Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un gặp lại nhau tại Hà Nội

CUỘC GẶP LẦN HAI CỦA HAI ÔNG DONALD TRUMP & KIM JONG-UN TẠI HÀ NỘI 2-2019

Chiều tối 27-2-2019, tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole (Hà Nội), hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump, và CHDCND Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un, đã gặp lại nhau lần thứ hai sau lần gặp đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6-2018.

Sau khoảng 20 phút trò chuyện riêng, hai ông đã cùng các quan chức tháp tùng dự bữa ăn tối cùng nhau.

Không khí của các sự kiện và thái độ của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Bắc Triều Tiên trong cuộc gặp đầu tiên thuộc chương trình cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ – CHDCND Triều Tiên (DRPK-US Summit) lần thứ 2 này được ghi nhận là vui vẻ và thân thiện. Tổng thống Trump vẫn là người chủ động và nhờ vậy, sau những căng thẳng ban đầu, ông Kim đã thoải mái nhập cuộc. Ông Trump nói: “Mối quan hệ của chúng tôi là mối quan hệ rất đặc biệt.” (Our relationship is a very special relationship.)

Trước đó vào buổi sáng cùng ngày, Tổng thống Trump đã tới Phủ Chủ tịch hội kiến với Tổng bí thư – Chủ tịch nước chủ nhà Nguyễn Phú Trọng. Sau cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Mỹ – Việt dài khoảng 30 phút, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận của 3 hãng hàng không Việt Nam với các doanh nghiệp máy bay Mỹ trị giá khoảng 21 tỷ USD. Cụ thể, VietJet Air chi khoảng 18 tỷ USD mua 100 máy bay Boeing 737-Max và 215 động cơ GE/CFM; Bamboo Airways mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD; và Vietnam Airlines ký hợp đồng bảo dưỡng và công nghệ trị giá 100 triệu USD với Công ty công nghệ hàng không Sabre.

Có thể nói rằng, chưa cần biết kết quả cuộc gặp với Bắc Triều Tiên ra sao, với các hợp đồng mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ trị giá hơn 20 tỷ USD này, ông Trump đã có quà mang về cho dân Mỹ. Ông nhận xét các hợp đồng này sẽ giúp giảm thâm hụt mậu dịch giữa hai nước. Dù sao, có một nguyên thủ quốc gia xuất thân là một doanh nhân thành đạt, có tài thương thảo và bán hàng như nhà tỷ phú Trump quả là một hồng phúc cho dân tộc Mỹ thế kỷ 21!

Sau đó, Tổng thống Trump đã tới Văn phòng Chính phủ hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và được Thủ tướng chủ nhà mời ăn trưa.

Có thể nói là ông chủ Nhà Trắng đang trong tình huống tứ bề thọ địch, tới Hà Nội để nỗ lực giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo này trong khi lòng dạ vẫn phải hướng về nhà. Vào thời điểm này, Michael Cohen, nguyên luật sư lâu năm của ông Trump, đang bị gọi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, trong đó có nghi án ông Trump câu kết với Nga để khuynh đảo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua mà nhà tỷ phú này bất ngờ đắc cử. Chẳng bao lâu sau khi chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng bán hàng giúp các doanh nghiệp Mỹ, ông Trump đã phải đối mặt với việc lời khai được viết sẵn của luật sư Cohen được công bố. Một nhà báo hỏi ông nghĩ sao khi luật sư Cohen gọi ông là “kẻ bội tín” (conman), ông Trump đã lắc đầu và không bình luận gì.

Ngày 28-2 mới là ngày chính thức của cuộc gặp thượng đỉnh này. Ông Trump chỉ nói là hai bên đã có nhiều tiến bộ. Liệu Bình Nhưỡng – mà cụ thể là ông Kim Jong-un, có chấp nhận đánh đổi khát vọng sở hữu vũ khí hạt nhân để làm hòa với Mỹ? Ai cũng hiểu, không còn vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên chẳng thể có cái thế như lâu nay. Có vẻ hai bên sẽ phải tiến dần từng bước. Bất luận thế nào, nhiều người vẫn mong đợi trong lần gặp nhau tại Hà Nội này, Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ tuyên bố chấm dứt chiến tranh với nhau, có nghĩa là Bán đảo Triều Tiên sẽ không còn ở trong tình trạng chiến tranh (dù là về kỹ thuật) suốt từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên tới nay (chiến tranh nổ ra từ ngày 25-6-1950 và từ tháng 7-1953 đến nay về danh nghĩa chỉ là đình chiến). Một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên phát đi từ Hà Nội quả là quá đẹp cho Việt Nam và có nhiều ý nghĩa cho các bên can dự.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.