Thứ Sáu ngày 29 tháng 3 năm 2024

Từ thiện “quốc dân” online

Chắc chắn không ai có thể thống kê chính xác nổi có bao nhiêu tiền quyên góp đã được sử dụng và bao nhiêu mảnh đời kém may mắn đã được giải cứu nhờ những người thiện nguyện trên các mạng xã hội. Nổi bật và hữu hiệu nhất là hai mạng xã hội YouTube và Facebook.

Khi lướt qua những kênh chuyên làm thiện nguyện trên YouTube, chúng tôi bị ngợp trước lòng từ tâm và góp tay chia sẻ của cộng đồng. Người trong cả nước không ít, nhưng nổi trội về số lượng và nguồn tài chính vẫn là đồng bào ở hải ngoại. Chúng tôi không tránh khỏi ngỡ ngàng vì không ngờ đồng bào mình đóng góp, chia sẻ cho nhau nhiều như vậy. Phổ biến là hình thức những mạnh thường quân tài trợ cho một vài kênh mà mình ưng bụng. Theo một số bạn ở Mỹ, họ lựa chọn những chủ kênh ăn nói dễ thương, có cảm tình, năng nổ và chịu thương chịu khó, xông xáo nơi này nơi nọ để phát hiện những mảnh đời đang cần cứu giúp, và đặc biệt là rõ ràng, sòng phẳng và biết chi tiêu hợp lý về tiền bạc.

Chuyện tặng người cơ nhỡ vài ba trăm ngàn đồng tiền mặt là rất thường tình. Có những YouTuber được những người hảo tâm gửi sẵn cho quỹ một số tiền để họ đi tới đâu mà bất chợt gặp những mảnh đời cơ nhỡ là có thể giúp đỡ ngay. Có những YouTuber chuyên quay cảnh các khu chợ quê và thường mua giùm hàng hóa cho những người già cả hay khuyết tật, bệnh tật.

Rồi tới những chuyến tặng gạo, mắm muối, dầu ăn, mì gói và những nhu yếu phẩm khác cho những gia đình khó khăn ở địa phương. Mùa tựu trường thì tặng quần áo, dụng cụ học sinh, đóng tiền bảo hiểm, thậm chí mua cả xe đạp đi học cho học sinh cần thiết.

Không thể kể hết được những gì mà cộng đồng mạng làm cho những đồng bào bệnh tật trầm trọng hay nan y của mình. Gần đây có 1 bà mẹ trẻ người H’Mông ở Hà Giang sống cùng 2 đứa con nhỏ xíu trong một cái chòi cheo leo vách núi đã được tài trợ tiền đi về Hà Nội điều trị 2 mắt bao năm nay chỉ thấy lờ mờ. Các nhà hảo tâm cam kết chung tay chi trả mọi chi phí chữa trị. Đáng tiếc là bệnh viện cho biết người phụ nữ bị tật mắt di truyền không thể chữa được nữa. Có rất nhiều người bị những chứng bệnh nan y đã được tài trợ tiền thuốc men, sữa bồi dưỡng, và thậm chí chi phí chữa trị nhiều chục triệu đồng, có khi cả trăm triệu đồng.

Ở vùng Kiên Giang, Cà Mau nước phèn hay nước mặn thì có rất nhiều gia đình nông thôn nghèo khó đã được tài trợ tiền khoan những cây giếng sạch mát trong lành, thường có chi phí 4 triệu đồng/cây. Nhà bị ngập thì được tài trợ tiền tôn nền và lót gạch. Nhiều ngôi nhà rách nát đã được dựng lại bằng những căn nhà tôn tiền chế hay nhà xây, trị giá trên dưới 50 triệu đồng. Ở vùng cao Tây Bắc có những gia đình được xây tặng những ngôi nhà hơn trăm triệu đồng.

Một gia đình nghèo ở Giồng Riềng (Kiến Giang) đã có được “ngôi nhà mơ ước” trị giá 52 triệu đồng từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm trên kênh YouTube Bích Hạnh Miền Tây. Trong ảnh là ngôi nhà trước và sau khi được làm mới. (Ảnh chụp từ kênh YouTube).

Điều đáng nói và đáng quý, chuyện từ thiện online đó chính là hoa quả của công nghệ, của cuộc sống số. Chúng tôi quan sát thời gian dài và thú vị trước sức mạnh của công nghệ số và tấm lòng từ tâm của đồng bào bốn phương. Chỉ cần một YouTuber quay hoàn cảnh của một mảnh đời khó khăn nào đó rồi đăng lên mạng là y như rằng vài ngày sau sẽ có những nhà hảo tâm xúm lại trợ giúp.

Tất nhiên chuyện làm từ thiện online cũng có nhiều bất cập, có những mặt trái hay những góc khuất, ở đây chúng tôi chưa đề cập đến. Chỉ mong những người đi làm thiện nguyện có tấm lòng thật tâm vì người nghèo khó, làm việc một cách có ý thức và trách nhiệm, làm minh bạch và đến nơi đến chốn. Làm từ thiện, dù là từ thiện “quốc dân”, cũng cần phải có kinh nghiệm và kiến thức cần thiết. Bên cạnh tuyệt đại đa số các bạn quá tuyệt vời, vẫn còn rải rác đây đó những chủ kênh từ thiện chủ quan, thiếu tìm hiểu kỹ càng, vung tay quá trán không cần thiết, lãng phí tiền đóng góp, tranh giành và ganh đua nhau thậm chí cùng trợ giúp một đối tượng quá nhiều gây bất cập.

Ngay cả thái độ của những người nhận trợ giúp cũng có khi (may là ít ỏi thôi) có vấn đề. Một kênh từ thiện ở vùng Tây Bắc coi thái độ hợp tác tích cực, cùng chung sức với nhóm từ thiện của chủ nhà (như phụ làm, phụ nấu ăn cho thợ) là một điểm cộng để họ tích cực trợ giúp. Mới đây có trường hợp một kênh từ thiện ở miền Tây Nam Bộ đã tuyên bố chấm dứt trợ giúp một gia đình sau khi đã dựng xong ngôi nhà mới vì hai vợ chồng chủ nhà có thái độ lợi dụng lòng hảo tâm, nhận trợ giúp từ nhiều kênh và dùng tiền trợ giúp để tổ chức ăn nhậu ngày này qua ngày khác, không chịu làm gì nữa.

Cũng có một số ý kiến rằng nhà chức trách nên có những biện pháp quản lý việc làm từ thiện online tự phát như vậy để tránh những trường hợp lợi dụng, vụ lợi. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Hãy cứ để đồng bào mình thoải mái làm từ thiện theo ý muốn và tâm nguyện của mình. Khi nào và vụ nào xảy ra tranh chấp, kiện tụng thì nhà chức trách mới can thiệp xử lý theo pháp luật. Điều luôn quan trọng nhất là các hoạt động từ thiện quốc dân online này rõ ràng đã gánh vác cho nhà nước nhiều vô sô kể trong việc chăm lo cho những mảnh đời kém may mắn. Khi nhà nước không thể nào bao trùm được hết thì cứ để cộng đồng mạng chăm lo cho đồng bào mình. Đó là mặt tích cực của mạng xã hội và cuộc sống số. Và tốt hơn cả là nên để cộng đồng tự điều chỉnh, khắc phục những bất cập. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên chủ động nhiệt thành hỗ trợ các dự án “từ thiện quốc dân” này, không phải để “tranh công, giành thành tích”. Chẳng hạn như tư vấn thêm cho dự án tốt hơn và bảo đảm an toàn, hỗ trợ làm các thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý, các dịch vụ cần thiết.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 28-10-2022 và NLĐ Online.

ANH PHÚC