Thứ Năm ngày 14 tháng 11 năm 2024

Nước Mỹ đau thương

Hình ảnh chụp từ drone do hãng tin AP cung cấp và đăng trên báo New York Times cho thấy cảnh người ta đang chôn những cỗ quan tài người chết, mà trong đó có những nạn nhân của bệnh dịch coronavirus, trong một ngôi mộ tập thể trên đảo Hart Island của thành phố New York (Mỹ). Cảnh tượng thật bi thương. Xe đào một hố dài, rồi người ta cứ đặt những cỗ áo quan thành 2 hàng sát vào nhau rồi lấp dần. Dấu vết trên mặt đất cho thấy không chỉ có một ngôi mộ tập thể ở đây. (Có nguồn cho biết đảo này xưa nay là nơi vốn dùng để chôn cất những người chết vô thừa nhận ở thành phố New York. Bình thường chỉ chừng 25 thi thể một tuần, nhưng từ tháng 3-2020 do dịch bệnh bùng nổ ở New York mà số lượng người chôn ở đây tăng vọt. Chắc chắn dịch bệnh không tha những người vô gia cư, vô thừa nhận. Và ở đây tôi cũng không sa đà vào cuộc tranh cãi đây là một dạng fake news được phe chống Tổng thống Donald Trump khai thác cho mưu đồ chính trị và cá nhân của mình.) Tham khảo nguồn.

Trong thời gian gần đây, mỗi ngày thành phố này có hàng trăm người chết vì dịch coronavirus. Nhiều tới mức các bệnh viện bị quá tải, phải để thi thể người chết nằm ngổn ngang ngoài hành lang chờ vận chuyển tới những nhà xác tạm thời chính là những thùng xe đông lạnh được cải biến.

Nước Mỹ 328 triệu dân đã trở thành nước chịu tổn hại về nhân mạng nặng nề nhất thế giới. Ngày 11-4-2020 ghi dấu Mỹ vượt qua mốc 500.000 người nhiễm novel coronavirus và vượt qua mốc 2.000 người chết/ngày. Số lượng người chết tới 11:00 AM ET ngày 11-4-2020 của Mỹ đã vượt qua Tây Ban Nha, trở thành nước số 2 thế giới về tử vong với 18.761 người. Và có lẽ ngày mai, Mỹ sẽ đứng đầu bảng cả về số tử vong khi chỉ còn cách số tử vong của nước Ý số 1 rất gần (Ý hiện có 18.849 người chết). Chỉ một ngày 10-4 mà Mỹ đã phải gánh thêm 2.035 người chết. (Váo lúc 11:30 AM ET, Mỹ đã vượt qua Ý trở thành nước có số người chết nhiều nhất thế giới, hơn 19.000 người).

Kể từ khi phát hiện ca tử vong đầu tiên vào ngày 29-2-2020, chỉ trong hơn 1 tháng qua, Mỹ có tới hơn 18.000 người chết. Từ ngày 30-3, mỗi ngày có thêm hơn 500 người chết, trong đó có 2 ngày hơn 900 người/ngày, 8 ngày vượt mốc 1.000 người/ngày và 1 ngày vượt mốc 2.000 người/ngày.

Cho dù là cường quốc, Mỹ cũng khó lòng chịu đựng nổi nếu cứ kéo dài tình trạng dịch bệnh khủng khiếp và khủng hoảng như thế này. Từ ngày 29-3 tới nay, mỗi ngày Mỹ phải chịu thêm hơn 20.000 người bệnh mới, mà đa số là thêm hơn 30.000 người bệnh mỗi ngày. Vào ngày 10-4, Mỹ đang phải điều trị cho hơn 456.000 bệnh nhân coronavirus.

Trong 50 tiểu bang, có tới 39 tiểu bang và thủ đô Washington DC có số người nhiễm từ 1.000 trở lên và 13 bang có từ 10.000 người nhiễm trở lên. Bang New York hiện là tâm dịch với 172.358 người nhiễm (tăng 10.854 người so với hôm trước) và 7.844 người chết (tăng 777 người); đang phải điều trị cho 148.280 bệnh nhân. Bang New Jersey thứ 2 có 54.588 người nhiễm và 1.932 người chết. Bang Washington từ chỗ là tâm dịch hồi đầu giờ xếp thứ 13 với 10.195 người nhiễm và 483 người chết. Bang California thứ 4 có 21.374 người nhiễm và 598 người chết. Bang Michigan thứ 3 có 22.783 người nhiễm và 1.281 người chết. Có 7 bang có số người chết từ 500 người trở lên là New York (7.844), New Jersey (1.932), Michigan (1.281), Louisiana (755), California (598), Massachusetts (599) và Illinois (596). Từ ngày 23-3, số ca nhiễm hàng ngày tăng ở mức hàng vạn. Tất cả 50 tiểu bang và DC từ Bờ Tây sang Bờ Đông và các lãnh thổ hải ngoại đều có người nhiễm COVID-19.

Tình hình ở Mỹ cho thấy nước này chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, thậm chí có vẻ như nó đang rơi tự do. Phải chăng chính văn hóa và lối sống, thậm chí những giá trị gọi là tự do, dân chủ, nhân quyền được coi là chuẩn mực bao đời nay của xã hội Mỹ đang bị thách thức, thậm chí phá toang bởi con virus được phát hiện đầu tiên từ Trung Quốc này? Phải chăng Mỹ đang phải trả giá cho những điều được coi là đặc trưng của Mỹ?

Dù muốn hay không, rõ ràng đại dịch COVID-19 đang và sẽ làm thay đổi mọi thứ trên hành tinh nay. Sống sót sau đại dịch này, thế giới sẽ không thể giống như trước.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.