Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Nghĩ về 3 sự cố giáo dục

1. Người mẹ mới sinh em bé được 3 ngày đã ngất xỉu ngay tại bệnh viện và người cha ngồi thất thần trước thi thể đứa con đầu 12 tuổi vừa bị cây phượng ở trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) trốc gốc ngã đè chết. Tai nạn lúc 6g sáng 26-5-2020 làm 12 học sinh khác bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Quặn thắt lòng vì thương các cháu và nghĩ tới gia đình các nạn nhân. Uất nghẹn muốn nghẹt thở khi nghĩ tới những người lớn có trách nhiệm có liên quan.

Cây phượng cao 10 mét gốc to 2 người ôm bị trốc gốc sau trận mưa lớn chiều tối qua là một tai nạn, một tai nạn thương tâm. Nhưng đằng sau tai nạn này là những cái mặt người lớn đen đúa. Ai cũng hiểu một cây phượng như thế trước khi trốc gốc rồi ngã ngang thường phải có những dấu hiệu khác thường – nhất là ở một sân trường nhỏ xíu. Rồi sẽ có điều tra. Rồi sẽ lại có rút kinh nghiệm. Ừ thì biết rút kinh nghiệm cũng là một điều tốt. Chỉ đáng sợ là người lớn vốn chóng quên và sợi dây kinh nghiệm dài vô tận. Phải chi rút kinh nghiệm sẽ khiến những sự việc tương tự không tái diễn.

Cây phượng già trốc gốc trên sân trường Bạch Đằng sáng 26-5-2020. (Ảnh: Internet. Thanks)

Sự cố giáo dục này là trách nhiệm của những người có trách nhiệm ở trường.

2. Mới một vài ngày trước là hung tin một nam sinh lớp 9 ở Hải Dương tử vong sau cú ngã từ trên cây xuống. Em theo lệnh của thầy giáo leo lên cây ở trường để mé nhánh trong giờ lao động. Không may nhánh cây đổ vào đường điện cao thế gây điện giật khiến em ngã xuống chấn thương từ ngày 8-5 và tới ngày 22-5 thì ra đi. Có 2 chi tiết: chuyện mé nhánh cây là của thợ chuyên nghiệp chứ không phải của học sinh, và cây gần đường điện cao thế cực nguy hiểm.

Sự cố giáo dục này có bóng ma ngu xuẩn của người lớn (ngu xuẩn chứ không phải ngu dốt, và xin lỗi các bạn khi tôi phải dùng tới từ này vì không thể tìm được từ nào khác).

3. Vụ bé gái lớp 1 ở Hải Phòng bị đứng phơi nắng ngoài cổng trường vẫn gây tranh cãi, nhất là sau khi có đoạn clip mới tung lên – mà bản thân clip này cũng gây tranh cãi và hồ nghi về tính xác thật. Nhưng bất luận thế nào, theo công văn của chính quyền thành phố, việc bé gái phải ra đứng trước cổng trường là có thật (được ban giám hiệu và đội sao đỏ xác nhận). Và vượt qua mọi tranh cãi (nếu căng quá thì phải có công an vào cuộc – chỉ e lại người nhà ai binh nhà ấy như cái gọi là tập quán xưa nay), ta phải nhìn nhận kết quả tích cực khi lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục Hải Phòng đã có chỉ đạo, đề ra quy định cụ thể để khắc phục những bất cập về chuyện bán trú, chuyện bảo vệ an toàn cho học sinh. Nó “giải cứu” tất cả học sinh và phụ huynh ở Hải Phòng.

Nhưng rõ ràng sự cố giáo dục này đã một lần nữa cho thấy bệnh thành tích quá nặng và cái thói xấu tìm người khác để đổ trút trách nhiệm (lần này ngay cả 1 bé gái 6 tuổi cũng còn bị lôi vào).

PHẠM HỒNG PHƯỚC