Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Người duy nhất có thể chịu đựng nổi Trung Quốc là chính… Trung Quốc

140516-hocosnh-phanhuychu-hanoi-xêphinh

Hơn 1.000 học sinh trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú (Hà Nội) ngày 16-5-2014 sếp thành hình bản đồ Việt Nam.

 

 

Xin nói ngay chẳng phải tôi nói được cái câu chí lý như vậy đâu. Đó là lời của Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, nói với báo giới quốc tế tại Manila (Philippines) ngày 23-5-2014. Nguyên văn lời ông này nói mà hãng tin Mỹ AP cùng ngày đưa lại như sau: “In my opinion, the only person that can contain China, is China.” (Theo ý tôi, người duy nhất có thể chịu đựng nổi Trung Quốc là chính Trung Quốc.”

131209-A-WQ644-032

Đô đốc Samuel Locklear sang thăm Việt Nam tháng 12-2013.

Còn nếu mà là tôi nói à nghen thì tôi sẽ xin thay một chữ Trung Quốc thành: “người duy nhất có thể chịu đựng nổi Bắc Kinh là chính Trung Quốc.” Chơi chữ chút chút với mấy cụ “thâm nho” đang tự biến mình thành “nho thâm” thôi. Thiệt ra, cái chính là tôi chủ trương chơi sòng phẳng, đâu ra đó, oan có đầu, nợ có chủ. Không thể lẫn lộn giữa nhà cầm quyền Bắc Kinh chỉ có một nhóm người với nhân dân Trung Quốc tới 1,3 tỷ người (tất nhiên là phải trừ ra hầu hết các quan chức cầm quyền bính). Tôi tin rằng chẳng có bao nhiêu người dân Trung Quốc đồng tình với chuyện đi gây hấn, khơi mào lửa chiến tranh với nước láng giềng đâu. Tối qua đọc trang điện tử của báo Lạng Sơn của tỉnh địa đầu Lạng Sơn (nơi giáp Trung Quốc và có các cửa khẩu Hữu Nghị, Tam Thanh,…), tôi thấy các bạn đồng nghiệp của mình viết rằng “lao động Trung Quốc tập trung vào công việc họ coi như không có gì xảy ra, có kỹ sư còn khẳng định đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế nước khác là sai, nhưng đấy là câu chuyện của Chính phủ, họ không quan tâm, còn người dân Trung Quốc không ai muốn chiến tranh, họ quan tâm là làm thế nào để giàu mà thôi.” (http://baolangson.vn/tin-bai/Van-hoa-xa-hoi/viet-tu-bien-gioi-/30-30-65256).

Trong cuộc tiếp xúc với báo giới này, Đô đốc Mỹ Locklear cảnh báo chỉ cần một sự tính toán sai lầm là có thể làm bùng nổ một cuộc xung đột rộng hơn trong cuộc đối đầu tranh chấp lãnh thổ căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Ông nói: “Tôi có những mối quan ngại nghiêm trọng. Nguy cơ của sự tính toán sai lầm, tôi nghĩ là cao và chúng ta phải động viên cả hai bên họ cố gắng kiềm chế.” (“I have serious concerns,” Locklear told reporters. “The risk of miscalculation, I think, is high and we encourage them both to exercise restraint.”). Ông Locklear mong muốn hai bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên nền tảng luật pháp quốc tế.

Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dưong cũng kêu gọi các nước Đông Nam Á và Trung Quốc khẩn trương soạn thảo một bộ “quy chế ứng xử” có đầy đủ tính pháp lý để ngăn ngừa các cuộc tranh chấp lãnh thổ khỏi bị đẩy thành xung đột vũ trang có thể đe dọa các nền kinh tế đang chộn rộn của khu vực này.

Của đáng tội, các nhà ngoại giao Đông Nam Á trước nay vẫn cáo buộc Trung Quốc trong khi tìm cách câu giờ, trì hoãn việc bắt đầu các cuộc thương thảo cho một hiệp định không gây hấn và xâm lấn nhau như thế, họ lại cố gắng củng cố sự kiểm soát của mình ở các vùng lãnh thổ có tranh chấp.

