Thứ Sáu ngày 20 tháng 12 năm 2024

Biển Đông ngày càng đông máy bay, tàu chiến

 

Biển Đông ở năm thứ 15 của thế kỷ 21 vẫn tiếp tục gia tăng cường độ dậy sóng. Thuộc Thái Bình Dương, vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông trải dài từ Eo biển Singapore và Malacca tới Eo biển Đài Loan này bao gồm lãnh hải của các nước và vùng lãnh thổ lần lượt theo chiều kim đồng hồ từ phía bắc là Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

Biển Đông xưa nay có vị trí địa – chính trị đặc biệt. Bên cạnh trữ lượng dầu khí và hải sản dồi dào, đây cũng là tuyến đường biển tấp nập thứ 2 trên thế giới, mỗi năm có khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thông thương.

Trong những năm gần đây, Biển Đông trở thành một điểm nóng trên bản đồ thời sự quốc tế do Bắc Kinh tự cho rằng mình đã đủ lực bắt đầu công khai thực hiện mưu lược độc chiếm Biển Đông, khởi sự bằng việc áp đặt đường ranh giới tự vẽ (gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn”) đòi chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Và như vậy, Trung Quốc phải tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước và vùng lãnh thổ nằm chung quanh Biển Đông. Không chỉ bằng những đòn phép ngoại giao, thủ đoạn chính trị, Bắc Kinh còn không ngần ngại tung sức mạnh quân sự ra để lấn chiếm.

Chính thái độ hung hãn và bất chấp công pháp quốc tế của Bắc Kinh đã khiến Biển Đông dậy sóng và thậm chí nhuốm máu những người bảo vệ chủ quyền và những ngư dân vô tội.

Và cũng chính cách hành xử của Bắc Kinh đã mở đường cho Mỹ và những cường quốc khác trở lại Biển Đông. Họ không chỉ có chính nghĩa là giúp thực thi và bảo vệ công pháp quốc tế, mà còn có trách nhiệm với những thỏa thuận song phương, đa phương với những đồng minh, đối tác của mình trong khu vực này.

PHILIPPINES-CHINA-MARITIME-DIPLOMACY-MILITARY

Trung Quốc vẫn tiếp tục cho xây dựng các công trình trên những hòn đảo mà họ xâm chiếm ở Biển Đông với ý đồ làm thay đổi hiện trạng Biển Đông hòng có lợi cho họ sau này. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).

 

Tàu chiến Mỹ có mặt ở Biển Đông nhiều hơn. Máy bay Mỹ cũng bắt đầu tuần tra ở Biển Đông. Washington không thể đứng ngoài cuộc khi Biển Đông nằm trong chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng tăng cường hợp tác với Mỹ để cậy nhờ sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới này bảo vệ sự an nguy và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Sau nhiều năm “xua đuổi”, giờ đây Philippines trải thảm đỏ mở rộng cửa để tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ quay trở lại sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ nước mình.

Nhật Bản cũng tích cực cho kế hoạch sửa đổi bản hiến pháp hòa bình để cởi trói cho mình hầu có thể tự bảo vệ và tiếp sức cho các nước bạn bè trong khu vực. Lâu nay, Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản chủ quyền những hòn đảo ở Biển Hoa Đông. Việc Trung Quốc độc chiếm được Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới 60% nguồn cung cấp năng lượng cho Nhật Bản. Đó là lý do để Tokyo tăng cường và mở rộng hợp tác quân sự với các nước đang bị Trung Quốc tranh chấp Biển Đông. Sau thỏa thuận cung cấp 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát Biển Việt Nam, Nhật Bản hiện đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung trên biển lần đầu tiên với Philippines. Tokyo cũng đang đẩy mạnh kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí với Malaysia và Indonesia. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tuyên bố nước ông đang xem xét việc triển khai tàu chiến và máy bay tuần tra trên Biển Đông. Ngoài Mỹ là đồng minh số 1, Nhật Bản đang tăng cường quan hệ hợp tác với Úc, Đức,… Chuyến công du lần đầu tiên kể từ năm 2008 của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Tokyo trong hai ngày 9 và 10-3-2015 được ghi nhận như một dấu hiệu mở đường cho sự hàn gắn lịch sử giữa Nhật Bản và châu Âu.

Ấn Độ cũng đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào những nỗ lực gìn giữ hòa bình ở Đông Nam Á. Nữ Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tại sự kiện hàng năm lần thứ 7 Đối thoại Delhi về quan hệ Ấn Độ-ASEAN ngày 11-3-2015 cho biết hiệp ước hàng hải Ấn Độ – ASEAN mà các bên đang thương thảo có thể ra đời vào cuối năm 2015. Cũng nhân sự kiện này, Ấn Độ đã mời các nước ASEAN tham gia Sáng kiến Make-in-India để tăng cường sâu rộng hơn sự hợp tác, phục vụ cho mục tiêu tăng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và đạt 200 tỷ USD vào năm 2022. Mà có quyền lợi thì phải có trách nhiệm với nhau.

Trong khi đó, trước sự đe dọa vũ lực từ Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á phải tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình. Ngày càng có thêm nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu hiện đại được họ mua về. Chẳng ai ham hố chuyện Biển Đông ngày càng bị phủ màu quân sự. An ninh và ổn định của Biển Đông trước hết có lợi cho các nước và vùng lãnh thổ có liên quan. Và rộng ra là cho cả thế giới xưa nay vốn hưởng lợi từ vùng biển này, cụ thể là giao thương đường biển.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-3-2015)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TPHCM 14-3-2015.