Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

THẾ GIỚI 2015: Nặng nề với những “di sản” của năm trước

2014-2015-03

 

 

Ngày đầu tiên của năm mới 2015 bên cạnh pháo hoa vẫn nổ rợp trời như truyền thống mọi năm trên hành tinh, tuy ở nhiều nơi có giảm bớt quy mô, những bóng đen vẫn tiếp tục phủ trùm lên nhân loại.

Đêm đón Giao thừa 2015 đã biến thành một đêm kinh hoàng tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Vụ chen lẫn giẫm đạp lên nhau ở khu ngắm cảnh ven biển nổi tiếng với du khách thế giới đã khiến ít nhất 35 người chết và 43 người bị thương.

Ngày 31-12-2014, một quả đạn cối lạc giữa một cuộc bắn nhau giữa quân đội Afghanistan và lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban đã rơi trúng một ngôi nhà tại tỉnh Helmand ở miền nam, nơi đang diễn ra một đám cưới. Hậu quả thảm khốc với ít nhất 15 người chết và 45 người khác, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em bị thương.

Nhìn sang bên cạnh, đất nước Indonesia đang chìm trong không khí tang thương với thảm kịch chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia lâm nạn sáng sớm 28-12-2014 trên Biển Java giết chết toàn bộ 162 người có mặt trên máy bay, trong đó có tới 149 hành khách và 6 nhân viên phi hành là người Indonesia. Cho tới sáng 1-1-2015, lực lượng tìm cứu quốc tế chỉ mới tìm thấy thi thể 7 nạn nhân. Thời tiết quá xấu, sóng cao 2-3 mét, gió mạnh, mưa lớn làm cho công việc tìm cứu trở nên khó khăn.

Dịch bệnh chết người do virus Ebola bùng phát ở Tây Phi (tập trung ở 3 nước Guinea, Sierra Leone và Liberia) trong năm 2014 tuy giờ không còn cao điểm như trước, nhưng vẫn còn âm ỉ và ẩn chứa nhiều nguy cơ. Đây là loại virus giết người khủng khiếp, có tỷ lệ tử vong từ 25% tới 90%, bình quân là 50%. Tính tới ngày 29-12-2014, có 20.164 trường hợp nhiễm virus được ghi nhận chính thức, trong đó có 7.894 người chết. Virus này lây lan qua việc tiếp xúc với các chất dịch của người bệnh.

Trong khi đó, lực lượng Hồi giáo cực đoan tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” ISIS lộng hành ở Iraq và Syria trong năm 2014 đã trở thành mối đe họa của toàn cầu. Những phần tử cực đoan thuộc phái Hồi giáo Sunni này có mục tiêu thành lập “vương quốc Hồi giáo” được cai trị bằng phiên bản khắc nghiệt nhất của luật Hồi giáo Sharia trên khắp thế giới. Bọn quân “cờ den” này khét tiếng là dã man như thời Trung cổ, được ví như “quỷ đội lốt người”. Đi tới đâu, chúng thẳng tay tàn sát những người chống đối. Để có thể đối phó với ISIS, Mỹ đã cùng nhiều nước hình thành một liên minh chống ISIS. Giới bình luận quốc tế nhận định rằng điều cốt tử và rất nguy hiểm là ISIS không còn đóng khung ở một tổ chức mà đã phát triển thành một ý thức hệ Hồi giáo cực đoan chống các kẻ thù tôn giáo dưới hình thức Thánh chiến Jihad. Người ta ước tính có tới 11.000 hay 15.000 kẻ tình nguyện từ 74 nước trên thế giới đã tới Syria chiến đấu cho ISIS. Pháp, Đức và Anh là những nước có nhiều công dân trong hàng ngũ ISIS nhất. Sau thời gian “trui rèn”, bọn này khi quay trở lại nước mình sẽ trở thành những “quả bom nổ chậm” ngay trong lòng từng nước. Nhà chức trách Mỹ vừa báo động thủ đoạn mới của ISIS là sử dụng những phần tử khủng bố “sói cô đơn” hoạt động độc lập ở Mỹ để thực hiện những cuộc tấn công ngay trên nước Mỹ.

Một “di sản” nặng nề thứ ba mà năm 2014 để lại cho năm 2015 là cuộc khủng hoảng Ukraine gắn với việc Mỹ và phương Tây cấm vận Nga. Do bị quy trách nhiệm can dự vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, mà đỉnh điểm là việc Bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine tách khỏi nước này để sáp nhập trở lại nước Nga, Moscow đã bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt hàng loạt biện pháp phong tỏa và cấm vận kinh tế. Hậu quả là quan hệ giữa Nga và phương Tây vốn căng thẳng càng thêm tồi tệ. Trong khi đó, không ai có thể phủ nhận được vai trò của Nga, cụ thể là của Tổng thống Vladimir Putin, trên bàn cờ quốc tế. Tất nhiên, giải pháp tốt cho tất cả là Ukraine không nghiêng ngả sang bên nào hết. Thực tế là Nga sẽ không thể chấp nhận có thêm một nước NATO nằm ngay sát nách mình. Nhưng mới đây, Nghị viện Ukraine đã hủy bỏ quy chế trung lập, mở đường cho nước này gia nhập EU và cả NATO.

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc lại đem tới nhiều bất an cho thế giới khi Bắc Kinh lộ rõ những tham vọng chủ quyền đối với các nước láng giềng. Với ưu thế về tài chính, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự, Trung Quốc dường như chẳng còn biết kiêng dè gì nữa.

Tình hình giá dầu lửa rớt mạnh trong những ngày cuối năm 2014 sẽ có nhiều ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới trong năm 2015. Loài người lâu nay quá phụ thuộc vào các nguồn năng lượng khai thác từ lòng đất. Giá dầu thô đã giảm 40% kể từ mùa hè 2014 tới nay. Điều này gây thiệt hại nặng cho các nước xuất khẩu dầu, đặc biệt là các nước lâu nay sống chủ yếu dựa trên nguồn thu từ dầu lửa. Nền kinh tế các nước như Nigeria, Nga, Venezuela,… bị ảnh hưởng nặng vì giá dầu giảm. Cứ mỗi USD giá dầu thô giảm đi, Venezuela bị mất khoảng 700 triệu USD trong tổng thu nhập kinh tế. Trong khi đó, giá dầu giảm mạnh lại có lợi cho sự phát triển kinh tế và cuộc sống của hầu hết thế giới còn lại. Quỹ Tiến tệ Quốc tế (IMF) đánh giá rằng giá dầu mỏ giảm mạnh giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm gần 1%. Những người đi xe sẽ tiết kiệm được nhiều tiền xăng dầu. Chi phí và giá thành sản xuất và dịch vụ sẽ giảm.

Thế giới bước vào năm 2015 với ngổn ngang vấn đề kế thừa từ một năm 2014 đầy biến động và biến cố. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng các thế lực có trách nhiệm sẽ thể hiện được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng thế giới.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-1-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.