Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Khẩu trang lý sự ký

Ông bạn đồng nghiệp đa sự Thuan Vuong Tran vừa “hoang mang” khi thấy Thủ tướng ngày 30-1-2020 nói có thể phải áp dụng “toàn dân mang khẩu trang”, nhưng ngày 5-2-2020, ông Thứ trưởng Y tế tại họp báo lại nói “không nhất thiết phải đeo khẩu trang”. (Bài báo giựt tít về lời ông thứ trưởng trên báo Phụ Nữ Online mà ông bạn tôi chụp màn hình lại hình như đã được viết lại?)

Tôi bèn còm dài ơi là dài như vầy:

Ông thứ trưởng là nhà chuyên môn về bệnh truyền nhiễm nên hiểu rõ cơ chế lây nhiễm của virus và công dụng thật sự của khẩu trang. Thủ tướng không thể rành chuyện này bằng ỗng. Ông thứ trưởng nói không sai. Nhưng giữa khoa học và thực tiễn cuộc sống lại khác nhau. Nhà chuyên môn và quảng đại công chúng cũng không thể như nhau. Không tiếp xúc gần nguồn lây nhiễm thì chỉ có nước ở nhà hay ra ruộng, ra biển. Còn nếu phải ra đường và tới nơi công cộng, khi không thể giữ khoảng cách an toàn thì khẩu trang chính là giải pháp bảo vệ không thể thay thế. Càng nguy hơn nữa khi các nhà chuyên môn đã khuyến cáo người nhiễm Wuhan coronavirus có khi không có triệu chứng đặc trưng và có thể lây nhiễm ngay cả khi còn ủ bệnh. Vấn đề mấu chốt ở đây là sử dụng khẩu trang sao cho an toàn.

Ông GSTS Thứ trưởng thừa nhận WHO chưa chứng minh được khẩu trang có khả năng chặn lây lan virus. Tôi trộm nghĩ có lẽ vì vậy nên họ mới làm ngơ không đưa vào khuyến cáo cụ thể. Điều đó phải hiểu là WHO cũng không hề bác bỏ chức năng của khẩu trang. Có nghĩa tùy sự lưa chọn của người ta sao cho an toàn nhất. Và với vai trò của mình, WHO /CDC luôn hướng dẫn tường tận cách chọn và sử dụng khẩu trang cho đúng.

MỜI THAM KHẢO:

Khuyến cáo cụ thể của WHO cho dịch 2019-nCoV nói rõ đeo khẩu trang chỉ hữu hiệu khi kết hợp với rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay có cồn hay xà bông và nước. Khi đeo khẩu trang, bạn phải biết cách dùng và bỏ nó một cách đúng đắn.

Đây là khuyến cáo về khẩu trang của CDC Hoa Kỳ trong mùa có dịch cúm mùa. Do ở Mỹ đã thành thông lệ hàng năm và người dân có ý thức cao, nên việc bắt buộc người có các triệu chúng và người mắc cúm phải đeo khẩu trang “all times” khi ra khỏi phòng cách ly là hợp lý. Còn ở ta, do không thể bảo đảm những người bệnh mang khẩu trang để tránh phát tán virus ra môi trường, ta tự phải bảo vệ mình thôi ạ.

Ngay cả CDC cũng đã ra khuyến cáo về khẩu trang trong dịch 2019-nCoV. Trong mục “Đeo khẩu trang” (Wear a facemask), CDC khuyến cáo những người mắc bệnh (dương tính) hay tình nghi nhiễm virus được cách ly ỏ bệnh viện hay ở nhà: “Bạn nên đeo khẩu trang khi bạn ở xung quanh người khác (thí dụ: chia sẻ phòng hoặc xe) và trước khi bạn vào văn phòng của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nếu bạn không thể đeo khẩu trang (thí dụ, vì nó gây khó thở), thì những người sống cùng bạn không nên ở cùng phòng với bạn, hoặc họ nên đeo khẩu trang nếu họ vào phòng của bạn.”

Thú thiệt, hôm qua sau khi nghe ông thứ trưởng nói về khẩu trang, tôi thấy thương cho các đồng nghiệp nhà báo đang mang khẩu trang tác nghiệp trong phòng họp. Vừa vào họp, chủ tọa nói mình bị gây áp lực khi thấy các nhà báo trong phòng họp mang khẩu trang. (Tôi trộm nghĩ chắc ổng nói đùa cho không khí bớt căng thẳng – chống dịch như cứu hỏa mà). Họ lâm vào tình cảnh khó xử. Nhưng may là các bạn khôn ngoan và biết tự bảo vệ cho mình nên không ai bắt chước ông thứ trưởng tháo khẩu trang. Có lẽ họ đã có kinh nghiệm từ vụ xúm nhau đánh chén cá biển Formosa chăng?

Theo tôi, tốt nhất là nên tuyên truyền cho người dân cách sử dụng khẩu trang đúng đắn và đúng chuẩn. Đừng tạo cớ cho công chúng bác bỏ vai trò của khẩu trang, rất nguy hại cho cộng đồng. Thí dụ, giờ tới nơi nào đó (không phải bệnh viện) mà có yêu cầu phải mang khẩu trang, người ta có thể viện dẫn lời ông thứ trưởng để từ chối đeo khẩu trang.

Điều gì mà khoa học vẫn còn hoang mang đúng và sai thì tốt cho tất cả vẫn là chọn ở phía an toàn nhất – bất chấp có lố chút đỉnh há!

PHẠM HỒNG PHƯỚC