Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Kinh doanh giáo dục gặp thời ôn dịch

Có những người ủng hộ việc hàng trăm trường ngoài công lập kiến nghị chính phủ sớm cho các trường mở cửa lại. Và tất nhiên có những người không đồng tình. Đó là chuyện bình thường. Ai cũng có lý lẽ mà mình cho là đúng nhất và có lợi cho mình nhất. Các nhà đầu tư giáo dục hoàn toàn có quyền kiến nghị như thế này. Nhưng quyết định chung cuộc luôn nằm ở bộ máy quản lý đất nước dựa trên những dữ liệu, yếu tố và cân nhắc cụ thể.

Phần mình, tôi rất thấu hiểu với tình hình rất tình hình của các nhà đầu tư giáo dục và hệ lụy là lực lượng lao động làm trong lĩnh vực tư thục. Chuyện rất chi là cơm áo gạo tiền, nhất là khi mục đích và động cơ của hầu hết nhà đầu tư giáo dục là kinh doanh, là kiếm lợi nhuận. Hoài bão và sứ mạng tự phong cũng có, nhưng chỉ là thiểu số.

Nhưng tôi lại lăn tăn với cái lý lẽ rằng việc mở cửa lại trường sớm là để cứu hệ thống trường tư – thực tế suy cho cùng vẫn là để cứu các nhà đầu tư – chủ trường. Đó là lý do hợp lý và chính đáng của họ – với tư cách các nhà kinh doanh. Nhưng đó không phải là một lý do tối thượng. Sự an toàn của thầy trò vẫn luôn là tối thượng. Không ai cho phép và được quyền đem sự an toàn về tính mạng của thầy trò ra làm một phép thử cho một bài toán mà người ta – kể cả nhà chức trách – vẫn còn mù mờ, lúng túng. Trong tình huống đó, thậm chí khi là 50/50, người ta vẫn phải chọn sự an toàn là trên tất cả.

Hơn nữa, gọi là fair play, đầu tư vào giáo dục ngoài công lập tức là một loại hình kinh doanh. Mà đã kinh doanh thì phải chấp nhận những bất trắc, thua lỗ, thậm chí phá sản. Đây chính là lúc các nhà đầu tư giáo dục phải sử dụng quỹ dự phòng của mình mà tồn tại. Họ phải nghĩ ra những giải pháp tối ưu nhất để sống sót qua bão dịch bệnh.

Các nhà đầu tư giáo dục tư thục cũng không thể nào sanh nạnh, so bì với các trường công lập được.

Học sinh trường Mascot Innovative School and College ở khu Ashkona của thủ đô Dhaka (Bangladesh). (Ảnh: Anisur Rahman/ The Daily Star/ Internet. Thanks.)

Các nhà đầu tư giáo dục có quyền cầu cứu nhà chức trách, cao nhất là chính phủ. Nhưng cầu cứu là để giúp họ vượt qua được khủng hoảng chung bằng cách chính sách phù hợp. Phần mình, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ các nhà đầu tư giáo dục – cũng như với các nhà kinh doanh khác – trụ được và sớm khắc phục được các khó khăn. Cụ thể như xem xét miễn giảm thuế, cho vay thêm vốn, giãn nợ ngân hàng,… Còn trong những trường hợp không thể cứu và trụ được nữa thì đành phải toang thôi ông giáo ạ. Trường lớp tư cũng giống như doanh nghiệp, phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Lêu lêu những ai có cái ý: lời thì ăn mập, lỗ thì mèo nheo kêu giải cứu. Thiên tai, địch họa, dịch bệnh thì nào ai muốn. Nhưng vẫn phải chấp nhận chuyện xui rủi.

Khi nào Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra xét thấy việc cho học sinh đi học lại là an toàn, họ sẽ phải chỉ đạo mở lại trường. Và việc cho đi học lại chỉ dựa trên sự an toàn của thầy trò chứ không phải vì để cho các nhà đầu tư giáo dục khỏi thua lỗ.

Trẻ em ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 2-3-2020 học tại một trung tâm cộng đồng sau khi các trường học phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu các trường trên khắp Nhật Bản tiếp tục đóng cửa cho tới cuối tháng 3-2020 như một trong các biện pháp khẩn cấp giúp phòng ngừa virus lây lan. (Ảnh: The Asahi Shimbun/Getty Images/ CNN/ Internet. Thanks). TOKYO, JAPAN – MARCH 02: Children study at a community centre after schools closed from today on Prime Minister Shinzo Abe’s request on March 2, 2020 in Tokyo, Japan. Abe asked elementary, junior high, high and special assistance schools to remain closed from March 2 until the beginning of spring break later this month as an emergency measure to contain the spread of the coronavirus. The requests affects 13 million students nationwide. (Photo by The Asahi Shimbun via Getty Images)

PHẠM HỒNG PHƯỚC