Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Nông dân có lương hưu

Từng có một thời người ta đua nhau nói về công nghệp hóa nông nghiệp, sản xuất lớn, khi mấy bác nông dân trở thành những công nhân nông nghiệp. Mà hễ là công nhân thì khi bệnh có bảo hiểm y tế, lúc già có chế độ nghỉ hưu và ăn lương hưu.

Không phải tranh cãi gì, lương hưu cho nông dân quả là rất cần thiết cho bản thân người làm nông nghiệp sau một đời làm ra lương thực cho xã hội nói riêng, mà nói chung là đem lại nhiều lợi ích cho cả xã hội. Nhưng với đặc thù của Việt Nam và làm nông nghiệp truyền thống, liệu có cách nào để người nông dân vẫn được bảo hiểm và rồi cũng có lương hưu không? Câu trả lời nhanh và luôn là hoàn toàn có. Thậm chí đó chính là chủ trương, chính sách của Nhà nước nữa kìa.

Chuyện này rất được cộng đồng quan tâm. Vào cuối tháng 6-2023, tìm kiếm trên Google Tìm Kiếm với từ khóa tiếng Việt “lương hưu cho nông dân”, chúng tôi ghi nhận có tới khoảng 31,2 triệu kết quả. Còn với từ khóa tiếng Anh “farmer’s pension”, Google Search cho thấy có khoảng 45,2 triệu kết quả.

Theo cơ quan ngôn luận của Hội Nông dân Việt Nam, hiện nay, số người dân sống ở nông thôn Việt Nam chiếm khoảng 65% tổng dân số, trong đó chủ yếu là nông dân – một lực lượng đông đảo, bao gồm những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (gồm cả lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp), trực tiếp sử dụng một tư liệu sản xuất cơ bản và đặc thù, gắn với thiên nhiên là đất, rừng và biển để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, hoặc tham gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ của gia đình (đơn vị kinh tế tự chủ hoặc tập thể). 65% trong dân số hiện tại của Việt Nam (theo trang danso.org vào ngày 25-6-2023 có hơn 99,6 triệu người) mà được bảo đảm an sinh xã hội cả khi đang tuổi lao động lẫn trong lúc về già thì quả là “ơn Giời, hạnh phúc là đây chứ đâu”.

Anh Nguyễn Văn Minh (Bắc Ninh) hỏi: “Tôi năm nay 35 tuổi, làm nông nghiệp, xin cơ quan BHXH hướng dẫn cho tôi biết cách nào để tôi được hưởng lương hưu?”

Và đây là trả lời trên trang Thư viện Pháp luật: Điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (Luật số 58/2014/QH13 do Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 20-11-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) là bỏ quy định tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương cơ sở để phù hợp khả năng tham gia của người dân. Điều này đã tạo cơ hội cho nông dân và lao động tự do tham gia nhiều hơn để nhận lương hưu – trợ cấp lúc về già. Cụ thể, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc diện áp dụng của pháp luật về BHXH bắt buộc. Mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Mặt khác, luật quy định người tham gia có thể lựa chọn phương thức đóng BHXH tự nguyện một cách linh hoạt, người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ BHXH tự nguyện. Do đó, khi đã đủ điều kiện đóng BHXH 20 năm trở lên và đủ tuổi về hưu, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu, chế độ tử tuất và các quyền lợi khác tương đương với người đóng BHXH bắt buộc.

(Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).

Trong một cuộc trả lời báo chí, bà Đinh Mai Hạnh, lúc đó là Phó Trưởng ban Quản lý Thu – Sổ, thẻ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đã nêu ra 6 lợi ích khi người dân tham gia BHXH tự nguyện:.

Một là, khi đến tuổi nghỉ hưu (từ đủ 60 tuổi cho nam và 55 tuổi cho nữ) và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, người tham gia sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng.

Hai là, những người này sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để khám chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu.

Ba là, nếu người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.

Bốn là, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với Quỹ BHXH.

Năm là, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa 10 năm.

Sáu là, thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.

Thực tế, do lương hưu là một nhu cầu thiết thân nên nhiều năm trước khi có hình thức BHXH tự nguyên mà người nông dân và lao động tự do có thể tham gia một cách chính thức để hưởng chính sách được luật quy định hẳn hòi, một số địa phương đã có những sáng kiến lập ra những quỹ lương hưu tự phát cho nông dân.

Chẳng hạn tại xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai, Hà Nội), vào năm 2011, quỹ lương hưu nông dân xã đã chính thức được thành lập sau gần 10 năm thử thách. Theo tác giả Tâm Lê trên báo Tuổi Trẻ, quỹ hưu này được người dân đóng và các thôn đóng thêm bằng tiền thanh lý đất xen kẹt, bỏ hoang. Với hai hình thức đóng quỹ: mỗi thành viên đóng 20.000 đồng/tháng và đóng trong 20 năm, hoặc đóng một lần 4,8 triệu đồng. Ai không đủ tiền đóng có thể vay quỹ tín dụng xã. Tiền quỹ hưu được gửi vào ngân hàng lấy lãi chi lương cho bà con. Khi đủ 60 tuổi, thành viên tham gia bắt đầu nhận lương hưu. Ban đầu số tiền mỗi người nhận là 100.000 đồng/tháng, sau lên 350.000 đồng, mức cao nhất là 400.000 đồng/tháng. Vào năm 2014, số thành viên tham gia quỹ đã hơn 1.000 người, cả già lẫn trẻ. Trong đó, 700 người đến tuổi được hưởng lương hưu. Tổng quỹ hưu lúc cao nhất gần 50 tỷ đồng. Xã Thanh Văn giữ kỷ lục cả nước về quỹ lương hưu nông dân. Đáng tiếc là, cuối năm 2016 đầu 2017, huyện Thanh Oai trong đợt thanh tra kiểm tra về quản lý sử dụng đất ở xã Thanh Văn đã kết luận về việc xã bán đất trái thẩm quyền. Hậu quả là huyện đã thu hồi toàn bộ tiền quỹ hưu nông dân của xã, sau đó đã trả lại cho bà con nông dân số tiền mà họ đã đóng. Tuy nhiên, còn khoảng 33 tỷ đồng vẫn nằm im ở huyện tới nay (hạ tuần tháng 6-2023) vẫn chưa được giải quyết. Đáng chú ý là Thường vụ Thành ủy Hà Nội sau khi về Thanh Văn khảo sát đã nhận định trong Kết luận 759 rằng: “Quỹ nông dân có lợi cho bà con, đề nghị UBND huyện và xã Thanh Văn có giải pháp để giải quyết quỹ này”.

Xưa hơn nữa là quỹ lương hưu nông dân ở Thôn Ất, Xã Hợp Lĩnh (nay là Phường Hợp Lĩnh, TP. Bắc Ninh, Bắc Ninh) mà đến nay vẫn hoạt động. Năm 1992, Thôn Ất là một xóm nhỏ, dân nghèo đến độ giáp hạt là thiếu hụt đã bắt đầu triển khai sáng kiến “an sinh nhờ hạt thóc” từ việc xây dựng quỹ lương hưu cho nông dân do ông Nguyễn Văn Khoan, một cán bộ tuyên huấn vừa nghỉ hưu, khởi xướng. Chi hội của Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực động viên hội viên của mình gương mẫu tham gia. Mỗi nông dân đóng tổng cộng 100kg thóc, đóng trong vòng 10 năm, đến năm 60 tuổi sẽ được nghỉ hưu và hưởng lương. Người từ 18 tuổi trở lên có thể tham gia, đóng xong quỹ thì được hưởng lãi, chờ hưu. Người 50 tuổi trở lên được khuyến khích đóng luôn 100kg thóc. Năm 1994, quỹ hưu chuyển từ thu thóc sang thu tiền. Tiền thu của quỹ hưu được gửi vào ngân hàng, hằng năm sẽ chi hưu và lãi cho bà con. Ai cần vay để tăng gia sản xuất sẽ được vay và trả lãi như ngân hàng. Hiện nay số thành viên quỹ hưu tới 570 người (chiếm 60% nhân khẩu của Khu Ất). Có 127 nông dân đang hưởng lương hưu, 356 người hưởng lãi, số còn lại đang chờ hưu. Lương hưu được tính theo thời giá.

