Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Chúng ta không hề hèn nhát…

Ừa, vậy đó. Chúng ta, chí ít là tôi và tờ lịch bloc này, không hề hèn nhát mà dám gọi đích danh ngày hôm nay thứ Ba 19-2-2019 (Rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi) là ngày Tết Thượng Nguyên hay Tết Nguyên Tiêu. Tôi thấy tự hào với ý thức giữ gìn truyền thống, lòng tôn kính với tổ tiên và trách nhiệm đối với các thế hệ con cháu.

Tôi không hề tránh né hay dùng uyển ngữ. Tết là tết, cớ sao lại sợ hãi nó hén. Liệu có dân tộc nào trên Hành tinh này có được câu thành ngữ đầy hoan lạc như dân Việt ta với câu “vui như tết”. Hễ vui là tới bến, vui hết mình, và hễ có chuyện gì vui đó chính là tết. Thậm chí dân ta còn máu mê tết lậm tới mức không cần phải theo tiết khí đất trời và thời gian cũng có thể gọi là tết vì thấy quá vui: như Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Độc lập 2-9,… Hết tết này lại tới tết kia, cứ vậy mà có cớ vui trọn năm. Điều này giúp lý giải vì sao thế giới cứ xếp Việt Nam vào nhóm những nước hạnh phúc nhất trần đời.

Từ điển bách khoa Wikipedia giải thích: Ở Trung Quốc và Đài Loan, Tết Nguyên Tiêu là Tết Thượng Nguyên, hay Tết Trạng nguyên, ngày xưa là dịp nhà vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Hiện nay, Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là “Lễ hội đèn hoa” hoặc “Hội hoa đăng”, có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế, với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo dài từ 13 đến 17 tháng giêng. Những lồng đèn có hình thù rồng, phượng, mười hai con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích được yêu chuộng. Riêng ở Việt Nam, dân gian có câu “Giao thừa ra quận Nhất, Nguyên Tiêu về quận Năm”.

Ừ, thì Tết Thượng Nguyên hay Tết Nguyên Tiêu cũng bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa cổ. 1.000 năm bị các triều đại phương Bắc, gọi gộp là Tàu, đô hộ tuy không thể đồng hóa được người Việt nhưng vẫn để lại những ảnh hưởng nhất định. Vụ Tết này miễn bàn, chẳng cần phải di dời cẩu đi đâu, cứ để nguyên hiện trạng cho nó an yên.

Riêng với Phật giáo, hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, ngày Rằm lớn nhất trong năm âm lịch. Ông bà ta có các câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, “Giỗ tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, “Ăn chay niệm Phật cả năm. Không bằng dự hội ngày Rằm tháng Giêng”,…

Nhân tiện, bạn có chú ý hôm nay là một ngày hơi bị đặc biệt không. Xin đọc cụm ngày tháng năm này nhé: 19.02.2019.

Sau đó, bạn có thể nhìn xuống góc dưới bên phải tờ lịch sẽ thấy ghi hôm nay là ngày thứ 50 của năm 2019 rồi á. Mà đừng có ai suy diễn rằng còn 11 tháng rưỡi nữa là tới Tết Canh Tý 2020 đó nghen. Ôi, có những bóng câu đang lần lượt băng qua cửa sổ nhà tôi.

Chúc bạn và gia đình một ngày Rằm tháng Giêng an yên và cầu được nhiều phúc lộc cho trọn năm Kỷ Hợi. Đành rằng đi lễ chùa không phải vì mục đích chính là cầu xin ơn huệ mà phải là để thờ phượng chư Phật. Nhưng sống trên cõi hồng trần này, nhiều khi mục đích phụ nó lấn choán cả mục đích chính. Mà miễn cái gì mang lại cho người ta hạnh phúc thì chư Phật chắc cũng du di rồi giơ tay ban phước lành cho chúng sanh.

PHẠM HỒNG PHƯỚC