Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Chia sẻ thời dịch bệnh

Nếu như vào lúc bình thường theo tập quán hàng năm, tuần vừa rồi cư dân mạng sôi lên sùng sục những chuyện quanh ngày lễ Tình nhân Valentine’s Day 14-2. Năm nay, ngày của tình yêu này đến hẹn lại lên trong bối cảnh cả xã hội bị đảo lộn tÙng phèo hầu như mọi hoạt động vì nỗi lo dịch bệnh COVID-19 đang ở giai đoạn cao trào với hơn trăm người chết mỗi ngày ở Trung Quốc – nơi bùng phát dịch từ tháng 12-2019 và đã lây lan ra tới gần 30 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam là nước láng giềng đất liền. Nhưng nhìn ở một khía cạnh lạc quan để sống, rõ ràng màu sắc của ngày lễ Tình nhân đã làm cho không gian mạng bớt đậm đặc mùi ôn dịch.

Từ lâu nay, Việt Nam đã lọt vào danh sách Top các nước có đông người dùng các mạng truyền thông xã hội nhất, cụ thể là Facebook (có tới 95% người dùng Internet la cà) và YouTube (có khoảng 96% người vào Internet sử dụng). Không loại trừ nguyên nhân người Việt hơi bị quởn, nhưng lý do chính là ở cơ sở hạ tầng và dịch vụ Internet kết hợp di động ở Việt Nam cực ngon lành. Ai từng đi tới các nước khác, kể cả các nước phát triển hàng đầu như Mỹ và Tây Âu, ắt hiểu được cái sự vượt trội của Internet ở Việt Nam – nhà không có gì ngoài mạng. Vì thế, trong thời dịch bệnh này, các thông tin đa dạng đa chiều và dĩ nhiên lẩu thập cẩm lan truyền với tốc độ siêu nhanh và làn tỏa cực rộng trên các mạng xã hội ở Việt Nam. Xấu tốt lẫn lộn. Trong khi thông báo cho nhau các thông tin được cập nhật về dịch bệnh, chia sẻ cho nhau các biện pháp phòng chống dịch bệnh, người ta cũng bị “dội bom rải thảm” với những tin giả, tin xấu. Với tác động không nhỏ từ các mạng xã hội, người ta biết bảo vệ mình tốt hơn, nhưng mặt khác cũng dễ bị hoảng loạn hơn.

Bên cạnh chuyện chia sẻ các thông tin cập nhật về dịch bệnh, cư dân mạng còn làm được một việc tốt lành là chia sẻ cho nhau những vật dụng cần thiết cho chuyện phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Trong những ngày qua, cả Việt Nam lên cơn sốt về khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn. Thị trường cháy hàng, khan hiếm nghiêm trọng dẫn tới tệ nạn làm giá cực cao (gấp nhiều lần bình thường) hay buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Vậy là có những bạn thiện lành cất công lùng sục tìm được những nguồn cung cấp hàng chất lượng tốt với giá chấp nhận được rồi lên mạng chia sẻ cho nhau. Hành động rất thiết thực.

Như đã nói, chuyện kinh doanh trục lợi (thậm chí phạm pháp) không chỉ diễn ra offline tại những nhà thuốc, cửa hàng mà còn tràn lên không gian mạng. Nói chung là trên mạng thì giá có tốt hơn ở thị trường, nhưng nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng, treo đầu dê bán thịt chó trầm trọng hơn. Một cô nhà báo bạn chúng tôi bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua khẩu trang tính tặng cho bạn bè, kể cả bạn bè trên Facebook. Do thời ngặt nghèo bị bỏ cái tùy chọn đồng kiểm, không cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận, cô bạn đã dính quả lừa đắng nghét. Lô khẩu trang đó chỉ có cái bao bì hào nhoáng chớ sản phẩm tệ hơn vợ thằng Đậu, tới mức cô phải lên mạng xin lỗi các bạn đã “đặt cục gạch” nhận quà tặng và quyết định đốt sạch số khẩu trang kém chất lượng đó.

Khẩu trang dỏm mà cô bạn mua phải.

Nhiều cư dân mạng thiện lành càm ràm rằng: trong điều kiện bình thường, buôn bán hàng giả, hàng giá cao đã là xấu xí, thì vào thời nghiệt ngã thiên tai dịch bệnh cần sản phẩm để cứu người, những hành vi tệ lậu đó phải nói là bất nhân thất đức.

ANH PHÚC