Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Bà giáo của A Phủ lại đổi giờ

Sáng Chủ nhật 1-11-2020 sau một đêm ngủ sớm bất thường vì năm nay do đại dịch coronavirus nên ông Thống đốc bang Larry Hogan ra lệnh tạm ngưng cái tập tục truyền thống trẻ em kéo tới nhà hàng xóm xin kẹo “trick or treat” lừa hay lộc, bà giáo thức dậy theo đúng cữ thường nhật, liếc nhìn lên cái cái ai-phôn 12-2 rồi buông ra một tiếng thở dài dài tới tận White House: “Dậy sớm cả tiếng đồng hồ!” Bình thường giờ là 6 giờ, nhưng bữa nay đồng hồ chỉ 5 giờ.

Con Sen vừa out ra khỏi phòng ông giáo nhác thấy bà giáo vội lên tiếng đánh trống lãng tùng tùng: “Bà giáo ngủ thêm đi, hôm nay đổi giờ mà.”

Từ đầu năm Canh Tý 2020 tời giờ, quá hớp với cái đại dịch do ả yêu tinh nghiệt chủng Cô Vi Vũ Hán 19 tuổi gây ra trên toàn cầu mà nước Mỹ chịu nặng nhất, bà giáo càng trở nên vô thường, buông bỏ. Có lẽ vì vậy mà bà giáo chẳng thèm bận tâm vì sao cái con Sen tầm cỡ Ngọc Chinh kia lại có mặt trong phòng ông giáo sớm quá vậy. Phải mà là ngày xưa, bà giáo vốn gốc gác làng Vũ Đại ắt đã tốc váy tung tóe lên mà chiềng làng trên chiềng xóm dưới.

Hôm nay ở hầu hết nước Mỹ, người ta bắt đầu đổi từ giờ mùa hè DTS (Daylight saving time hay Summer Time, Spring forward) sang giờ tiêu chuẩn (Standard Time) hay giờ mùa đông (Fall Back hay Winter Time). Từ 2 giờ sáng Chủ nhật 1-11-2020 (theo giờ từng tiểu bang), người ta phải vặn kim lui ngược lại (backward) 1 giờ thành 1 giờ sáng. Nói là hầu hết nước Mỹ vì có bang Hawaii và phần lớn bang Arizona cùng các lãnh thổ hải ngoại của Mỹ không xài giờ DST nên bữa nay cũng chẳng bận tâm chuyện đổi giờ.

Người ta còn gọi 2 chuẩn giờ của Mỹ là Spring forward và Fall back. Giờ DST là Spring forward có lẽ để chỉ “mùa xuân vặn kim về phía trước”, còn giờ chuẩn ST là Fall back để chỉ “mùa thu xoay kim về phía sau”.

Thời gian áp dụng giờ chuẩn ST từ ngày Chủ nhật 1-11-2020 tới ngày Chủ nhật 14-3-2021. Giơ chuẩn chỉ chiếm khoảng 35% thời gian cả năm.

Bây giờ xài đồng hồ điện tử hay trên các thiết bị di động có nối mạng Internet nên giờ giấc được chỉnh tự động. Người ta chỉ phải chỉnh giờ cho các đồng hồ cơ, đồng hồ truyền thống.

Năm 2020 là năm bầu cử ở Mỹ. Bữa thứ Năm, bà giáo đã đi bầu sớm (early vote) cho nó an lòng. Hồi mới qua, còn thẻ xanh, bà giáo coi chuyện bầu cử là chuyện của xứ người. Ngay cả hồi mới có quốc tịch, chính thức là người Mỹ gốc Việt Vietnamese American, bà giáo cũng chỉ bầu cho nó xong chuyện. Còn sau này, bà giáo giác ngộ rằng Hoa Kỳ giờ mới thiệt sự là Tổ quốc của mình, quê cha đất tổ chỉ còn là quê hương, bà mới bầu cử một cách nghiêm chỉnh. Bà nhứt quyết không bầu qua mail cho dù lá phiếu bầu (ballot) đã được gửi về tận nhà cả tháng trước rồi. Bà giáo có nghe tin về những bê bối trong cách bầu qua thư, rất dễ bị kẻ có ý đồ gian lận lợi dụng, nên bà tới điểm bỏ phiếu để bầu trực tiếp.

Mà ngay cả bầu trực tiếp nếu cử tri không cẩn thận, nhứt là với những người không thông thạo tiếng Anh, cũng có thể bị kẻ có ý đồ gian lận bầu cử qua mặt để ký tên số (ký trên máy) hợp thức hóa cho phiếu bầu theo ý chúng. Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn sau khi đi bầu xong, bằng nhận xét và trải nghiệm thực tế của chình ông, đã viết bài báo động về tình trạng này.

Những ngày đầu thay đổi giờ là người ta dễ chập cheng lắm. Được cái từ giờ DST chuyển sang giờ chuẩn hay giờ mùa đông như hôm nay, người ta được ngủ nướng thêm 1 giờ, đi ngủ trễ hơn 1 giờ nên cũng không lo chuyện buồn ngủ rồi ngủ gục khi lái xe đi làm ban sáng như lúc mới đổi giờ DST. Chỉ có điều cái khoảng thời gian 1 giờ ngủ nướng buổi sáng và 1 giờ trằn trọc ngủ muộn buổi tối là khoảng thời gian trằn trọc thức cũng dở, mà ngủ cũng không xong, dễ sinh ra… thái cực. Bà giáo nghe xương khớp mình trỗi nhạc mà thấy dường như gò má con Sen ửng hồng trong khi ông giáo mỉm cười huyền bí!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.