Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Đứt cáp quang, chớ để đứt lòng tin

aag-cablesystem-02

 

 

Xin nói ngay để khỏi bị suy diễn: lòng tin ở đây là đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Sau khi đường cáp quang quốc tế AAG bị đứt lần mới nhất ngày 5-1-2015, hoạt động Internet trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn thoi thóp. Mặc dù các nhà mạng nói rằng hệ thống Internet nội địa (với các trang web có đuôi là .vn) vẫn “hoạt động bình thường”, nhưng thực tế mấy ngày nay nó cũng chập cheng, có triệu chứng bị quá tải khi có nhiều người đổ dồn vào. Mà giao dịch Internet lớn nhất xưa nay và trên toàn thế giới vẫn là với mạng quốc tế. Ngay cả nhiều website có đuôi .vn cũng sử dụng những dịch vụ tích hợp của nước ngoài. Là một Netizen (hỗng nên đọc là net-gian, tội nghiệp) như tôi, nhà lại chơi cả cáp quang lẫn ADSL, vậy mà từ cái ngày định mệnh 5-1-2015 tới giờ, mỗi lần muốn mở một trang web, phải click vào cái link Favourite rồi bỏ đi nằm phè cánh nhạn giờ lâu mới mở nổi, mà cũng hên xui.

Cùng với xu hướng phát triển công nghệ và tăng cường hội nhập quốc tế, Internet đã trở thành “một điều tất yếu của cuộc sống” ở Việt Nam. Số liệu thống kê năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện có 41% dân số Việt Nam đã được tiếp cận Internet, trong đó thuê bao Internet băng thông rộng cố định (ADSL, cáp quang) đạt 7 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 140 thuê bao/100 dân. trong năm 2014, có khoảng 27,5 triệu thuê bao phát sinh lưu lượng của dịch vụ 3G. Trong thực tế, người dùng di động cũng chủ yếu là để lướt web, vào các mạng xã hội. Điều này cho thấy, mạng Internet mà chập cheng có ảnh hưởng sâu rộng tới chừng nào trong cuộc sống mọi mặt ở Việt Nam.

Trong những ngày qua, các dịch vụ thư tín điện tử miễn phí như Yahoo Mail, Google Mail,… đều ì ạch hay gián đoạn. Những thư có đính kèm tập tin rất khó gửi đi. Đặc biệt nhiều người, nhiều doanh nghiệp dở khóc dở cười khi những người, những đối tác ở nước ngoài không hay biết tình hình Internet ở Việt Nam lúc này mà vẫn gửi những thư từ giao dịch có đính kèm những tập tin dung lượng lớn như bình thường trước đây.

Nếu có cơ quan nào đứng ra thống kê con số thiệt hại mà người Việt Nam phải chịu do Internet chập chờn (nếu không muốn nói là thoi thóp), ắt con số sẽ rất khủng khiếp. Có biết bao người dùng Internet chịu thiệt hại vì không thể gửi được các hồ sơ giao dịch, bản mẫu thiết kế,… đúng thời hạn. Ở nước ngoài, người ta đâu có quởn mà chờ đợi từ Việt Nam.

Việc bị cắt đứt thông tin giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài gây ra những tổn hại không chỉ về kinh tế, giao thương mà còn phải tính tới đối ngoại, chính trị và những khía cạnh khác. Giả như một thế lực xxx nào đó muốn phá Việt Nam, làm cho mọi hoạt động của ta bị khốn đốn, chúng chỉ cần cho thiết bị lặn tự động hay người nhái mò vào cắt phăng sợi cáp Internet là có chuyện ngay. Cắt thì dễ và chỉ “30 giây”, còn nối lại mới gian nan.

Bản thân mình thì rõ rồi, bạn hãy nhìn chung quanh xem tâm trạng của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, ra sao trong mấy ngày Internet có cũng như không vừa qua. Chán nản, bực bội, quạu quọ… rồi chửi tá lả âm binh lên, từ hạ tầng cơ sở tới thượng tầng vĩ mô đều “dính đá”.

aag-cablesystem-06b

Thôi, tôi nói chuyện khác, không lún sâu vào những khó chịu và thiệt hại nữa, vì không đủ năng lực nói hết đâu.

Tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia – America Gateway – AAG) là 1 trong 4 tuyến cáp quang biển mà Việt Nam kết nối với mạng Internet quốc tế. Dung lượng tuyến AAG lớn nhất so với 3 tuyến SE-ME-WE-3, TVH, và IA. Nó chiếm tới 40% băng thông quốc tế giữa Việt Nam ra thế giới bên ngoài. Tuyến cáp này dài 20.000km, nối Đông Nam Á với Mỹ qua Thái Bình Dương, vận hành từ tháng 11-2009. Vốn đầu tư 500 triệu USD gồm 19 đối tác là các doanh nghiệp của Anh, Ấn Độ, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, Úc và Việt Nam (có tới 4 doanh nghiệp: VNPT, Viettel, FPT Telecom, và Saigon Postel Corporation).

aag-cablesystem-04

aag-cablesystem-05

Trong kỷ nguyên Internet và xu thế cả thế giới cùng kết nối với nhau qua mạng Internet, cũng như đang vào đầu thời kỳ “Internet cho vạn vật” (Internet of Things) khi mọi thứ trên đời này đều được kết nối với nhau qua Internet, vai trò của đường kết nối Internet càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nó ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, kể cả an ninh, quốc phòng và chính trị.

