Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Luật Viễn thông (sửa đổi) giúp chống SIM rác, bảo vệ người dùng hữu hiệu hơn

Những điều mà người dân kỳ vọng là Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ giúp tăng cường công cụ pháp lý để chống tệ nạn SIM rác, các cuộc gọi và tin nhắn xấu, bảo vệ thông tin cá nhân hữu hiệu hơn.

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều đã được thông qua ngày 24-11-2023 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với 468/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,7%). Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Riêng trường hợp quy định về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet tại Điều 28 và Điều 29 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

Luật Viễn thông (sửa đổi) mới này tiếp tục bổ sung, sửa đổi cho Luật Viễn thông gốc (Luật Viễn thông số 41/2009/QH12).

Trả lời báo chí, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết Luật Viễn thông (sửa đổi) mới này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông và bảo đảm an toàn, an ninh mạng viễn thông trong thời gian tới.

(Ảnh: Internet. Thanks.)

Luật Viễn thông (sửa đổi) đã có những quy định chặt chẽ để xử lý vấn nạn SIM rác, cuộc gọi và tin nhắn xấu, lộ lọt thông tin cá nhân người dùng.

Với chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà cứ dây dưa là SIM rác, Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác; cũng như biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao viễn thông vi phạm pháp luật về viễn thông.

Lâu nay, chúng tôi đã nhiều lần nói đến trách nhiệm không thể tránh né của các nhà mạng trong vấn nạn SIM rác, nội dung thông tin xấu và độc hại mà người dùng phải gánh chịu dai dẳng. Kêt quả các cuộc thanh tra vừa qua cũng bộc lộ rõ cái “nguồn cội” này. Rõ ràng, gần đây, với sự quyết liệt từ Bộ TT-TT, các nhà mạng phải chịu nhập cuộc, tình hình giảm đi rõ rệt. Chỉ có điều, với những quy định, ràng buộc trách nhiệm hiện hành, chuyện vẫn chưa đi đến nơi đến chốn.

Tất nhiên, những chuyện “xấu” trong hoạt động viễn thông còn có trách nhiệm của người sử dụng. Vì thế, Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của thuê bao viễn thông. Cụ thể, người dùng không được sử dụng thông tin trên giấy tờ tùy thân của mình để ký hợp đồng dịch vụ viễn thông cho người khác, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật; và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng số thuê bao viễn thông mà mình đã ký hợp đồng.

Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định rõ doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, trừ các trường hợp người sử dụng đó đồng ý cung cấp thông tin hoặc để phục vụ cho việc tính giá, lập hóa đơn, xử lý hành vi trốn tránh thanh toán cước hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Lẽ đương nhiên, luật chỉ là hành lang và cơ sở pháp lý. Còn việc thực hiện luật ra sao luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan: cơ quan nhà nước, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và người sử dụng. Tuy vậy, trong thực tế, 2 bên là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp viễn thông vẫn phải thực thi triệt để trước tiên.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 29-11-2023 và trên báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN