Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Nghỉ học thời coronavirus

Người Việt mình thiệt là thần thái và thần…tiên.

Khi nhà chức trách chưa cho học sinh tiếp tục nghỉ học vì nguy cơ dịch Wuhan coronavirus (2019-nCoV) thì phe A than và hăm dọa: “ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có trường nào xảy ra lây nhiễm?”

Khi nhà chức trách ban hành quyết định cho học sinh nghỉ tiếp ở nhà, phe B lập tức nhoi lên than và trách: “con nghỉ khi cha mẹ vẫn phải đi làm thì ai coi con?” Đưa con theo tới sở làm, như giải pháp thần thách trước nay, thì nguy hiểm hơn ở trường.

Thiệt ra, chẳng ai sai cả. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ quy định, quy trình chung của nhà chức trách có chuyên môn và hành xử chuyên nghiệp. Đặc biệt là với đặc thù và thực tiễn ở Việt Nam với nhận thức và ý thức của người dân cùng điều kiện của nhà trường.

Học sinh mang khẩu trang đi học tại Manila (Philippines).

Trường học vốn là nơi để giáo dục trẻ. Trường học không phải là nơi để giữ trẻ cho phụ huynh – dù thực tế trong thời gian qua các trường phải gồng gánh thêm chức năng này. Và nếu có thêm giữ trẻ thì nhà trường cũng chỉ làm được trong điều kiện bình thường – là nơi quản lý, canh chừng, chăm sóc trẻ khi gia đình bận bịu. Không nhà trường nào đủ điều kiện và dám cam đoan bảo vệ được trẻ trong những môi trường, hoàn cảnh bất thường, đặc biệt mùa ôn dịch. Đừng ảo tưởng và hiểu sai rằng cứ đeo khẩu trang 100% và thường xuyên rửa tay là bảo đảm không bị lây nhiễm virus. Các biện pháp này chỉ giúp giảm nguy cơ bị lây nhiễm hay gây lây nhiễm cho người khác trong môi trường và điều kiện chung thông thường. Và trẻ em vốn là… con nít, hiếu động, ai kiểm soát cho nổi, nhất là khi một thầy cô phải chăm cả chục, hơn chục đứa trẻ.

Nhà trường là một “nơi đông người”, nhưng có quản lý và kiểm soát tốt hơn (không hề là tốt nhất). Nhà trường càng không phải là trung tâm cách ly, phòng chống dịch bệnh.

Vì thế, phụ huynh và gia đình vẫn phải là người có trách nhiệm bẩm sinh và tối thượng trong việc chăm lo và bảo vệ con em mình. Con mình thì trước hết phải do mình giữ và bảo vệ. Đặc biệt là khi có tình huống bất thường. Cha mẹ và gia đình phải tự sắp xếp sao cho có thể bảo đảm an toàn tốt nhất cho con mình. Xã hội (nhà chức trách và các tổ chức, cơ quan, nhà máy) cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho cha mẹ trong những tình huống đặc biệt như thế này. Ai cũng hiểu, cũng biết, cũng thông cảm cho những cha mẹ rất kẹt, rất khó. Nhưng ai biểu làm cha làm mẹ người ta làm chi cà. Và ai cũng có cái khó của mình, từ nhà chức trách, nhà trường, cơ quan tới gia đình, phụ huynh. Nhưng cái mà, hỗng lẽ phụ huynh gặp khó khăn về chuyện chăm lo cho con em mình lại bán cái cho người khác ư?

Và đây chính là bài thử, bài test cho cái gọi là chuyển đổi số, công nghiệp 4.0.

Có người thắc mắc: nghỉ 1 tuần thì thực chất liệu có thể giải quyết được gì? Thì trong tình thế như vầy, cứ nghỉ 1 tuần cái đã, sau đó tùy tình hình mà tính tiếp. 1 tuần là thời lượng hợp tình hợp lý hơn là dài hơn hay ngắn hơn. Còn thì trước hết, nó giải quyết về tâm lý cho đa số phụ huynh, gia đình và cả nhà trường. Và cái quan trọng nữa là có thêm 1 tuần để học sinh tránh “nơi đám đông” có nghĩa là tăng độ an toàn cho trẻ và cả gia đình trong thời gian mà cộng đồng xã hội được chuẩn bị phòng dịch tốt hơn. Mà trên đời này đâu có gì là tuyệt đối, chỉ biết chọn cái gì là hợp tình và hợp lý hơn chút là tốt rồi.

Cuối cùng, con ai nấy phải giữ, sao lại đẩy cho ông hàng xóm kia chớ (ngoại trừ khi… à mà thôi)? Thôi, đừng than trách nữa, bữa nay thứ High mùng 10 Tết Canh Tý rồi, lo tìm cách giữ con đi nhé. Có một chân lý và nguyên tắc vĩnh cửu và hoàn vũ, con mình có được bảo vệ an toàn không chính là do ở cha mẹ á. Cô hàng xóm chỉ có thể chăm cho ba của bé thôi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.