Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Sao lại coi mạng xã hội như… “thằng đánh máy”!

Có một số bạn cho rằng các “giang hồ mạng xã hội” hay “đại ca mạng xã hội” là sản phẩm của mạng xã hội. Có lẽ ý của các bạn này là cứ triệt, cứ nắm đầu mạng xã hội là có thể trừ khử được mọi chuyện tiêu cực, xấu xí còn hơn nàng Thị Nở yêu dấu của gã Chí Phèo.

Tôi thì không nghĩ vậy á. Mạng xã hội chỉ là một phương tiện và với đặc thù của mình nó phản ánh con người và thực trạng của xã hội mà nó hoạt động.

Đơn giản, ta chỉ cần hỏi rằng các nước khác cũng sử dụng các mạng xã hội này có xảy ra tình trạng giống như ta? Bằng sự trải nghiệm của mình – một người làm báo mòn chân chai mông cả về mảng quốc tế lẫn công nghệ – tôi có nhận định chắc như đinh đóng cột gỗ lim rằng: mặc dù nước nào cũng có những vấn đề của mình, nhưng chỉ khi tới Việt Nam, các công cụ và phương tiện giải trí và truyền thông mới đổ đốn tệ hơn vợ thằng Đậu như vậy. Như chuyện karaoke, một phát minh của người Nhật để giải trí và tự sướng dành cho những người khoái ca hát, khi qua Việt Nam lập tức nảy sinh ra karaoke ôm theo kiểu “kà rà rồi ôkê xài cả OK”, và gần đây là gây khổ sở thiên hạ với những chiếc loa kẹo kéo có thêm tính năng hát karaoke qua bluetooth.

Young female vlogger recording a make-up video for her vlog.

Nếu đừng hốt hoảng, ta sẽ nhận thấy số người “gây vấn đề” trên các mạng xã hội chỉ chiếm một tỉ lệ cực nhỏ. Có biết bao idol, KOL (Key Opinion Leader),… trên mạng xã hội chỉ làm những điều tốt lành cho cộng đồng, dùng sức mạnh ảnh hưởng (influencer) của mình để giúp ích cho đời cho người. Chính các mạng xã hội là những phương tiện, công cụ để những người của công chúng này thăng hoa.

Tôi điệu đà mà ví von rằng: cánh đồng càng phì nhiêu bao nhiêu thì càng làm tươi tốt đâu phải chỉ cho những dây nho, mà còn cả những cây lá ngón. Vấn đề tùy thuộc người ta cấy trồng gì trên đó.   

Như vậy, rõ ràng tất cả vấn đề nằm ở chỗ con người. Các mạng xã hội chỉ có trách nhiệm và chỉ có thể ngăn chặn sự lan truyền của những nội dung và hành vi mà theo chuẩn mực của từng mạng xã hội được coi là có hại cho cộng đồng. Còn thì sao lại đổ trách nhiệm cho các mạng xã hội về chuyện có quá nhiều người theo dõi ai đó, thậm chí phát cuồng phát dại vì idol nào đó. Các mạng xã hội có đặc thù là sống dựa vào số lượng người dùng kia mà. Giống như các báo chỉ cần biết số lượng phát hành chớ nào quan tâm nhiều chi tới chuyện người đọc là ai, mua báo để làm gì (mà nếu có quan tâm tới những chỉ tiêu này thì cũng chỉ để phục vụ người đọc tốt hơn thôi).

Vậy nên, căn cơ vẫn là cần cả một chiến lược “chấn hưng giáo dục” nâng cao trình độ dân trí, nhận thức và cái tầm mức văn hóa của người dân từng xã hội. Bây giờ, mọi vấn đề đang bày ra chỉ là cái quả của những cái nhân, là hệ lụy của cả một quá trình xây dựng xã hội từ nền tảng con người thành viên. Và để chấn chỉnh nó thì cần cả một thời gian lâu dài.

Trước mắt, người ta chỉ còn biết mở rộng truyền thông góp ý điều hay lẽ phải cho cộng đồng, mà ai nghe được cứ nghe, được người nào, tốt người nấy, tùy tâm và hên xui. Ai lợi dụng các mạng xã hội để làm chuyện xấu, chuyện có hại thì các cơ quan hữu trách cứ chiếu theo luật pháp mà xử phạt nghiêm minh. Ở đây, dù chẳng hề muốn, tôi cũng phải hoang mang: liệu có còn ai có thể nói điều tốt lành có sức thuyết phục mà người ta tin, cũng như ngày nào ngó chung quanh cũng nhìn thấy Công Lý là một diễn viên hài. Là cực kỳ nguy hiểm khi người ta không chỉ mất lòng tin mà còn chẳng biết tin vào đâu, tin vào ai trong xã hội này. Hậu quả là nhiều chuẩn mực giá trị của xã hội bị rối tung, đảo lộn tùng phèo. Chuyện chẳng hề đơn giản và nhỏ như con thỏ đâu à nghen, hỡi những người anh chị em thiện lành đã kinh qua 3.000 thế giới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks