Ai ải ài ai…
Chuyện hơi bị cũ, nhưng mới biết được.
Báo China Daily của Trung Quốc hồi hạ tuần tháng 10-2018 đã cho đăng trên website bộ ảnh chụp các mẫu thời trang mới của nhà NE Tiger trình diễn trong China Fashion Week Spring/Summer 2019 tại Bắc Kinh ngày 25-10-2018.
Bộ ảnh này cũng được chào bán trên dịch vụ hình ảnh quốc tế Getty Images.
Do “Tiger” Zhang Zhifeng, người Heilongjiang, thành lập năm 1982, NE Tiger là một thương hiệu thời trang và hàng luxury hàng đầu của Trung Quốc.
Và điều đáng nói trong album ảnh mà báo Trung Quốc chạy tít “Chinese style delights China S/S Fashion Week” (phong cách Trung Hoa làm say mê Tuần lễ Thời trang Xuân Hè Trung Quốc” này, hầu hết là câc mẫu “giống hệt” áo dài Việt Nam. Và điều đáng nói hơn cả là các mẫu “áo dài” này được coi là “phong cách Trung Quốc” (theo tít của báo China Daily, nhật báo tiếng Anh của Trung ương Đảng CSTQ).
Ôi, chẳng lẽ các nhà thiết kế của NE Tiger muốn cưỡng đoạt luôn chiếc áo dài Việt Nam vốn được cả thế giới công nhận và coi là một trong những biểu tượng (iconic) của Việt Nam. Tất nhiên, không thể cấm họ “lấy cảm hứng sáng tác”, nhưng đây phải là “Vietnamese style with NE Tiger” chớ không thể là “Chinese style with NE Tiger”.
Phải chăng nhà thời trang NE Tiger có ý khác với những gì báo China Daily muốn truyền thông? Có nguồn thông tin từ một friend Facebook của tôi cho biết: “Tuần lễ thời trang xuân hè mang tên “Hướng dương nhi sinh” diễn ra tại Bắc Kinh lấy chủ đề “Nhất đới” (một dải) nhằm để gợi nhắc lại sự kiện Trịnh Hòa thông tây dương vào thời nhà Minh, tạo nên con đường tơ lụa trên biển đầu tiên nối liền Trung Quốc với các quốc gia Nam Á. Tập đoàn thời trang NE.Tiger đã xúc hợp tất cả trang phục truyền thống của các quốc gia Nam Á như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia để tạo nên các trang phục trong triển lãm lần này bằng chất kiệu vải tơ tằm với ý tưởng xâu chuỗi toàn bộ các nền văn hóa của các quốc gia nằm trên con đường tơ lụa trên biển.”
Có một cuộc chiến tranh màu xám và một chiến lược xâm lược mềm. Chớ nên coi thường. Hỡi nhân loại, hãy luôn cảnh giác!
Trung Hoa cũng có “áo dài” (Chinese dress) gọi là sườn sám (zansae hay cheongsam) – trang phục truyền thống của phụ nữ Thượng Hải Shanghai miền Nam nổi tiếng về sắc đẹp, da trắng và chân dài. Nó có 2 tà do xẻ hai bên cực cao, thường là không có tay áo hay ngắn tay. Nhưng điểm đặc trưng là sườn sám không kèm quần dài nên gọi là “váy dài” có lẽ chính xác hơn.
Có lẽ thông tin này sẽ làm hoang mang những người Việt có xu hướng coi thường chiếc áo dài của mình dù nó đã được quốc tế công nhận là một hình ảnh tượng trưng, một linh hồn của người Việt Nam.
Áo dài Việt Nam được định hình dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát xứ Đàng Trong (giữa thế kỷ 18) và mang dáng dấp như ngày nay từ sáng tạo của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường ở Hà Nội năm 1934.
Tôi luôn yêu tới chết mê chết mệt phát sốt phát nóng các phụ nữ Việt Nam mặc áo dài không “biến thái”. Và tôi cảng yêu hơn nữn nếu như ohụ nữ Việt Nam giờ đây mặc chiếc áo dài Việt Nam với nhận thức mình đang góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước và giữ gìn văn hóa dân tộc.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
THAM KHẢO:
Để có thêm nguồn tư liệu, tôi xin mời bạn đọc ý kiến của nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng trên Facebook của anh ngày 21-11-2019 (tôi xin giữ nguyên văn).
ÁO DÀI ĐẾN LƯỢT
“ Được” giới thiệu là thành quả sáng tạo của giới thiết kế Trung Quốc.Tờ China Daily cũng liên tục công bố những “giá trị văn hóa” này !
Năm 2008 KỶ NỆM 35 NĂM NGOẠI GIAO VIỆT NHẬT tại Tokyo – Nhật Bản, tôi vinh dự có mặt trong đoàn của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trong vai trò trình diễn giới thiệu Áo Dài. Trưởng đoàn là bà Nguyễn Thế Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Tp.HCM
Sau khi mọi việc đã xong, thành viên trong đoàn được tự do sinh hoạt. Nên tôi và vị trưởng đoàn cùng đi tham quan Bảo tàng Kimono, thời may cùng lúc đó tại bảo tàng có triển lãm chuyên đề “ Lịch sử trang phục 5000 năm Trung quốc.
Khi ấy dự án xây dựng Bảo tàng Áo Dài ( BTAD) đã đang được tiến hành xây dựng từ 2002. Nên thật là dịp may cho tôi khi được tham khảo học hỏi ở khía cạnh hệ thống trưng bày hiện vật trang phục ở hai nền văn hóa lớn là Nhật bản và Trung Quốc.
Nhưng thật bất ngờ, lo lắng và phẫn nộ – Khi tủ kính trưng bày hiện vật cuối cùng của triển lãm tôi nhìn thấy là hiện vật nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc. Phía dưới là bảng ghi chú thích hàng chữ : Trang phục hiện đại Trung Quốc.
Khi ấy chưa có điện thoại di dộng và máy ảnh để tôi chụp lại, phần vì nếu có cũng không được phép vì quy định trong bảo tàng là không được chụp hình ! Tôi chỉ biết thề rằng trong giây phút chứng kiến ấy, dù phải vay mượn tiền để hoàn thành nhanh sớm BTAD cũng phải vay. Thực tế là tôi đã nợ đến con số gần 40 tỷ mà nhiều năm sau trong nỗi nhọc nhằn vẫn chưa trả hết…
Bởi với tiềm lực trong tay, họ ( TQ) sẽ khánh thành trước một Bảo tàng Áo Dài khi thời điểm đó cả nước Việt Nam có hàng trăm bảo tàng nhưng chưa có BTAD !
Bởi khi đó chưa xảy ra vụ tranh chiếm biển đảo, đường lưỡi bò, cài cắm các dự án khai thác boxit ở Tây Nguyên 2012 và nhiều các dự án khác . Thì TQ đã mạo nhận chiếm đoạt Áo Dài trong cuộc triển lãm tại Nhật Bản !
Bởi VN có 54 dân tộc, trong đó có dân tộc Hoa.
TQ có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Việt.
Vậy thì họ có lý do để cho rằng Áo Dài là của người TQ !
Ngày 22.01.2014 trong buổi lễ Khánh thành BTAD sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu tôi đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự. Nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để thân một mình cùng gia đình trải qua bao sóng gió, kịp ra được một BTAD cho người Việt. Dù không ai bảo tôi làm điều đó. Dù phải trả lãi hàng tháng bung đầu đến độ chủ nợ thuê giang hồ đòi giết tôi bằng cách dọa gây tai nạn trên đường đi. Dù được nhận email khuyên : ” Sao không dùng tiền ấy mà xây bệnh viện, được mau thu hồi vốn mà lời to khi VN bệnh nhân nhiều lắm ! “
Suốt từ 2012 đến nay, trong biết bao lần khi tôi được phỏng vấn để viết bài về Áo Dài trên báo mạng, báo giấy hay truyền hình. Câu chuyện tranh chiếm Áo Dài tại cuộc triển lãm đó, không hiểu tại sao khi phát hành đều bị cắt cái câu chuyện này ?
Chuẩn bị cho Hội Nghị APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, nội dung Thông Báo gửi cho tôi và các nhà thiết kế bộ trang phục cho các vị nguyên thủ quốc gia các nước tham dự quy định là Áo Dài. Nhưng đến vòng duyệt chọn cuối cùng lại bác hết các mẫu áo dài, và cho mặc là áo ngắn ? ( xem đường link và thông báo )
Suốt bao năm qua có dịp giao lưu với học sinh sinh viên các trường. Khi tôi có câu hỏi ngoài đồng phục Áo Dài mà một số trường còn duy trì học sinh nữ mặc vào lễ chào cờ sáng thứ Hai, bạn nào có riêng mình một bộ áo dài không ? Thì rất ít cánh tay đưa lên ! Tôi đã phải chia sẻ với các bạn trẻ ấy : Áo Dài các bạn mặc không chỉ là đẹp đâu, mà còn là TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN KHI THỀ HỆ TRẺ PHẢI NỐI TIẾP GIỮ GÌN VĂN HÓA.
Biên giới hải đảo một khi bị chiếm lấy một cách sai quấy, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp.
Văn hóa mất rồi thì ai lấy giúp cho ta – Người Việt ???
Cho đến giờ, chưa có bất kỳ một văn bản nào từ phía chính phủ công nhận Áo Dài là Quốc phục Việt Nam.
Nên chỉ có thể chúng ta người Việt dù ở nơi đâu – Hãy xem việc mặc Áo Dài trong một dịp nào có thể nhất, là đã cùng nhau góp tâm giữ được cho người Việt tấm áo của quê hương đất nước !
LÊ SĨ HOÀNG