Thứ Ba ngày 21 tháng 1 năm 2025

Đừng kỳ thị và xúc phạm người Việt ở nước ngoài

Mấy ngày qua, cư dân mạng đã lên cơn quạu quọ trước việc có vài ba người Việt từ nước ngoài trở về thời đại dịch toàn cầu COVID-19 (nCoV) có thái độ xấu xí ngay tại sân bay. Những người Việt về nước đó có vẻ giận dỗi vì chuyện mình phải bị cách ly tập trung 14 ngày theo quy định phòng chống dịch.

Hành khách từ Châu Âu về đang chờ ở nhà ga T2 sân bay Nội Bài trước khi được chuyển vào khu cách ly tập trung. (Ảnh: Giang Huy – VnExpress. Thanks.)

Thật ra, những người Việt về nước đó cũng có kẻ có tật xấu xí thật, nhưng cũng có người bức xúc vì tình cảnh quá nên dễ giận cá chém thớt (chớ sức mấy mà dám đôi co tay đôi với ả Cô Vi). Và hành vi đó đáng để phê phán. Nhưng bất luận thế nào, đó chỉ là một thiểu số cực ít, là những con sâu làm rầu nồi canh. Vì thế, để cho công bằng chính trực, chúng ta cũng không nên từ những thiểu số đó mà quy chụp cho cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt khi có những người lẫn lộn gọi họ là Việt kiều. Mấy người bạn tôi ở Mỹ tâm sự rằng Việt kiều chính hiệu ở bên đó đang buồn khi mình bị đồng bào ở quê nhà nghĩ xấu.

Thiết nghĩ ở đây ta cũng làm rõ với nhau về cái danh xưng “Việt kiều”. Việt kiều là những người Việt định cư ở nước ngoài chưa nhập quốc tịch nước sở tại (đang hưởng quy chế thường trú nhân – thẻ xanh) hay đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam. Còn nếu nhập tịch rồi thì là người nước đó gốc Việt (như người Mỹ gốc Việt).

Còn những người đang ở nước ngoài dưới dạng visa làm việc, lao động, học tập,… thì chỉ là người Việt ở nước ngoài mà thôi. Và đó chính là đối tượng mà Việt Nam đang tổ chức cho hồi hương tránh dịch hiện nay. Và hàng vạn người Việt đã và đang đổ về Việt Nam và chấp nhận chế độ cách ly tập trung 14 ngày chủ yếu là những người hợp tác lao động, thực tập sinh, du học sinh,…

Chính vì gọi lẫn lộn những người này là Việt kiều khiến có những người Việt trong nước đang lo lắng tới gánh nặng mà đất nước phải chịu – tức xài tiền thuế của chính họ – trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh này càng thêm bức xúc. Họ lập luận rằng những “Việt kiều” đó bình thường hưởng mọi lợi lộc ở nước ngoài, làm việc đóng thuế cho nước ngoài,… tới khi hữu sự lại chạy về “ăn bám” quê hương. Thực tế, hiếm có người định cư nào ở nước ngoài (tức Việt kiều) lại chạy về nước lánh dịch vì rất nhiều lý do. Vả lại, khi ở nước ngoài với quy chế thường trú nhân, họ lao động và cũng đã làm nghĩa vụ với nước sở tại, phần lớn có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,… nên họ không sợ bị bỏ rơi ở đất nước mình định cư. Đó là chua nói tới niềm tin đại trà về khả năng bảo vệ sức khỏe của nước sở tại như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, Châu Âu,…

Người Việt nhập cảnh tại sân bay nội bài trung tuần tháng 3-2020. (Ảnh: Phan Công – Vietnam Plus. Thanks.)

Còn chuyện nhà nước có chế độ, chính sách ra sao đối với những người phải bị cách ly và điều trị vì virus SARS-CoV-2 lại là chuyện khác mà chắc chắn chính phủ phải cân nhắc thiệt hơn và đa chiều kích. Thủ tướng Chính phủ ngày 13-3-2020 đã tuyên bố rằng: người Việt sẽ được chữa trị miễn phí, còn người nước ngoài khi mắc bệnh phải chữa trị sẽ phải trả phí điều trị (không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm). Theo Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29-1-2020 của Bộ Y tế, bệnh COVID-19 đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Quỹ Bảo hiểm Y tế sẽ thanh toán chi phí cho những người có thẻ BHYT đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, khó thở và xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong trường hợp âm tính với virus SARS-Cov-2. Nếu có kết quả dương tính và cần điều trị tiếp, toàn bộ chi phí điều trị và xét nghiệm cũng do ngân sách nhà nước chi trả.

Cách xử lý của nhà nước Việt Nam hiện nay thể hiện tính nhân văn và nhân đạo, đặc biệt là chủ trương không phân biệt đối xử giữa người Việt hay người nước ngoài lâm bệnh ở Việt Nam. Và chủ trương, cách hành xử này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên trường quốc tế sau thời đại dịch.

Bất luận thế nào, những người Việt đang ở nước ngoài còn mang quốc tich Việt Nam vẫn là những con dân Việt. Một mặt khuyến khích họ theo xu hướng chung thế giới là ai ở đâu, ở nguyên đó (trừ khi quá nguy hiểm); mặt khác, chúng ta không được quyền bỏ rơi các đồng bào mình. Người ở lại được khuyên tuân thủ các quy định của chính quyền sở tại và được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài quan tâm bảo hộ công dân. Người chọn về nước cũng sẽ được tổ chức tiếp nhận chu đáo.

Tất nhiên, mong rằng những người Việt học tập và lao động ở nước ngoài khi về nước tránh dịch cũng cần ý thức về thực tế tình hình của quê hương mình để cùng hợp tác và có thái độ tích cực. Tất cả chỉ là để tốt cho tất cả mà cùng nhau chống lại đại dịch toàn cầu khủng khiếp chưa từng thấy trong đời này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC