Thực hư chuyện Trung Quốc nghiên cứu phát triển tàu ngầm siêu thanh có tốc độ 3.600 dặm/giờ
Bạn ắt chưa quên Concorde, loại máy bay hàng không siêu thanh nhanh nhất thế giới của hãng hàng không Air France (Pháp) và British Airways. Bắt đầu phục vụ từ tháng 1-1976, và về hưu tháng 11-2003, ròng rã suốt 27 năm, loại máy bay này có tốc độ lên tới 1.320 dặm/giờ (2.124km/g).
Vậy mà cái tốc độ bay như xé gió đó vẫn chẳng nhằm nhò gì so với tốc độ của loại tầu ngầm siêu thanh (supersonic submarine) mà Trung Quốc đang phát triển. Theo trang báo Boldride (6-9-2014), về lý thuyết, tàu ngầm này có thể chạy với vận tốc 3.600 dặm/giờ (5.793km/g). Với tốc độ đó, tàu ngầm xuất phát từ Thượng Hải (Trung Quốc) lặn một hơi băng Thái Bình Dương rồi trồi lên ở thành phố San Francisco (Mỹ) chỉ mất chưa tới 2 giờ.
Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) vừa cho báo Hồng Kông South China Morning Post biết rằng họ đang nghiên cứu một hiện tượng gọi là “siêu bong bóng” (supercavitation) để dùng trong lực đẩy của tàu ngầm. Về lý thuyết, công nghệ này sẽ giúp đẩy tốc độ di chuyển dưới nước lên tới 3.600 dặm/giờ.
Bạn sẽ thấy tốc độ đó khủng khiếp tới chừng nào khi biết tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ hoạt động từ năm 1981 tới nay chỉ có tốc độ tối đa là 29 dặm/giờ.
Thật ra, sau khi báo Hồng Kông đưa tin này đầu tiên hồi hạ tuần tháng 8-2014, giới khoa học gia Mỹ đã cười ồ lên nói rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc quả là “chém gió thiên hạ vô đối”. Hiện tượng này suốt nhiều thập kỷ nay đã được các chuyên gia vũ khí Mỹ, Đức, Nga và Iran tập trung nghiên cứu, chủ yếu để phát triển các loại ngư lôi. Nhưng cho tới nay đã có một số hỗn độn về kỹ thuật. Nhà khoa học Li Fengchen của Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân nói rằng phương pháp của Trung Quốc khác hẳn các cách tiếp cận khác đối với hiện tượng này.
Hiệu tượng siêu bong bóng này xảy ra khi những bong bóng khí tí hon được tạo ra bởi sự chuyển động của một vật thể rắn trong nước hợp lại với nhau trở thành một bong bóng khí lớn bao vây quanh chính vật thể đó. Nhờ đó, sức trì cản của nước được loại bỏ và cho phép vật thể đó di chuyển trong nước với tốc độ nhanh hơn.
Tuy nhiên, Giáo sư cơ học chất lưu Wang Guoyu nhấn mạnh rằng: “Kích thước của loại bong bóng khí đó khó kiểm soát lắm. Và con tàu hầu như không thể nào bẻ lái được.” Theo lý thuyết, con tàu cần phải được phóng với tốc độ khoảng 62 dặm/giờ trước khi hiện tượng “siêu bong bóng” đó có thể xảy ra. Đó lại là một thách thức.
Thôi thì cũng để coi các nhà khoa học Trung Quốc có thể làm được những gì? Tốt nhất cũng chẳng nên coi thường con cháu của Tần Thủy Hoàng! Các nhà khoa học Mỹ lo mà “tiếp chưởng” đi nhé!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 8-9-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.