Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Tản mạn từ Huê Phong thời COVID-19

Sáng nay, hình ảnh lãnh đạo đầu bạc trắng của Công ty Gìay da Huê Phong (Gò Vấp, TP.HCM) khom lưng cúi đầu xin lỗi công nhân vì buộc phải cho nghỉ việc 2.200 công nhân trong tổng số 4.700 công nhân của công ty làm tôi bần thần. Hiện nay, công ty vẫn đang thực hiện các đơn hàng cũ. Và nếu không có các đơn hàng mới đủ để duy trì, công ty có 24 năm hoạt động này có thể phải cắt giảm thêm công nhân. Thêm hàng ngàn người lao động thất nghiệp có nghĩa thêm hàng ngàn gia đình phải lâm vào tình cảnh lao đao, khốn đốn, đặc biệt là giữa một xã hội cũng đang bầm dập, toang toát vì đại sống thần đại dịch.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Huê Phong là một trong vô số nạn nhân của đại dịch COVID-19 do virus corona chủng mới bùng phát từ Wuhan (Trung Quốc) gây ra trên toàn cầu. Ngoài những tổn thất về nhân mạng (thế giới tới nay đã có hơn 346.000 người chết) và những di chứng cũng như chi phi điều trị, phục hồi cho những người nhiễm virus (tới nay đã có hơn 5,5 triệu người), đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi, phá toang cuộc sống xã hội bình thường, làm đình trệ các nền kinh tế, và thêm vô thiên lủng người thất nghiệp.

Làm sao Huê Phong có thể duy trì hoạt động bình thường khi thị trường may mặc và da giày toàn cầu đã bị đóng băng. Tầm nay còn bao người có thể và có tâm trạng mà đi mua sắm thời trang nữa đâu. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, trong tháng 4 và 5-2020, nhu cầu mua hàng ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều giảm rất mạnh. Phần lớn các doanh nghiệp trong hai ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày chỉ nhận được khoảng 40-50% nhu cầu mua hàng của các thương hiệu lớn.

Tôi nghĩ rằng việc cấp bách hiện nay là cứu các doanh nghiệp chủ lực trong thời gian qua đã đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế, có nhiều người lao động, và đặc biệt là có khả năng hồi phục sau đại dịch COVID-19. Hai lĩnh vực có thể giúp họ trụ lại là thuế và ngân hàng. Cả hai lĩnh vực này đều phải biết nuôi nguồn thu của mình. Dựa trên lịch sử giao dịch giữa ngân hàng hay thuế với doanh nghiệp, người ta có thể xác định đâu là đối tác bền vững và khả tín. Tất nhiên cũng phải xem xét các phương án phục hồi của doanh nghiệp. Có người nói rằng thuế không thể chấp nhận thất thu, nhất là trong tình hình ngân sách Nhà nước đã phải chi quá lớn cho việc khắc phục hậu quả của đại dịch. Nhưng như đã nói, ngành thuế muốn bền vững thì phải biết nuôi nguồn thu, doanh nghiệp mà phá sản thì coi như mất trắng nguồn thu cũ và tương lai. Cũng có người nói ngân hàng cũng là doanh nghiệp, chỉ hoạt động trên cơ sở cân nhắc lợi ích kinh doanh. Ồ, nếu được vậy là ơn Giời cậu đây rồi, hồng phúc cho cả dân tộc. Bởi ngân hàng mà thật sự biết kinh doanh ắt phải biết cách đầu tư cho tương lai, biết tiếp sức cho các đối tác khách hàng lớn của mình – họ sống thì mình mới sống, Trạng chết, Chúa cũng băng hà.

Khi chuyện thuế má và nguồn tiền (kể cả nợ tín dụng) được ổn thỏa, các doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động, dù cho là cầm hơi, để chờ cơ hội làm ăn mới. Tất nhiên, như đã nói, doanh nghiêp phải có phương án phục hồi khả thi và khả tín. Và tất nhiên lần nữa, người ta cũng phải chấp nhận là với một đại dịch như COVID-19, không thể lường trước được ngày mai sẽ ra sao. Nhưng hôm nay thì cứ phải cố gắng hết tâm sức của mình, không thể chịu thua và bỏ cuộc – ngay cho dù đang còn trên đường di quan tới Bình Hưng Hòa (nếu 30 chưa phải là Tết thì chưa lấp huyệt thì vẫn chưa phải là… chết).

PHẠM HỒNG PHƯỚC