THẢM KỊCH CHUYẾN BAY QZ8501 LÂM NẠN: Ngày thứ 10, có khả năng phát hiện được phần đuôi máy bay
Ngày 6-1-2015 là ngày thứ 10 sau khi chuyến bay AirAsia QZ8501 lâm nạn sáng Chủ nhật 28-12-2014 trên Biển Java (Indonesia) với 162 người trên chiếc máy bay Airbus A320-200.
Vào lúc 15g20, ông Supriyadi, giám đốc hoạt động tìm cứu ở Pangkalan Bun, cho báo chí biết tàu JS Onami (Nhật Bản) và tàu KD Kasturi (Malaysia) mỗi tàu đã tìm được 1 thi thể nạn nhân. Như vậy có tổng cộng 39 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy cho tới nay. Số lượng nạn nhân tìm được giảm mạnh trong hai ngày nay, hôm qua có 3 người và hôm nay chỉ có 2 người. Người ta tin rằng có nhiều nạn nhân đang kẹt bên trong thân máy bay nằm dưới đáy biển.
Tư lệnh Hải quân Abdul Aziz Jaafar của Malaysia nói rằng khu vực tìm kiếm đã được mở rộng thêm 17 hải lý (31,4km) nữa về hướng đông, nâng tổng diện tích khu vực tìm kiếm lên 22.110 hải lý vuông (57.200km vuông). Tuy nhiên, các nỗ lực tìm kiếm vẫn bị thời tiết xấu cản trở, tầm nhìn vào buổi sáng nay chỉ có 3 hải lý (5,5km).
Vào lúc 18g13ph, ông Fransiskus Bambang Soelistyo, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (BASARNAS), cho biết các hoạt động tìm kiếm của các con tàu hôm nay không đạt được tiến bộ nào đáng kể. Sóng cao tới 3 mét và các người nhái không thể xuống nước. Vào buổi sáng, ông này loan báo nhờ thời tiết tốt hơn, một số người nhái đã bắt đầu lặn tìm kiếm dưới đáy biển.
Buổi trưa, Tướng Moeldoko, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI), viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông đang trên đường bay tới thị trấn Pangkalan Bun để kiểm tra các hoạt động tìm kiếm. Vào lúc 13g13ph, viên tướng này lại viết trên Twitter: “On my way to the USS Sampson to see the rescue of #AirAsia8501 — Moeldoko (@GeneralMoeldoko) January 6, 2015” báo tin ông đang đáp trực thăng US Seahawk của Mỹ tới tàu Hải quân Mỹ USS Sampson đang tham gia tìm kiếm ngoài khơi đảo Borneo. Tới 17g20ph, khi từ ngoài khơi trở vào bờ, Tướng Moeldoko nói mình đã tận mắt nhìn thấy điều kiện tìm kiếm khó khăn như thế nào ngoài biển, Từ Pangkalan Bun, thị trấn gần nơi tìm kiếm nhất, ông đã lặp lại lời mời các gia đình nạn nhân tới viếng vị trí máy bay lâm nạn để rải hoa tưởng nhớ những người thân yêu quá cố và để tận mắt nhìn thấy các hoạt động tìm kiếm diễn ra thế nào. Ông bảo đảm rằng quân đội sẽ cung cấp mọi điều kiện cần thiết để đưa các gia đình đi thăm hiện trường. Tướng Tư lệnh TNI cũng cám ơn tất cả các nước đã tham gia các hoạt động tìm cứu.
Vào lúc 14g37ph, cảnh sát tại thành phố Surabaya loan báo có thêm 3 nạn nhân nữa vừa xác định được danh tính. Như vậy tới nay mới có 16 nạn nhân đã được xác định nhân thân.
Nhà chức trách đã chuẩn bị các giấy chứng tử sẵn sàng để được cấp cho những nạn nhân đã xác định được nnân thân. Vào buổi sáng, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin hãng AirAsia Indonesia sẽ bồi thường ban đầu 300 triệu rupiah (32.000 đôla Singapore) cho mỗi người trên chuyến bay QZ8501 lâm nạn.
Lúc 15g, một đội tìm kiếm Nga đã phát hiện được các vật thể có thể là mảnh vỡ của chiếc máy bay lâm nạn. Đó là một vật thể lớn màu đỏ, cam và trắng được cho là phần đuôi máy bay. Họ cũng phát hiện một vật hình vuông màu đen.
Hôm nay, quá trình điều tra toàn diện về hoạt động của hãng AirAsia ở Indoneisa vẫn được nhà chức trách nước này tiến hành. 4 quan chức kiểm soát không lưu của sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya đã bị ngưng công tác. Theo giải thích của ông Wisnu Darjono, Giám đốc An toàn và Tiêu chuẩn thuộc Indonesia AirNav, cơ quan quản lý hàng không quốc gia, số quan chức này đã không kiểm tra kế hoạch bay đã được phê chuẩn cho hãng AirAsia Indonesia.
Coi mòi hãng AirAsia đang bị nhà chức trách Indonesia “bừa” tới nơi tới chốn. Đường bay Surabaya – Singapore đã bị đình chỉ từ ngày 2-1-2015 cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất. Chiều nay, một chuyến bay AirAsia nội địa giữa sân bay Kuala Namu ở Medan tới Palembang đã không được phép cất cánh do Bộ Giao thông – Vận tải đang xem xét lại tất cả các giấy phép bay của hãng AirAsia Indonesia. Sau khi xảy ra tai nạn với 162 người mất mạng, người ta mới phát hiện rằng đường bay Surabaya – Singapore của AirAsia Indonesia không được cấp phép bay vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Mặc dù trước đó, hãng này được phép bay hàng ngày trên tuyến này, nhưng những tháng qua, để cân đối lại lượng khách vận chuyển sang Singapore, Bộ GTVT chỉ cho phép AirAsia bay mỗi tuần 4 chuyến trên tuyến này vào các ngày thứ Hai, thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy. Nhưng thực tế là lâu nay, AirAsia vẫn bay vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật mà chẳng ai nói năng gì. Thậm chí lịch bay này vẫn xuất hiện trên các trang web du lịch, book vé. Trong khi đó, phía Singapore vẫn khẳng định họ đã cấp phép cho hãng AirAsia bay hàng ngày trên tuyến này. Bà Margaret Tan, Giám đốc Vận tải hàng không thuộc Cục Hàng không Dân sự Singapore (CAAS), trong lá thư đăng trên báo Today (6-1-2015), viết: “Không cần phải có sự điều phối giữa các nhà chức trách 2 nước trong việc phê chuẩn các lịch bay của các hãng hàng không. Đây là một thông lệ quốc tế.” Theo đó, nếu xem xét thấy hãng AirAsia hội đủ các điều kiện mà mình đưa ra, nhà chức trách Singapore có quyền cấp phép cho các chuyến bay giữa Singapore và Indonesia. Còn chuyện phía Indonesia là giữa AirAsia và nhà chức trách nước này.
Tội nghiệp cho AirAsia vừa phải lo giải quyết hậu quả tai nạn hàng không chết người đầu tiên của mình, vừa phải lo đối phó với nhà chức trách Indonesia. Có lẽ ít nhất có 2 đối tượng sẽ hưởng lợi nếu như AirAsia bị kết luận là vi phạm lịch bay đã được nhà chức trách phê chuẩn, đó là các hãng hàng không đối thủ và hãng bảo hiểm.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 6-1-2015)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.