Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tri ân Cha đẻ của chữ quốc ngữ Việt Alexandre de Rhodes

Tem thư kỷ niệm cha Alexandre de Rhodes do Việt Nam Cộng Hòa phát hàng năm 1961. (Ảnh: Internet. Thanks).

Tôi xin chia sẻ stt của bạn đồng nghiệp Lê Đức Dục với sự đồng cảm sâu sắc để cùng thể hiện lòng biết ơn vô hạn với Cha đẻ chữ Việt quốc ngữ Alexandre de Rhodes. Tôi đang viết Phây với bộ chữ mà Ngài góp công sáng tạo ra hồi thế kỷ 17. Không có công lao của Ngài, tôi giờ đang phải đếm nét xếp hình với những chữ tượng hình.

Linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes và cuốn Phép Giảng Tám Ngày, một quyển sách giáo lý Giáo hội Công giáo Rôma do Alexandre de Rhodes (tức Đắc Lộ) biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, được in tại Roma, Ý vào năm 1651 cùng với Từ điển Việt-Bồ-La. Đây được xem là quyển sách văn xuôi tiếng Việt đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ. (Theo Wikipedia)

 

Bạn Lê Đức Dục ngày 10-11-2018 viết trên Cõi Phây: “Mấy năm trước có coi tấm ảnh chụp mộ phần đìu hiu quạnh quẽ của Ngài- cha đẻ của bộ chữ Việt – Quốc ngữ – theo mẫu tự latin abc trong một nghĩa trang xa xôi tận xứ Ba Tư.

Hôm nay đọc được tin này, thấy vui, rồi buồn vì không thấy báo nào nhắc sự kiện này, việc mà lẽ ra quốc gia này phải làm từ sớm!”

PHÁT BIỂU NGÀY KHÁNH THÀNH BIA TRI ÂN NGÀI ALEXANDRE DE RHODES, ISFHAN, IRAN, 5/11/2018

GS Nguyễn Đăng Hưng
Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn Tiếng Việt, Đại học Duy Tân Đà Nẵng

GS Nguyễn Đẵng Hưng (phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Giám đốc Cục Quản Lý Văn hóa thành phố Isfahan (Iran) trong chuyến đi thăm viếng vá chuẩn bị làm bia tri ân Cha dẻ chữ Quốc ngữ ngày 5-6-2018.

Kính thưa các vị khách quý,
Basalame khanoomha va agkayan
Thưa các bạn

Vẫn biết lúc ban đầu các giáo sỹ cơ đốc chỉ muốn tạo dựng một phương tiện hữu hiệu để truyền đạo, nhưng tính cách nghiêm túc và khoa học của công trình của họ đã cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa. 
Các chí sỹ yêu nước của các phong trào canh tân đất nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục… đã sớm ý thức được lợi thế này và đã chọn chữ quốc ngữ làm phương tiện truyền bá những tư tưởng dân chủ tiến bộ, mưu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.

Sự ra đời và phổ biến của chữ quốc có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha, Pháp, Ý, các cộng tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục…, các chí sỹ của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục: Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Lương văn Can, Nguyễn Quyền, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng… các thành viên chủ chốt của Hội Truyền Bá Chữ Quốc Ngữ: Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Kỷ, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Hữu Đang…. Họ đã là những nhân tố tích cực cho việc mở mang dân trí, phổ biến các tư tưởng tiến bộ cho toàn dân dẫn đến độc lập dân tộc và thông nhất đất nước Việt Nam.

Nhưng công đầu có lẽ thuộc về cha Alexandre de Rhodes.

Năm 1651 sau khi bổ sung và hoàn thiện các công trình tiếng Việt khởi đầu từ các công trình của các giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina , Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa) ngài cho ra đời tại Roma, quyển tự điển Từ điển Việt–Bồ–La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum), công bố khoa học đầu tiên về Tiếng Việt và cách viết dùng ký tự La Tinh. 
Đây là cả một nỗ lực, khổ luyện cá nhân hiếm có. Cha ADR đã ghi lại:
“Khi tôi vừa đến đàng trong VN và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel Fernandez và Buzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. ..”

Cha ADR đã góp phần to lớn, giúp cho dân tộc Việt Nam hòa nhập với thế giới văn minh trước hơn 350 năm so với các nước khác tại Á Châu!

Đây cũng là thành quả giao lưu văn hóa Âu-Á trong sáng và trường tồn vào bậc nhất của nhân loại. Có công trình giao lưu văn hóa nào ngay thế kỷ 17 mà đã có hợp tác của đông đảo các quốc tịch: Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Hoa, Pháp và Việt Nam… đế sáng tạo, hình thành và đạt kết quả mỹ mãn như chữ Quốc Ngữ mà ta có ngày nay?

Hôm nay, chúng tôi, những phó thường dân từ Việt Nam xa xôi, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương, chúng tôi vượt không gian trên 6000 km tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài.

Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày Chữ Quốc Ngữ.
Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn của chúng tôi lên bia đá:
“Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ – chữ Việt viết theo ký tự Latinh” (We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet).
Chúng tôi cũng mang sang đây một tấm bia ngắn, cho khắc in chân dung ngài và hình ảnh cuốn từ điển trứ danh của ngài.

Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần đầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm của lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!

Thật vậy, Chữ Quốc Ngữ đã quyện cùng tiếng Việt, thấm vào hồn người Việt và trong giai đoạn khó khăn đầy bất trắc hôm nay của đất nước, chúng tôi tin tưởng không gì có thể lay chuyển được được là 
Vinh danh Chữ Quốc Ngữ chính là bảo tồn tiếng Việt, chính là bảo vệ đất nước Việt Nam!
Xin cám ơn quý vị…
Sepas gozaram

GS Nguyễn Đăng Hưng
Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc nNgữ và Bảo tồn Tiếng Việt
Đại học Duy Tân Đà Nẵng

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ ĐẶT BIA TRI ÂN CHA ĐẺ CHỮ QUỐC NGỮ ALEXANDRE DE RHODES TẠI IRAN NGÀY 5-11-2018.

(Ảnh từ Facebook bạn Lê Đức Dục. Thanks.)

Xin mời đọc thêm bài này: Tôi đi viếng mộ Alexandre De Rhodes tại Isfahan, Iran và tạo điều kiện lập bia tri ân