHSE), 1 công ty Thái Lan (Ratchaburi Electricity Generating Holding Pcl, công ty điện tư nhân lớn nhất của Thái Lan) và 2 công ty Hàn Quốc (Công ty xây dựng SK Engineering & Construction Co., Ltd. – SK E&C và Công ty Điện Korea Western Power Co., Ltd. – KOWEPO). Dự kiến, nhà máy thủy điện này sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2019, trễ hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu. Theo hợp đồng đã ký kết, 90% lượng điện do nhà máy này sản xuất sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, và 10% còn lại hòa vào lưới điện quốc gia. Theo hãng tin AP, Lào sẽ thu được khoản tiền lên tới 33 tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức môi trường phi lợi nhuận International Rivers cho biết nguyên nhân vỡ đập có thể là do có một số thiết kế nào đó không thể chịu nổi với các điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt ở đây. Điều nguy hiểm là các trường hợp thời tiết cực kỳ khắc nghiệt và không thể dự báo được đang trở nên ngày càng thường xuyên hơn ở Lào và cả khu vực này do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Trong nhiều năm qua, các tô chức môi trường và giới chuyên môn trên thế giới đã không ngừng cảnh báo về những nguy cơ khủng khiếp đối với môi trường và cuộc sống con người từ những đập thủy điện mọc lên nhan nhản theo dòng sông Mekong trải từ Trung Quốc qua Lào sang Cambodia trước khi tới hạ lưu là Việt Nam. Có người ví những đập thủy điện trên thượng lưu sông Mekong như những túi bom nguyên tử nước đang treo lơ lửng trên đầu các cư dân ở hạ lưu.

Xin mời xem video:

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

 

 

Villagers are evacuated after the Xepian-Xe Nam Noy hydropower dam collapsed in Attapeu province, Laos July 24, 2018. REUTERS/Stringer