Thứ Sáu ngày 15 tháng 11 năm 2024

Đâu cứ cần phải có smartphone mới lên được 4G

Việt Nam đang trong những ngày nước rút cuối cùng để chính thức bước vào lộ trình tắt sóng di động 2G. Theo lộ trình mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố hồi tháng 7-2024: ngày 16-9-2024, hệ thống 2G của các nhà mạng sẽ ngừng kết nối với các điện thoại chỉ hỗ trợ 2G (2G Only). Và hai năm sau, ngày 15-9-2026, mạng 2G chính thức bị “khai tử” ở Việt Nam.

Trong số hơn 10 triệu thuê bao 2G đang hòa mạng mà các nhà mạng báo cáo, không rõ có bao nhiêu dùng thiết bị 2G Only, loại sẽ trở thành “cục gạch” thật sự không còn kết nối mạng được nữa từ ngày 16-9-2024. Nhưng chắc chắn không nhỏ, chủ yếu là những người lớn tuổi, người lao động ở các vùng nông thôn, vừng sâu, vùng xa mà trước nay không chỉ “yếu thế về công nghệ” mà thực tế chỉ có nhu cầu nghe gọi và nhắn tin SMS.

Đã có những ý kiến lo rằng sẽ không có đủ điện thoại 4G để thay thế đúng lộ trình. Nhưng phải nói thẳng, nếu thật sự có tình trạng này, lỗi ở các nhà mạng là chính, kế đó là chính quyền các địa phương. Vì chủ trương tắt sóng 2G mang tầm cỡ quốc gia đã có từ lâu và Bộ TT-TT đã có nhiều hướng dẫn cụ thể việc triển khai.

Trong thời gian gần đây, có những chuỗi bán lẻ điện thoại như FPT Shop, Di Động Việt,… đã đưa ra những chương trình hỗ trợ người dùng 2G lên đời 4G. Có những hãng điện thoại cũng chuẩn bị điện thoại phục vụ cho cơ hội kinh doanh hiếm có này. Như hồi giữa tháng 6-2024, ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng Giám đốc HMD Việt Nam, cho biết thương hiệu Nokia đã chuẩn bị sẵn 1 triệu chiếc điện thoại chức năng hỗ trợ 4G. Sau đó, tùy tình hình thực tế mà hãng sẽ nhận thêm thiết bị.

Điện thoại chức năng Nokia 105 4G có giá dưới 1 triệu đồng.

Có những người lo ngại rằng việc chuyển từ điện thoại chức năng 2G lên 4G cần phải có smartphone vừa đắt tiền hơn, vừa có nhiều tính năng gây khó khăn cho những “người của 2G”.

Thật ra, vào thời điểm này, trên thị trường đang có nhiều mẫu smartphone 4G có giá thấp, dưới 2 triệu đồng. Đồng thời, có không ít mẫu điện thoại “cục gạch” (điện tnoại chức năng – feature phone) cùng loại như các điện thoại 2G nhưng lại hỗ trợ mạng 4G. Chúng cũng có bàn phím cơ, nhỏ gọn như điện thoại 2G, nhưng còn có thể truy cập vào các mạng xã hội như Facebook, YouTube,… Có nghĩa là với những chiếc điện thoại chức năng 4G này, người dùng vẫn có thể thao tác như với điện thoại 2G, không chỉ tiếp tục gọi điện, nhắn tin SMS mà lại còn có thể giải trí, liên lạc kiểu mới qua mạng xã hội (thậm chí video call). Đặc biệt, với những mẫu điện thoại chức năng 4G “cao cấp” có giá khoảng 1,7 triệu đồng, người dùng có thể kết nối Wi-Fi tốc độ cao, kết nối Bluetooth, cập nhật email, duyệt web và trải nghiệm các công cụ quen thuộc trên smartphone như Google Maps hay trợ lý ảo Google Assistant.

Giá bán của những mẫu điện thoại chức năng 4G này có thể chỉ từ 600.000 đồng (cho các thương hiệu lớn) hay chỉ từ 400.000 đồng (cho những thương hiệu nhỏ).

Thực tế, một khi các nhà mạng di động chịu kết hợp chặt chẽ và linh hoạt với các hãng điện thoại và các nhà phân phối, các chuỗi bán lẻ điện thoại, chuyện thiết bị phục vụ cho chủ trương 2G lên 4G ắt được xử lý tốt đẹp có lợi cho tất cả các bên. Đâu có cần nói tới khía cạnh trách nhiệm của các nhà mạng đối với các thuê bao 2G của mình.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Tư 28-8-2024 và trênb báo NLĐ Online.

HOÀI XUÂN