Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ vào giai đoạn “toàn cầu hóa”

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong mấy ngày gần đây có dấu hiệu chuyển qua một giai đoạn mới – nguy hiểm hơn, đáng sợ hơn. Đó là sự bùng nổ ở thế giới bên ngoài đại lục Trung Quốc. Nếu dựa vào các số liệu do Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình lây nhiễm và tử vong ở Trung Quốc giảm nóng hơn trước, ngoại trừ việc xuất hiện tình huống mới là lây lan trong hệ thống nhà tù. Trong khi đó, Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản và cả Ý nữa lại đang nóng lên hơn bao giờ hết.

Nhân viên phòng dịch phun thuốc khử trùng tại một khu chợ ở thành phố Daegu (Hàn Quốc) ngày 23-2-2020. Thành phố này mấy ngày qua tăng vọt số người nhiễm virus gây bệnh COVID-19. (Ảnh: Yonhap, via Agence France-Presse — Getty Images/ NYT/ Internet. Thanks.)

Đặc biệt là Hàn Quốc, tốc độ lây nhiễm tăng chóng mặt. Ngày 20-1-2020, Hàn Quốc có ca nhiễm đầu tiên. Tới ngày 1-2, số ca nhiễm cũng chỉ 11 người. Hết ngày 17-2, Hàn Quốc vẫn chỉ có mỗi ngày một vài ca mới, thậm chí có những ngày sạch sẽ, và tổng số ca nhiễm là 31. Mọi sự bắt đầu xấu đi từ ngày 18-2 khi trong ngày đó vọt lên 15 ca nhiễm mới. Ngày 19-2 có thêm 29 ca mới, tổng số đã là 89. Ngày 20-2 có thêm 45 ca mới, tổng số nhiễm vọt lên 156 người. Cũng trong ngày 20-2-2020, Hàn Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên của nước này vì COVID-19. Một bệnh nhân 63 tuổi chết vì các triệu chứng viêm phổi ngày 19-2-2020 tại Bệnh viện Daenam Hospital ở Cheongdo.
Kinh hoàng nhất là từ ngày 21-2 với số nhiễm mới là 224 người, tổng lên tới 433 người và có 2 người chết. Ngày 22-2 có thêm 120 ca mới, tổng lên 556 người nhiễm và thêm 2 người tử vong thành 4 người. Tới 10g tối 23-2, tổng số người nhiễm lên 602 người. Ngày 23-2, một người đàn ông 56 tuổi trở thành người tử vong thứ 6 của Hàn Quốc.

Hơn một nửa số người nhiễm ở Hàn Quốc tới nay có liên quan tới nhà thờ giáo hội Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở thành phố Daegu. Họ hoặc là thành viên của giáo hội này, hoặc là thân nhân hay có tiếp xúc với người nhiễm. Một phụ nữ 61 tuổi đã tham gia các hoạt động thờ phượng tại nhà thờ này trong 2 Chủ nhật vừa qua đã được xác định là nguồn lây lan virus.

Điều nguy hiểm là tất cả các tỉnh của Hàn Quốc đều có người nhiễm virus. Thời điểm này, Hàn Quốc đang lạnh là môi trường thích hợp cho virus SARS-CoV-2 hoành hành.

Những người phụ nữ mang khẩu trang phòng dịch trên đường phố thủ đô Tehran (Iran). (Ảnh: Abedin Taherkenareh/EPA, via Shutterstock/ NYT/ Internet. Thanks.)

Iran cũng đang là điểm nóng mới trên bản đồ COVID-19 thế giới. Sáng 19-2-2020, nước A rập Hồi giáo này công bố 2 trường hợp nhiễm virus nCoV đầu tiên của mình. Ít giờ sau đó có tin hai bệnh nhân này đã chết. Iran trở thành nước Trung Đông đầu tiên có người chết vì virus nCov.

Điều đáng nói là mới ngày hôm trước, Iran khẳng định nước mình không có ai nhiễm coronavirus.

Theo số liệu tới tối 23-2-2020, Iran có 43 ca nhiễm và trong đó có 8 tử vong. Và Iran đã nhanh chóng vọt lên thành nước bên ngoài đại lục Trung Quốc có số tử vong vì COVID-19 nhiều nhất. Tất cả diễn ra chỉ trong có 4 ngày.

Các chuyên gia nói rằng dựa theo tỷ lệ 1 ca tử vong trong 50 ca nhiễm của COVID-19, con số người nhiễm thực tế ở Iran còn cao hơn nhiều.

Theo hãng tin Mehr, chính phủ Iran đã bắt đầu phân phối hàng loạt khẩu trang cho dân tại các thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch. Chính quyền cũng nói rằng các buổi hòa nhạc và các sự kiện văn hóa sẽ bị hủy trong một tuần và các rạp chiếu phim đóng cửa, trong khi các cuộc thi thể thao sẽ được tổ chức mà không có khán giả.

Pakistan, nước có 596 dặm biên giới với Iran, chủ yếu là biên giới mềm, đang lo xanh mặt. Tỉnh biên giới Baluchistan đã đóng cửa biên giới với Iran. Nước này chưa có ca nhiễm nào.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đóng cửa toàn bộ 4 cửa khẩu với Iran. Afghanistan đã ngừng các hoạt động qua lại giữa nước này với Iran, chỉ cho phép các trường hợp cần thiết. Hai nước này cũng chưa có ca nhiễm nào.

Iraq và Kuwait có chung biên giới với Iran cũng đang như ngồi trên lửa. Ngày 22-2, Iraq có ca nhiễm đầu tiên. Đó là một sinh viên du học ở Iran, ngay tại tỉnh Qom – nơi đã có hơn 20 ca nhiễm. Iraq đã khuyến cao công dân không sang Iran và cấm công dân Iran vào Iraq.

Ý sau khi ngày 21-2-2020 có người đầu tiên tử vong vì COVID-19 tới ngày 23-2 đã có tổng cộng 3 người chết. Ông Adriano Trevisan, 78 tuổi, xét nghiệm dương tính với novel coronavirus, ngày 21-2-2020 đã chết tại một bệnh viện ở Padua, miền bắc nước Ý sau 10 ngày nhập viện. Đây là người Châu Âu đầu tiên chết vì bệnh dịch COVID-19. Trong ngày 22-2, Ý có thêm 58 ca mới, đưa tổng số nhiễm virus lên 137 người.

Ngày 19-2, Ý chỉ có 3 ca nhiễm và không có ca mới nào trong ngày 18-2. Trước đó, ngày 6-2, Ý có thêm 1 ca, nâng lên 3 ca, rồi sạch luôn tới ngày 19-2. Ngày 20-2 có thêm 1 ca nhiễm, tổng cộng là 4 người. Vậy mà sang ngày 21-2, Ý bắt đầu tăng tốc có thêm 12 người nhiễm, tổng số 33 người, và tổng cộng 2 người chết. Số liệu tối 23-2 cho thấy Ý có 157 người nhiễm và 3 người chết.

Ngày 3-2, một người nhập cảnh từ Trung Quốc chết tại Philippines trở thành người tử vong vì COVID-19 đầu tiên bên ngoài đại lục Trung Quốc. Lúc đó có 26 nước và vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục Trung Quốc có cả thảy 188 người nhiễm. Lửa cứ liu riu bên ngoài cho tới ngày 16-2 bắt đầu cháy bùng với 89 ca nhiễm mới (so với 21 ca ngày hôm trước). Ngày 17-2, lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước ngoài vượt mốc 100 (115 người). Ngày 21-2020 thêm 177 người và nội trong ngày 22-2 có thêm 330 ca nhiễm mới. Tới tối 23-2, có 2.033 người nhiễm và 26 người chết vì virus SARS-CoV-2 ở 32 nước và vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục Trung Quốc.

WHO vừa khuyến cáo các nhà lãnh đạo Châu Phi và thúc giục họ có ngay các biện pháp khẩn cấp để sẵn sàng phòng chống dịch. Người ta vẫn ngạc nhiên khi cho tới nay, mới chỉ có Ai Cập là nước duy nhất ở Châu Phi có người nhiễm virus (cũng chỉ 1 người), Trong khi ai cũng biết Châu Phi và Trung Quốc có những mối quan hệ đầu tư đặc biệt lâu dài với hàng triệu người Trung Quốc làm việc ở Châu Phi và cả triệu người Châu Phi làm việc và học tập ở Trung Quốc. Vì thế, Châu Phi được coi là quả mìn nổ chậm mà khi nổ chắc dữ dội. WHO cho biết họ đã lên danh sách 13 nước Châu Phi có nguy cơ cao nhất vì có những mối quan hệ trực tiếp với Trung Quốc.

NGÔ LÊ