Cũng có những nông dân về hưu được nhận lương hưu cao nhờ họ từng được tham gia BHXH bắt buộc với tư cách công nhân nông nghiệp khi các nông trường mà họ làm chuyển đổi thành loại hình công ty sản xuất nông nghiệp. Tất nhiên số này không nhiều.

Có cái khó mà có thể để lại “di chứng” về lâu về dài là tỷ lệ người đóng BHXH ở Việt Nam chưa tốt lắm. Mặc dù số lượng có tăng, nhưng  không cao. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9-2022, có trên 17,08 triệu người tham gia BHXH, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng khoảng 537.000 người so với cuối năm 2021; gần 87,4 triệu người tham gia BHYT đạt 88,4% dân số; trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 28,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 627.000 người với cuối năm 2021. (Đến hết tháng 1-2023, số người tham gia BHXH trên cả nước là 17,271 triệu người, tăng 646.000 người so với cùng kỳ năm 2022. Bảo hiểm y tế có hơn 88,9 triệu người tham gia, tăng 4,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Trong mấy năm gần đây, tình hình kinh tế suy giảm và nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong và sau đại dịch toàn cầu COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ cho việc tham gia BHXH.

BHXH nói chung đã như vậy thì BHXH tự nguyện còn nhiều gian truân hơn. Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 3-6-2022, số tham gia BHXH tự nguyện trên cả nước là trên 1,3 triệu người, tăng 170,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 6-2022 do BHXH Việt Nam tổ chức ngày 7-6-2022, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ, cho biết: còn khoảng 17 triệu nhóm người tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Ngay tại địa phương lớn nhất nước là TP.HCM, theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn giai đoạn 2017–2021 ngày 16-11-2022 của BHXH TP.HCM, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng từ 8.283 người năm 2017 lên 51.401 người năm 2021. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu của năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ còn 30.170 người, giảm tới 21.231 người so với năm 2021. Nếu so với 4,9 triệu lao động tại TP.HCM, số người tham gia BHXH tự nguyện hiện chỉ chiếm 0,6% lực lượng lao động.  

Vì thế, để có thêm nhiều nông dân tham gia BHXH tự nguyện để được bảo đảm các chế độ phúc lợi và sau này có lương hưu, các nhà chuyên môn nói rằng cả hệ thống chính trị cần phài tham gia thúc đẩy công tác này. Vừa tăng cường và có hiệu quả hơn nữa các phương thức thông tin – tuyên truyền sâu rộng hơn cho người dân hiểu rõ những lợi ích của BHXH tự nguyện; vừa có những giải pháp thiết thực và cần thiết để hỗ trợ người dân có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện.

Thủ đô Hà Nội đã nhập cuộc. Để hỗ trợ phát triển đối tượng tham gia, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2022 của HĐND TP Hà Nội quy định mức hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người tham gia BHXH tự nguyện là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1-1-2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1-1-2018 trở đi; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người lao động giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương; thành viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình.

Theo tác giả Thy Lê trên cơ quan ngôn luận của Liên minh HTX Việt Nam, đa phần nông dân là lao động phi chính thức, bởi vậy việc được tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu khi về già là rất ít. Vì vậy, một trong những mục tiêu về mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội là giúp người nông dân được tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước để bảo đảm cuộc sống khi về già.

Bà Trần Thị Đào, 64 tuổi, thành viên của quỹ lương hưu nông dân Khu Ất (Bắc Ninh), nói rằng: “Lương hưu nông dân hay mà, tuổi già cũng đỡ lo.” Chắc hẳn đó cũng là nỗi niềm và tâm tư mong ước của các nông dân truyền thống ở Việt Nam.

Bài đã được in trên Tạp chí Nông Thôn Việt số 90 tháng 7-2023

PHẠM HỒNG PHƯỚC