Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Các doanh nghiệp giúp nhau cùng chuyển đổi số

Ban đầu, hay mới nghe lần đầu, người ta dễ nghĩ chuyển đổi số là chuyện của nhà nước, của chính quyền. Thật ra, ngay từ trước khi chính quyền được thúc đẩy tham gia và đóng vai trò nhạc trưởng không thể thiếu cho công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã bắt đầu nói nhiều tới chuyển đổi số, coi nó như một thành tố của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và là giai đoạn tiếp theo của tiến trình kỹ thuật số và tin học hóa.

Thực tế cho thấy càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp hiểu được sự bức thiết phải tiến hành chuyển đổi số để có thể làm ăn được trong thời đại công nghệ mới. Họ bắt buộc phải chuyển đổi số nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi số của một nền kinh tế số giữa một xã hội số, cũng như khi toàn cầu đã ở trong một vũ trụ số.

Khác với các công ty phần cứng, là một công ty công nghệ dựa trên phần mềm và dịch vụ số, Tập đoàn Microsoft từ lâu đã đưa ra những lời cam kết “trao quyền” cho các khách hàng, các đối tác để hỗ trợ họ chuyển đổi số.

Ứng dụng công nghệ vào các kênh thanh toán online giúp doanh nghiệp tăng tiện ích cho khách hàng. Trong ảnh: Người dùng trải nghiệm thanh toán qua ví MoMo. Ảnh: BÌNH AN, báo NLĐ)

Nỗ lực mới đây nhất của Microsoft là tổ chức Hội thảo công nghệ Microsoft Technology Summit 2022 diễn ra tại TP.HCM ngày 7-12-2022. Sự kiện công nghệ thường niên lớn nhất trong năm của Microsoft Việt Nam này cập nhật những công nghệ và giải pháp mới nhất của Microsoft nhằm giúp các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số.

Năm nay, với thông điệp “Do More With Less” (đạt được kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn), hội thảo Microsoft Technology Summit được kỳ vọng sẽ giúp cho các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam trở nên hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, bứt phá nhanh hơn với ít nguồn lực hơn, ít thời gian hơn, và ít chi phí hơn.

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, nhận định: “Trong những năm qua, chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số. Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề trên thế giới áp dụng công nghệ để có thể duy trì vận hành và phục hồi kinh doanh. Và lúc này là thời điểm các doanh nghiệp cần phải tập trung tăng tốc để có thể đạt được nhiều kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc 6 điều kiện thiết yếu sau đây: dịch chuyển lên nền tảng đám mây; thống nhất dữ liệu và ứng dụng AI làm nền tảng; trao quyền cho các bộ phận; tái tạo năng lượng cho nhân viên; triển khai các quy trình kinh doanh cộng tác; và đặt bảo mật làm ưu tiên hàng đầu.”

Nói một cách công bằng, công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia của Việt Nam có được lợi thế cơ bản là có sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị với sự chỉ đạo thống nhất từ cấp cao nhất trong bộ máy quản lý nhà nước. Chuyển đổi số đã được coi là một nhiệm vụ chính trị cốt lõi của toàn hệ thống. Nhờ đó, các doanh nghiệp chỉ cần tập trung cho việc chuyển đổi số của chính mình với mục tiêu cụ thể là đem lại những lợi ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ở cổng ra, cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ kết nối và liên thông cùng các cổng chuyển đổi số của các doanh nghiệp khác và của bộ máy chính quyền từ trung ương tới địa phương.

Thật vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng các cơ hội, ngày 27-9-2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Và càng cụ thể hơn, ngày 13-12-2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 1970/QĐ-BTTTT phê duyệt “Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số”. Đề án gồm Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp dùng chung trên toàn quốc (gọi tắt tiếng Việt là “Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp hay Bộ chỉ số”, tiếng Anh là “Digital Business Indicators”, viết tắt DBI); và các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng Bộ chỉ số. Mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành 6 cấp độ cụ thể tăng dần từ mức 0 đến mức 5, bao gồm mức 0 là chưa chuyển đổi số, mức 1 – Khởi động, mức 2 – Bắt đầu, mức 3 – Hình thành, mức 4 – Nâng cao, mức 5 – Dẫn dắt.

Điều đáng mừng ở Việt Nam là trong thời gian qua đã diển ra các nỗ lực giúp nhau chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn – đặc biệt là doanh nghiệp quốc tế – hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP và đạt 31% tổng thu ngân sách; đồng thời, thu hút hơn 5 triệu người lao động.

Báo cáo kinh tế Đông Nam Á mới đây nhất cũng ghi nhận, nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN đạt tỷ lệ 31%. Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam cũng thuộc Top đầu trong khu vực. Theo báo cáo của Tập đoàn công nghệ Meta, công ty mẹ của Facebook, 73% người tiêu dùng ở Việt Nam đang sử dụng tin nhắn để liên lạc với các doanh nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, Meta khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết, Meta cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam lên nền tảng trực tuyến và hưởng lợi từ việc tham gia vào nền kinh tế số. Meta có mối quan hệ đối tác lâu dài với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), qua đó đã hỗ trợ hơn 32.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc, phản ánh cam kết của Tập đoàn Meta trong việc hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới ở Việt Nam.

Về phía Việt Nam, những doanh nghiệp công nghệ lớn, có vị trí dẫn dắt đều cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước tiến hành chuyển đổi số.

Ngày 14-9-2022, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giữa Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Theo nội dung hợp tác, hai bên sẽ phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua các chương trình truyền thông, hội nghị, hội thảo tập huấn về chuyển đổi số. Hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng các công nghệ số, trong đó có thử nghiệm các nền tảng, giải pháp của VNPT. Tập đoàn VNPT với vị thế một doanh nghiệp Nhà nước có tầm cỡ trụ cột luôn xác định mình có sứ mạng dẫn đát công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Trong khi đó, Tập đoàn công nghệ CMC cho biết trong giai đoạn 2021-2025, cùng với việc đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đẳng cấp quốc tế với doanh thu tỷ USD và quy mô hơn 10.000 nhân sự, CMC sẽ kiên định với hướng đi là nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, giúp doanh nghiệp và tổ chức trong nước số hóa thành công, góp phần định hình thị trường dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) và SaaS (phần mềm dịch vụ) mới và nằm trong top đầu thị trường an ninh mạng.

Trong khuôn khổ sự kiện Hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam – Chuyển mình đổi số” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VYEA), Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 8-11-2022, VYEA, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên kiến tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, tư vấn và đồng hành chuyển đổi số cùng cộng đồng doanh nhân trẻ, đặc biệt là trong các doanh nghiệp hội viên của VYEA, hướng tới phát triển bền vững và số hóa thành công. Hiện VYEA có khoảng 12.000 hội viên trải đều khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chương trình đào tạo tập huấn sẽ được xây dựng dựa trên bộ khung hướng dẫn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SME (26 bộ cho 26 ngành) và Khung hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất được VINASA và đội ngũ chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số xây dựng năm 2021.

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã nhận thức và tăng tốc chuyển đổi số để có thể tồn tại. Sang thời hậu đại dịch, các doanh nghiệp lại càng cần có chuyển đổi số để có thể phục hồi một cách bền vững và thức thời.

  • Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 17-12-2022 và trên báo NLĐ Online.

PHẠM HỒNG PHƯỚC