Là một người cùng họ (không có bà con đâu), tôi cảm thấy nhẹ lòng một chút khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chính thức được rửa oan trong cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức chiều 23-5. Theo những gì trên giấy trắng mực đen được chính thức công bố lần đầu, công thư năm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ ghi nhận và tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, không có một từ nào nhắc tới Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi không hiểu Bắc Kinh có một bản khác của công thư này hay chăng? Nhưng bất luận cho dù trong công thư đó có “công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa” như Bắc Kinh lâu nay bám riết thì theo luật tài phán quốc tế, nó cũng chẳng hề có giá trị. Bởi thời phong kiến, các triều đại Việt Nam đã thực thi quyền làm chủ của mình trên các đảo này. Cụ thể là Đội Hoàng Sa (hay Hải đội Hoàng Sa) là đội tàu chính quyền Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ thế kỷ 17 với mục đích ban đầu là hàng năm đi thuyền từ Quảng Ngãi ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để khai thác hải sản. Tới thời đô hộ Việt Nam dài cả thế kỷ, thực dân Pháp quản lý cả 2 quần đảo này. Theo hiệp định Geneva 1954, mà Trung Quốc là một trong những bên ký kết, phần lãnh thổ Việt Nam phía dưới vĩ tuyến 17 được trao cho chính quyền của miền nam là Việt Nam Cộng hòa quản lý. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì lẽ đó do Việt Nam Cộng hòa làm chủ. Việt Nam Cộng hòa cho tới trước 1975 là một nhà nước thật sự, có quan hệ ngoại giao với 85 quốc gia; tuy chưa là thành viên Liên Hiệp Quốc (dù vào năm 1957 đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 40 phiếu thuận và 8 phiếu chống, nhưng do Hà Nội lúc đó không muốn gia nhập LHQ với Saigon nền Liên Xô dùng quyền của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ phủ quyết đơn của Saigon), nhưng là thành viên của các tổ chức và ủy ban của LHQ. Nghĩa là được quốc tế công nhận, ngang quyền và vị thế với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền bắc. Vì lẽ đó, làm sao có chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng có thể “tặng cho” Trung Quốc lãnh thổ của nước khác? Ngay tới con nít cũng hiểu rõ một chân lý tối thiểu là mình chẳng thể cho người khác cái không thuộc về mình (ít nhất là vào thời điểm đó). Mà nếu nhận được món quà như vậy, người nhận tin được thì cũng là chuyện chỉ có ở… “nơi đó”.

Có lẽ có người viện luận rằng biết đâu chừng hồi đó Hà Nội có hứa hẹn với Bắc Kinh (coi như quà tri ân hay đổi chác gì đó) là mấy ông giúp tôi chiến thắng, tôi sẽ trao 2 quần đảo đó cho mấy ông. Ông Địa ơi, làm vậy có mà chết với làng nước, nhân dân của mình. Hơn nữa, nhà lãnh đạo miền Bắc hồi đó là ông Lê Duẩn vốn là một người quá hiểu dã tâm của Bắc Kinh và luôn làm Trung Nam Hải “ngứa con mắt bên trái, xốn con mắt bên phải”. Các sách tư liệu về cuộc Chiến tranh Việt Nam đều ghi rõ rằng Bắc Kinh luôn tìm cách kỳ đà cản mũi, ngăn cản Hà Nội “giải phóng miền nam”. Rõ ràng hơn nữa là năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vốn do quân đội Việt Nam Cộng hòa bảo vệ. Lúc đó, cả hai chính phủ song hành ở miền nam là Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều cực lực lên án hành động này của Bắc Kinh. Không hiểu khi hạ thủ như vậy, Bắc Kinh có học luật quốc tế không (mà thiệt ra từ nhiều ngàn năm trước, các triều đại nhà Hán nào có sá chi luật lệ của thiên hạ mà tự coi mình mới là người duy nhất có thể viết luật lệ buộc thiên hạ tuân theo). Chứ theo luật quốc tế, kể cả luật lẫn thông lệ, chẳng ai công nhận chủ quyền đối với một lãnh thổ có được do đánh chiếm (tất nhiên nếu chủ nhân đầu hàng giao nộp lại là chuyện khác).

