Có phải mọi rắc rối là do chưa đồng bộ dữ liệu?
Đến nay đã hơn 2 tháng kể từ ngày sổ hộ khẩu giấy chính thức được cho “về hưu” (từ ngày 1-1-2023), không còn giá trị sử dụng, theo Luật Cư trú 2020. Nhưng cái “bóng ma” sổ hộ khẩu vẫn đang tiếp tục ám ảnh, hành người dân lên bờ xuống ruộng mỗi khi cần làm thủ tục hành chính hay giao dịch gì đó cần xác nhận nơi thường trú.
Rõ ràng, việc buộc người dân phải xuất trình giấy xác nhận cư trú trong hầu như các thủ tục hành chính như hiện nay thực chất là một sự “bình mới, rượu cũ”, thay sổ hộ khẩu bằng giấy xác nhận cư trú, thậm chí còn gây nhiều bất tiện hơn so với khi dùng sổ hộ khẩu giấy.
Việc cơ quan chức năng yêu cầu người dân phải xin giấy xác nhận cư trú khi làm thủ tục hành chính khiến công an phường xã bị quá tải. (Nguồn: Internet. Thanks.)
Nhưng có thật mọi sự cố đều do chưa liên thông đồng bộ được dữ liệu? Theo dữ liệu do Tổ đề án 06 của Chính phủ công bố hồi cuối tháng 2-2023, hiện nay chỉ còn 4 địa phương chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Gia Lai, Phú Yên, Thanh Hóa, và Bắc Kạn.
Bộ Công an cho biết, sổ hộ khẩu điện tử là phương thức quản lý thường trú của công dân trên mạng điện tử qua hệ thống phần mềm và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Trên hệ thống này, mỗi người có một mã định danh cá nhân độc nhất không trùng lắp, trong đó có đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, thường trú, quan hệ nhân thân,…
Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21-12-2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023 quy định rõ rằng giấy xác nhận cư trú chỉ là một trong 4 loại giấy tờ (có CCCD, CMND, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) có giá trị thay cho sổ hộ khẩu giấy. Văn bản của Nghị định này ghi rõ: “Bản sao của một trong các giấy tờ” đó.
Nếu nói các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính cho người dân cố ý “hành” dân thì có phần quá đáng. Có lẽ chủ yếu ở đây do họ ngán ngại mất công vào mạng truy xuất dữ liệu, đồng thời sợ bị quy trách nhiệm nên chọn cái nào khỏe và an toàn cho mình hơn.
Mà thực tế, do chưa thể liên thông đầy đủ, chưa thể khia thác được các dữ liệu trong CSDL quốc gia nên cán bộ cơ sở không thể nào xác định được đầy đủ nhân thân của người dân. Chẳng hạn liệu nơi thường trú ghi trên các thẻ CCCD cấp khá lâu rồi giờ có biến động không, mối quan hệ giữa các người dân trong hộ ra sao. Trong khi đó, mẫu giấy xác nhận cư trú CT07 có đầy đủ các thông tin, giống như một “giấy hộ khẩu”, giúp cán bộ cơ sợ an tâm và thỏa các yêu cầu theo thủ tục.
Rõ ràng, thực tế vẫn còn vướng. Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan. Nhưng cho đến nay, các thủ tục “dưới nghị định” do các bộ ngành, địa phương ban hành vẫn chưa được sửa đổi. Trong Công văn số 1472/VPCP-KSTT “về việc công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện TTHC có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú” do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ký ngày 9-3-2023, Văn phòng Chính phủ đã liệt kê 48 danh mục các thông tư, quyết định cần rà soát, sửa đổi liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú. Ngoài ra là danh mục 267 thủ tục hành chính có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc giấy xác nhận cư trú được yêu cầu rà soát để bãi bỏ. Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành địa phương phải hoàn thành quy trình nội bộ bãi bỏ yêu cầu nộp hộ khẩu, cư trú trước ngày 20-3-2023.
Có lẽ, giải pháp cần kíp để có thể tháo gỡ đoạn trường xác nhận cư trú của công dân sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy là có sự chỉ đạo và thi hành quyết liệt, kết hợp kiểm tra chặt chẽ, từ Chính phủ, Bộ Công an và các bộ ngành khác, cũng như UBND cấp tỉnh thành. Chỉ đạo cụ thể, rõ ràng rằng có thể thay thế sổ hộ khẩu giấy, chứng thực cư trú bằng một trong các phương thức và giấy tờ theo quy định. Không thể chỉ vì cái chuyện không đáng xảy ra này mà gây ảnh hưởng tới công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, vừa không thật sự hữu ích cho người dân, vừa dễ khiến người dân giảm tin tưởng.
Vấn nạn xác nhận cư trú hậu sổ hộ khẩu chỉ có thể được giải quyết thật sự nếu như các cơ quan chức năng khi cần thiết thì tự mình có trách nhiệm xác minh hiện trạng cư trú của người dân chứ không nên tiếp tục đẩy cái khó cho người dân nữa. Thủ tướng đã có chỉ đạo cụ thể, hy vọng cấp dưới tuân hành, có gì thì tháo gỡ ngay, trên hết là vì sự tiện lợi cho người dân và sự thông thoáng nhưng vẫn bảo đảm an toàn, đúng pháp luật cho các thủ tục hành chính.
- Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 11-3-2023 và trên báo NLĐ Online.
ANH PHÚC