Đó là lý do mà các cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải vào cuộc, xây dựng một chiến lược Internet bền vững. Cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường trục Internet quốc gia và quốc tế của Việt Nam cần có giải pháp bảo đảm sự thông suốt Internet. Không còn có thể chấp nhận được tình trạng cứ vài tháng, nửa năm lại xảy ra sự cố Internet chập cheng do đứt cáp quang như vậy. Trong năm 2014, tuyến cáp quang AAG đã đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9. Mới vào đầu năm 2015 lại đứt thêm lần nữa. Mà mỗi lẫn đứt cáp như vậy, thời gian sửa chữa và khôi phục lâu tới trên dưới 1 tháng.

Với tần suất sự cố nhiều như vậy, phải chăng cần phải xem xét lại chất lượng xây dựng và điều hành của tuyến cáp quang AAG? Đành rằng đây là hệ thống quốc tế gồm nhiều nước, mà Việt Nam là một đối tác tham gia, nhưng không phải vì thế mà chúng ta phải bó tay, chịu lệ thuộc vào cái ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh của nó. Cần phải có giải pháp gia cố, thay đổi sao cho bền chắc hơn chứ không thể chỉ đơn giản là chữa cháy sau khi bị sự cố.

Tất nhiên, sự cố đứt cáp quang AAG không phải lỗi trực tiếp của các nhà mạng Việt Nam. Họ chỉ là những đối tác. Nhưng họ có trách nhiệm gấp đôi vì vừa là những người tham gia xây dựng tuyến cáp này, vừa là những nhà cung cấp dịch vụ Internet cho người tiêu dùng đầu cuối. Tình trạng chập chờn của toàn hệ thống Internet Việt Nam mỗi khi cáp quang AAG gặp sự cố cho thấy dung lượng dự phòng của ta giờ đây đã không còn tương xứng với tốc độ phát triển Internet.

Rõ ràng chúng ta ghi nhận những nỗ lực “chữa cháy” trong khả năng của mình của các ISP khi phải điều tiết lưu lượng giữa các tuyến nhằm khắc phục phần nào ảnh hưởng bởi sự cố trục AAG bị đứt đoạn.

Trong kinh doanh là phải sòng phẳng và chơi đúng luật chơi. Một lần thì thiên hạ còn thể tất, du di. Nhưng từ lần thứ 2 trở đi là đã khó “dĩ hòa vi quý” được rồi. Nên chăng các nhà ISP có chính sách bồi thường bằng cắt giảm cước cho khách hàng trong thời gian chất lượng Internet mà họ cung cấp quá tệ (điều này tệ tới đâu thì họ biết rõ hơn ai hết).

Nhưng tốt nhất cho tất cả vẫn là không thể để mọi hoạt động của cả một nước lại chịu lên bờ xuống ruộng chỉ vì một sợi cáp quang. Và rõ ràng thực tế cho thấy, không thể phó mặc chuyện này cho các doanh nghiệp, bởi ngoài chuyện năng lực, còn có vấn đề lợi ích kinh doanh trước mắt và cục bộ. Bên cạnh việc mở thêm đường kết nối, tăng dung lượng đường truyền, bắt buộc phải có các phương án dự phòng. Ngày nay, đường kết nối Internet có tầm quan trọng gộp cả đường dây thông tin, liên lạc và đường giao thông, giao thương.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-1-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

Có thể đọc bản đăng trên báo Tuổi Trẻ Online

 

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, từ khi bắt đầu vận hành từ cuối năm 2009 tới nay, tuyến cáp quang biển AAG thường xảy ra tình trạng bị đứt và mất đường truyền. Sự cố xảy ra nhiều nhất là ở đoạn giữa Hồng Kông và Singapore. Đoạn giữa Hồng Kông và Philippines ít xảy ra sự cố hơn. Còn đoạn từ Philippines tới Mỹ thì khá ổn định.

Trong số các nước sử dụng cáp AAG, chỉ có hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Việt Nam và Malaysia, mỗi khi đứt cáp AAG là coi như toàn hệ thống Internet của hai nước này gần như tê liệt. Nguyên nhân chính là hai nước này quá phụ thuộc vào cáp AAG và dung lượng dự phòng quá thấp. Trong khi các nước khác ngoài AAG còn kết nối với nhiều tuyến cáp Internet quốc tế khác với dung lượng lớn nên khi xảy ra sự cố có thể điều tiết dung lượng Internet của nước mình, ít gây hậu quả cho các dịch vụ Internet hơn.

Việt Nam đã nhiều lần bị tê liệt hoạt động Internet vì sự cố cáp AAG, đặc biệt là ở khu vực cáp AAG cập bờ ở Vũng Tàu. Năm 2011 xảy ra 3 vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (10-3, 6-8 và 31-8) và 1 vụ bị ảnh hưởng bởi vết đứt ở đoạn cáp giữa Hồng Kông và Philippines (2-10). Năm 2013 xảy ra một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu (ngày 20-12) làm mất khoảng 60% dung lượng Internet quốc tế. Năm 2014 xảy ra một vụ đứt cáp ngoài khơi Vũng Tàu (15-7) và một vụ đứt cáp ở ngoài khơi Hồng Kông (ngày 15-9).

Các sự cố cáp AAG ở đoạn cập bờ Vũng Tàu chỉ gây ảnh hưởng cho một mình Việt Nam.

Nguyên nhân thường xuyên gây ra đứt cáp ở ngoài khơi Vũng Tàu được cho là một phần bởi chất lượng thiết kế đường cáp AAG quá tệ, phần khác vị trí được chọn cập bờ là khu vực có quá nhiều tàu bè qua lại khiến đường cáp dễ bị các mỏ neo làm đứt.

 

Trang tin Rappler.com (23-9-2014) trích dẫn lời ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom, nói trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Tôi phải nói rằng hệ thống cáp AAG được xây dựng với một thiết kế kỹ thuật dưới tiêu chuẩn, đây là nguyên nhân chính đằng sau những sự cố đứt thường xuyên của nó.”