Chuyện trắng đen nó là như vậy. Xin nói rõ trắng đen đây là “phân minh, rạch ròi” chớ hỗng có dính líu chi tới cái thuyết “mèo trắng, mèo đen” của ông Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc nổi tiếng với câu nói: “mèo trắng hay mèo đen không quan tâm, miễn bắt được chuột là được”. Tôi chỉ buồn buồn và chậm hiểu hà cớ gì mà người ta không sớm công bố sự thật giấy trắng mực đen để bao năm nay ông Phạm Văn Đồng bị hàm oan theo cách diễn dịch của Bắc Kinh “méo như miệng thằng mõ làng trên bị trúng phong”. Cũng hên là xưa nay tôi chủ trương không lạm bàn về chính trị, chuyện từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây vốn dĩ phức tạp và nhạy cảm mà tôi hiểu mình không có năng lực và năng khiếu, nên chớ hề ném cho người cùng họ với mình một “viên đá” nào, cho dù là đá bào lấy từ tủ lạnh.

Thôi nhé, chuyện nay đã rõ. Cầu mong linh hồn ông thanh thản an nghỉ. Con cháu ông đang phải tiếp tục căng mình ra để bảo vệ non sông gấm vóc mà tổ tiên đã để lại.

140504-china-ship-water-canon-vn-ship-reuters

Ảnh của hãng tin Anh Reuters cho thấy tàu Trung Quốc đang bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam hồi thượng tuần tháng 5-2014 trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lần này thì “mèo trắng, mèo đen” đã rõ ràng trước thanh thiên bạch nhật và bàn dân thiên hạ. Bắc Kinh đã tung bài ngửa và bộc lộ dã tâm của mình theo truyền thống cuồng chiếm lãnh thổ thiên hạ. Những gì họ đã “hữu hảo” với các nước láng giềng hóa ra chỉ là kế sách nằm trong ý đồ lâu dài của họ. Chẳng ai còn mơ hồ gì nữa đâu (còn mơ hồ thì chỉ có nước bán cả lúa giống mà thôi). Thực tế mà nói, từ năm 1974 tới nay, Trung Quốc đã 4 lần ra tay với Việt Nam (năm 1974 đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1979 tấn công biên giới phía Bắc của Việt Nam và hỗ trợ cho Khmer Đỏ tấn công biên giới Tây Nam của Việt Nam, 1988 đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và lần này ngang nhiên đưa giàn khoan Haiyang 981 vào lãnh hải Việt Nam). Phàm thì là mà rằng người ta chỉ cần quá tam 3 bận là đủ để mọi chuyện ngã ngũ. Từ nay chớ có ai nhắc tới “mấy cái tốt, mấy chữ vàng” nữa kẻo cả người nói lẫn kẻ nghe đều khó xử. Cứ để cho tình cảm thật sự giữa hai dân tộc nó phát triển, chỉ cần nhà cầm quyền các nước láng giềng làm sao thì làm để giúp cho tình cảm này có nền tảng mà phát triển tốt đẹp và lâu bền.

Như tôi trước nay vẫn thưa chuyện cùng bạn bè: người Việt mình xưa nay chỉ kiên cường bảo vệ lãnh thổ, cho dù phải hy sinh máu xương, nhưng chẳng bao giờ gây hấn, chống phá ai. Đó không chỉ là truyền thống nhân đạo và hiếu hòa của dân tộc Việt từ thời dựng nước, mà còn là một “nghệ thuật biết để sống” của một nước nhỏ nằm ngay sát bên một nước khổng lồ. Trong khi không đời nào khuất phục cho phép Bắc Kinh muốn làm gì thì làm đối với chủ quyền lãnh thổ của mình, chúng ta vẫn “tình thương mến thương” với người dân Trung Quốc như những người láng giềng “thiên định” của nhau. Cho dù vì lẽ gì mà cô hàng xóm không thân thiện, ta cũng chẳng nhỏ mọn mà đem lòng thù ghét khi hai người vẫn phải ngủ chỉ cách nhau có một tấm vách lá. Tin tôi đi, chẳng có sự lựa chọn nào khác đâu!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-5-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.